Cẩm Giàng
Chiều nay buồn quá. Sài Gòn nắng rồi Sài Gòn mưa. Tôi vẫn đi về trên những con đường quen thuộc. Cây xanh và bụi bặm, đông người và không đông. Chợt thèm cảm giác lắc lư trên một chuyến xe nào đó. Thèm cảm giác đứng trước một không gian xa xôi nào đó.
Thỉnh thoảng tôi nhớ những chuyến tàu, mặc dù tôi không thích đi tàu. Bao nhiêu năm nay tôi chỉ đi duy nhất chuyến tàu Hà Nội - Hải Phòng.
Và nhớ Cẩm Giàng.
Không bao giờ tôi bay thẳng chuyến bay Sài Gòn - Hải Phòng, chỉ trừ có một lần vào ngày mất của ông ngoại. Nhưng ra Hà Nội thì bao giờ tôi cũng về Hải Phòng, thăm bà ngoại. Tôi từ chối mọi chuyến ô tô, mang hành lý leo lên tàu và ngồi yên lặng lắng nghe tiếng tàu chạy xình xịch, tiếng kim loại thỉnh thoảng khua vào nhau vang lên loảng xoảng đâu đó. Mãi cho đến bây giờ, trừ khi bất đắc dĩ cần về nhanh Hải Phòng có việc, lúc nào tôi cũng chọn đi tàu.
Bao giờ tôi cũng chọn chuyến tàu chiều để về Hải Phòng khi trời đã tối. Buổi chiều trời mát hơn, dịu hơn và ngắm được bóng tối dần dần tràn đến, phủ kín khoang tàu. Rồi những ánh sáng đèn được bật lên, biến chuyến tàu thành một dải sáng dài đi qua những vùng tăm tối.
Tàu dừng ở mỗi ga, hành khách lên và xuống, chủ yếu là dân quê, dân buôn bán và sinh viên. Tôi ngồi im lặng ở một góc ghế ngồi, nhìn ra cửa sổ, thờ ơ với mọi tiếng rao hàng lanh lảnh. Nhưng khi đến ga Cẩm Giàng, bao giờ cũng như có điều gì làm cho tôi không thờ ơ được nữa. Tôi nhìn qua cửa toa tàu, mong tìm lại không khí cũ xưa của gần 100 năm về trước, khi Thạch Lam viết truyện ngắn "Hai đứa trẻ". Hai đứa trẻ của thị trấn tỉnh lẻ heo hút, nhìn theo con tàu mang ánh sáng rực rỡ của đô thành, như khát khao hướng về một vùng đất mới, kỳ bí và nhiều lạ lẫm.
Kỳ lạ là lần nào đi qua Cẩm Giàng, tôi cũng nghĩ về một miền quê từng nuôi dưỡng nhiều nhà văn lãng mạn tài năng của dòng họ Nguyễn Tường: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam. Tỉnh lẻ buồn, tỉnh lẻ nghèo nhưng tâm hồn và ngòi bút của các nhà văn ấy đã chuyển cái buồn, cái nghèo thành sự thi vị, lãng mạn hiếm có. Trong truyện của những nhà văn ấy, không có nhiều những nhân vật ác, mà ngược lại, trên những trang viết, tỏa sáng những tâm hồn trong trẻo, ngọt ngào. Trang trại cũ của gia đình Thạch Lam vẫn còn đó và con đường dẫn vào trang trại nay mang tên của chính nhà văn.
Hai đứa trẻ ngóng chuyến tàu về đêm như ngóng về miền ánh sáng. Và tôi tin, nhiều đứa trẻ nghèo trên đất nước Việt Nam, gần một thế kỷ trước, cũng lặng ngắm những chuyến tàu. Gần một thế kỷ trước, những chuyến tàu đại diện cho một nền văn minh phương Tây còn xa lạ nhưng đầy sức hấp dẫn. Còn bây giờ, những chuyến tàu chỉ đơn thuần là một phương tiện giao thông nghèo nàn và bất tiện nhiều điều.
Nhưng Cẩm Giàng chắc là một ngoại lệ. Ở cái phố huyện nửa cổ nửa kim này, với cái ga xép nghèo nàn, tôi tin mỗi ngày những chuyến tàu đi qua, vẫn là những chuyến tàu mang chút mưu sinh đến cho người dân vùng này.
Hai đứa trẻ đã lớn. Nhưng sẽ vẫn còn những đứa trẻ khác, hàng đêm ngóng chuyến tàu và mong sẽ có ngày đặt chân lên chuyến tàu ấy để đến những vùng đất khác.