Em là dân chuyên ngành, năm nay hoặc năm sau em sẽ học tiếp Tiến sĩ Ngôn ngữ Anh và em chả ủng hộ gì các cụ các mợ gửi con cháu đi học từ bé vì em thấy quá phí tiền. Em trình bày sơ qua vậy không phải để khoe gì, em chỉ muốn các cụ các mợ hiểu em không phải dân tay ngang nói cho vui. Nhà em biết đủ thứ tiếng, mẹ em dân Nga rồi chuyển đổi Anh, bác em dân Pháp rồi học cả Anh (B1 hết cỡ nhưng thế cũng là khá rồi vì tự học), anh ruột em tiếng Hàn và Anh, bố em Đức, v.v. nhưng chả ai học từ bé cả. Nói đơn giản thì cần gì học nấy, không cần chuẩn bị trước làm gì cho mất công. Độ 20 năm sau Nga và Trung nó bá chủ thế giới thì lại xoay sang học 2 tiếng này chứ biết làm sao? Tùy thời mà mình học thôi và mỗi thứ nên biết một ít. Ví dụ IELTS đến 5.0 là được rồi và để được mức này chăm chỉ và nhanh thì 1 năm là xong sau đó xoay sang học các tiếng khác.
Mẹ em học Nga vì hồi đó nghề phiên dịch này cũng hót. Sau sang Anh vì chuyển đổi, cái này chắc nhiều cụ 7x hay 8x từng phải học các thầy cô từ tiếng Nga bay sang. Bác em học Pháp vì ông em hồi xưa học Pháp từ bé tới lớn nên cũng có tí yêu thứ tiếng này. Mà hồi đó cũng ít trường nên cả 2 học luôn ngoại ngữ vì gần nhà. Cái này là do hoàn cảnh.
Bố em nói tiếng Đức vừa đủ để buôn bán vì hồi xưa đi xuất khẩu bên đó. Dĩ nhiên là trình độ phọt phẹt thôi vì bố em dân tỉnh, thời gian đầu tư học hành ở giai đoạn 197x và 198x là rất hạn chế. Cái này cũng do hoàn cảnh.
Anh em trúng học bổng đi Hàn và đang dùng thứ tiếng này để kiếm sống và học tiếng Anh vì bậc học cao hơn họ yêu cầu học chính bằng tiếng Anh. Trước khi sang Hàn không biết gì, sang đấy học từ đầu. Tiếng Anh thì cũng học đơn giản, sau này mới cày trâu bò. Cái này cũng là do hoàn cảnh.
Em học chính tiếng Anh, vì em thích đi dạy. Sau này tuy em ít dạy nhưng em vẫn gắn bó vì làm dịch, nghiên cứu ngôn ngữ cũng đều là tiếng Anh cả. Hồi em học tiếng Anh còn bị cả nhà bu vào chửi vì sợ không có đầu ra công việc (đúng là khó xin việc thật). Em biết cả Pháp vì học Thạc sĩ và Tiến sĩ phải có Ngoại ngữ 2 mà em đăng ký chậm hơn bọn con gái nên phải học tiếng Pháp (trường em thừa khá nhiều giáo viên liên quan và khóa em hơn 20 lớp thì 1/2 số lớp phải học cái thứ tiếng khó nhằn này). Em học thêm cả Trung, Hàn để làm ăn và bản thân em toàn phải đi xách đồ kẹp nách nên biết tầm đơn giản là đủ. Em học để kiếm ăn và bị buộc phải học (trừ tiếng Anh là do mình thích).
Em và mấy người thân trên đều học với một mục đích rất rõ ràng chứ chả ai ép cả. Cái gì thấy cần thì sẽ tự phải chổng mông lên mà học. Thời đại này em thấy có khá nhiều người giống mình. 1 ông anh đi Hàn xuất khẩu, 1 ông anh khác đi Đài Loan xuất khẩu, 3 cu em họ sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp, 1 bà dì bên vợ học tiếng Hàn để làm việc với sếp Hàn dễ hơn (dùng tiếng Anh hơi hạn chế vì cả 2 không học chuyên), v.v. Thường em thấy chỉ 1-2 năm học một thứ tiếng là bắt đầu dùng được. Vấn đề là cách học và định hướng rõ ràng. Em chưa gặp ai được học từ bé cả, phải thành thật mà nói như vậy. Nhưng em không đả kích các cụ mợ đầu tư mạnh cho con từ bé. Thích là nhích thôi.
Với cá nhân em, em quan trọng nhất 2 vấn đề sau:
1. Khả năng tự học. Tức là tự tra từ, tự làm bài tập và hiểu thật sự. Thầy cô rất quan trọng nhưng thời gian mình tự mày mò phải nhiều gấp nhiều lần thời gian học với thầy cô. Học sinh của em ít người có khả năng này trừ các bạn học công nghệ thông tin. Các bạn này rất hay hỏi và tự đọc tài liệu ngữ pháp trên mạng rất thường xuyên. Trong khi mấy đứa dân chuyên thì chả bao giờ hỏi dù thực tế em kiểm nghiệm không phải bạn nào cũng nắm vững kiến thức. Cách học và thái độ học ảnh hưởng rất lớn đến sự tiếp thu của người học, bất kể trình độ nào.
2. Khả năng phản xạ. Em bật lên rất nhanh khi bắt đầu ra nước ngoài chơi và mấy lần đi dịch cho các đoàn làm việc. Những ai không có cơ hội giao lưu như em thì thường vẫn bị mắc ở một khâu nào đó và không tự đột phá được. Có giai đoạn em dùng tiếng Anh như tiếng Việt, tức là tư duy hoàn toàn và sống hoàn toàn bằng tiếng Anh (giống dân du học). Sau giai đoạn đỉnh cao đó thì nhiều kỹ năng đi xuống nhưng những gì em đạt được thì đúng là các năm trước cộng dồn lại không thể bằng. Cụ nào xem phim Inception rồi thì hãy hiểu là em có một cú "huých" đi.
Để giải quyết 2 vấn đề trên theo em nghĩ cái cần nhất là MÔI TRƯỜNG.
1. Thay vì ép các cháu học hãy cho các cháu chơi mà học. Cho xem phim hoạt hình, nghe nhạc và đọc các bản tin, xem tranh ảnh sự kiện liên quan tới tiếng Anh hoặc tiếng nào liên quan.
2. Cho các cháu đi giao lưu với các đoàn khách nước ngoài hoặc có thầy cô giáo ngoại quốc ví dụ các cuộc thi chạy, các hoạt động tình nguyện. Tây Á Phi được hết nhé, đừng đặt tiêu chuẩn cao quá!
3. Không cần cho các cháu học bài bản ngay từ đầu vì sẽ tạo áp lực rất lớn. Chia nhỏ các bài giảng ra và quay vòng nhiều lần. Như em dạy sách cấp 1 thì mỗi buổi học có 6 từ. Chơi là chính, bài tập chỉ làm vui vui.
4. Để đột phá buộc phải cho các cháu ra nước ngoài tham gia một số khóa hè hoặc cho hoạt động một sự kiện mà phải sống và làm việc bằng tiếng Anh trong một khoảng thời gian 1-2 tháng (trại hè, hoạt động tình nguyện).
5. Quan trọng nhất là bố mẹ tham gia vào quá trình học cùng các cháu. Bố mẹ dùng thì con sẽ dùng theo. Bố mẹ hay các bác em chả bao giờ dùng tiếng ở nhà trừ một bác hay nói bồi. Em bị ảnh hưởng từ bác này nhiều hơn cả.
6. Tạo cho các cháu một thói quen đọc, em gọi vui là input, rồi dạy các cháu ngữ pháp để viết (không phải ngữ pháp làm bài tập) (như viết thư, miêu tả tranh, người) xem các cháu thể hiện cái output ra sao.
7. Khuyến khích các cháu đọc các tài liệu tiếng Anh trên mạng. Miễn sao các cháu phải ngộ ra rằng những gì học trong sách không giống với những gì thực tế Tây dùng. Tự các cháu sẽ mày mò tìm hiểu tiếp.
8. Dạy các cháu kiến thức về xã hội, đặc biệt là dạy cách quan sát. Tây ta Tàu Hàn cho tiếp xúc hết, nhưng nhấn mạnh vào tiếng Anh thì tiếp xúc tiếng Anh nhiều hơn. Không thiếu phim cho trẻ con của Tây mang tính giáo dục rất cao.
9. Cho các cháu nghe nhạc tiếng Anh và hát theo (có lời càng tốt). Khi quen nhạc, thuộc lời các cháu sẽ vô thức hát theo rồi hình thành thói quen tự tìm bài hát mới mà nghe. Em thấy học sinh chuyên đa phần đều như vậy.
Từ bé xây dựng môi trường như trên (bớt 1-2 gạch đầu dòng nếu không phù hợp) đến tầm lớp 6, 7 bắt đầu học nghiêm túc nhưng không ép. Tới năm lớp 8 thì học ngữ pháp chỉn chu và lớp 9 ôn thi vào các trường chuyên. Kể cả trượt, vốn tiếng của các cháu cũng rất tốt. Nhiều cháu khi đã giỏi (làm bài tập, giải đề) mới bắt đầu vỡ ra là mình chưa dùng tiếng Anh như một ngôn ngữ mà mới chỉ học đối phó là chính. Cái này có lẽ là hơi ngược đời nhưng đa số là bị như vậy. Đây cũng chính là do tại sao em phản đối các cụ các mợ quẳng con cái vào mấy lò luyện. Hãy xây dựng môi trường cho các cháu, yếu đâu học đó lúc đấy tự các cháu sẽ thấy mình đạt được cái này cái kia, vỡ ra thứ này thứ khác rồi tự xây dựng ý thức học tập cho bản thân mình. Cứ làm như cách em chỉ bên trên, xây dựng giúp các cháu một môi trường tiếng trong chính gia đình mình, các cháu giải đề điểm có thể không cao bằng các bạn khác nhưng các cháu đang dùng tiếng thật sự chứ không phải học đối phó. Đó là tiêu chỉ em đánh giá rất cao.
Anh họ em (bằng tuổi) sang Mỹ khi mới học phọt phẹt B tiếng Anh còn anh em (bằng tuổi nốt) cũng học tiếng Anh tầm IELTS 5.0 khi bắt đầu lên Thạc sĩ ở Hàn. Thời gian học tính theo năm chắc 2 năm là đã đạt tới mức sau này không phải học thêm học nếm gì nữa. Dùng được không, có. Có bị đụt nghề, không. Mức độ tiếp xúc ngôn ngữ thế nào, rất thường xuyên. Vì họ học ít nhưng mà thực dụng, học là phải dùng được và có chỗ để dùng. Khi về nước thì thói quen sinh hoạt vẫn còn nên tự bản thân thấy tự có nhu cầu phải giao lưu, chuyện trò bằng ngôn ngữ mình đã từng tiếp xúc và tự họ sẽ tìm đến những nguồn ngôn ngữ họ có trong nước. Và quá trình học vì thế không ngừng lại mà tiếp tục giống kiểu chúng ta hay nói là học suốt đời vậy. Em có dạy mấy bạn lớn tuổi đi học thạc sĩ và hơi buồn là các bạn này không có thói quen kiểu sáng dậy xem qua tin thế giới, xem phim phụ đề, nghe mấy bài hát, tranh luận vài chủ đề trên 4rum, v.v. dù bài tập làm khá nhiều, nhưng cứ có cảm giác như là học đối phó vậy.
Nếu các cụ mợ có thể xây dựng được một môi trường đơn giản như 9 cái lưu ý của em thì tiền đóng vào mấy chỗ đốt tiền ở HN hay SG có thể dồn vào để các cháu đi học Thạc sĩ 2 năm, hoặc sang hơn là Cử nhân 4 năm. Trong 2 năm này (tối thiểu) các cháu sẽ có những bước đột phá lớn. Và nếu tiếp tục các thói quen khi còn đi du học thì tiếng Anh sẽ nhanh chóng thành một ngôn ngữ thứ 2. Tầm này bố mẹ khỏi lo gì cho các cháu nhé. Khi đã thành lối sống rồi thì khó dứt ra lắm!