Thớt ế, nhà cháu cóp vào đây bài để các cụ/mợ đọc giải trí!
Án oan
Thứ tư, 24/6/2020, 06:56 (GMT+7)
Năm 1999, anh Bùi Minh Hải bị xử tù chung thân về tội cướp của, giết người. Ngày nọ, một người khác thú nhận mình là thủ phạm.
Ông
Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận cũng nhận án tù chung thân về tội giết người. Ở tù 18 năm thì có người biết chuyện khai ra, thủ phạm thực sự bị bắt. Ông Nén được bồi thường oan hơn 10 tỷ đồng cho 18 năm tù về tội lỗi mà ông không phạm.
Trước đó nữa, hy hữu hơn, ông Huỳnh Văn Chiến ở Tiền Giang bị tuyên án tù chung thân về tội giết người. Nạn nhân là trưởng công an xã. Ông Chiến ở tù 16 năm, từ 1979 tới 1995, thì được tha tù do cải tạo tốt. Sau khi ông ra tù một thời gian, thủ phạm vụ giết người là Trần Văn U bị bắt. "Ai sẽ bồi thường 16 năm tuổi trẻ của tôi?", anh Huỳnh Văn Chiến nói với tôi. Bản án oan của anh được bồi thường bằng một trị giá vật chất, nhưng tuổi trẻ, tương lai, số phận đã rẽ sang hướng khác thì không bao giờ tìm lại được. Một người tù oan chung thân khác mà tôi không tiện nhắc tên, sau khi ra tù đã chìm sâu vào rượu để quên đi gần 20 năm oan khuất.
Năm 2013, bảy thanh niên ở huyện Trần Đề, Sóc Trăng bị bắt về tội giết người. Theo quyết định khởi tố, họ đã giết anh xe ôm Lý Văn Dũng để cướp xe. Khi vụ án sắp kết thúc điều tra, có hai cô gái 14 và 17 tuổi tới thú nhận họ chính là thủ phạm.
Trong nhiều năm làm báo, tôi đã trực tiếp gặp mặt nhiều người như thế. Còn rất nhiều những người
bị oan trong các vụ án tương tự như Hàn Đức Long,
Nguyễn Thanh Chấn... Họ đều đã trải qua quá trình điều tra, truy tố và xét xử từ sơ đến phúc thẩm, có những vụ án xử đi xử lại nhiều lần. Từ khởi tố đến khi án có hiệu lực, vụ án được lọc qua nhiều tầng lọc pháp lý. Do là tội đặc biệt nghiêm trọng, hội đồng xét xử là "hội đồng năm" (hai thẩm phán và ba hội thẩm) với những thẩm phán trung cấp trở lên. Các thẩm phán ấy đã có một quá trình dài làm công tác xét xử, được coi là có năng lực, trình độ cao.
Trong các vụ oan án trên, chưa có căn cứ nào cho thấy những thẩm phán tham gia xét xử có động cơ cá nhân, tiền bạc hay oán thù gì với bị cáo. Vậy thì vì sao với trình độ, bản lĩnh và năng lực như thế, họ lại tuyên những bản oan án thấu trời xanh như vậy?
Khoa học pháp lý có một khái niệm: Niềm tin nội tâm. Nói một cách nôm na, đó là hệ thống các tri thức, nhận thức, quan điểm mà thẩm phán có được sau một quả trình trải nghiệm và xác tín. Nó là điểm tựa tinh thần của thẩm phán khi kết luận sự việc, khi xác định đối tượng phạm tội và tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội để tuyên án.
Tôi nghĩ, với các vụ án oan trên, từ hồ sơ vụ án, thẩm vấn tại tòa và nghị án, các thẩm phán cũng dựa vào niềm tin nội tâm của mình. Nếu không, khó có thể lý giải vì sao họ tuyên những bản án không có công lý như vậy.
Tôi cho rằng niềm tin nội tâm của thẩm phán khi xét xử các vụ án ấy được dẫn dắt bởi những
bản cung có vấn đề. Tại tòa, nhiều bị cáo đã kêu oan, tuy nhiên tiếng kêu ấy không át được niềm tin nội tâm của thẩm phán và những lời khai nhận tội của họ. Ông Huỳnh Văn Nén ở tù oan 18 năm, và ông Nén có tới 50 lời khai nhận tội. Bảy bị can ở Sóc Trăng cũng có tờ khai nhận tội cho đến khi thủ phạm thật sự tự thú. Điều tra viên vụ án này đã phải lãnh án tù do nhục hình, bức cung. Khi "niềm tin bị cáo có tội" của thẩm phán được hình thành trên những bản nhận tội mà bị cáo ký do bị nhục hình, nó sẽ gây ra oan án.
Trong hoạt động tư pháp, ngoài thẩm phán, niềm tin nội tâm còn chi phối mọi người tiến hành tố tụng từ điều tra viên, kiểm sát viên, hội thẩm. Khi niềm tin nội tâm lấn át, nguyên tắc suy đoán vô tội sẽ bị xâm hại. Và như vậy, công dân sẽ thành tù dự bị, đời sống sẽ mất an toàn. Người nắm quyền tiến hành tố tụng sẽ có nhiều cơ hội lợi dụng quyền lực để trục lợi; còn công dân do lo sợ mất an toàn bởi việc lạm quyền, sẽ phải mua chuộc lo lót để được yên ổn. Khi đó, công lý có thể trở thành một món hàng.
Phá án triệt để, tránh bỏ lọt tội phạm là đòi hỏi chính đáng của xã hội, là mục tiêu cao cả để ngành tư pháp vươn tới. Nhưng nếu mải miết chứng minh điều đó mà gây ra oan án thì sẽ không đạt được mục tiêu nào. Bởi, khi có một người bị xử oan, có nghĩa là thủ phạm thật sự đã bị bỏ lọt.
Khi không chứng minh tội phạm một cách thuyết phục, hội đồng xét xử phải tuyên không đủ cơ sở buộc tội. Công lý chỉ có được từ những bản án như thế, chứ không phải từ những bản án tử hình gây tranh cãi.
Khi niềm tin nội tâm lấn át nguyên tắc suy đoán vô tội, công dân nào cũng có cảm giác bất an bởi nỗi lo chính mình có thể là một Huỳnh Văn Nén hay Nguyễn Thanh Chấn trong tương lai.
Đức Hiển
Năm 1999, anh Bùi Minh Hải bị xử tù chung thân về tội cướp của, giết người. Ngày nọ, một người khác thú nhận mình là thủ phạm.
vnexpress.net