WIKIMEDIA MÔ TẢ VỀ CÁC CUỘC GIAO CHIẾN Ở CAO ĐIỂM 772 VÀ Ở THANH THỦY, VỊ XUYÊN:
Tại Hà Tuyên, trong tháng 4-tháng 7 năm 1984, quân Trung Quốc đánh vào dải đồi thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang mà Trung Quốc gọi là Lão Sơn, gần cột mốc biên giới số 13. Núi Lão Sơn thực tế là một loạt các ngọn đồi chạy từ tây sang đông, từ ngọn đồi ở bình độ 1800 mét ở phía tây tới đồi bình độ 1200 mét ở phía đông. Ngọn đồi 1200 này phía Trung Quốc gọi là Zheyin Shan, và đây cũng là ngọn đồi duy nhất nơi chiến sự xảy ra ở phía đông sông Lô. Tất cả các cuộc giao tranh khác tại Vị Xuyên đều diễn ra ở phía tây sông Lô chảy vào Việt Nam.
Trung Quốc mở màn cuộc tấn công lúc 5 giờ sáng ngày 28 tháng 4 năm 1984 sau một đợt pháo kích ác liệt. Sư đoàn 40 thuộc quân đoàn 14 vượt biên giới theo bờ tây sông Lô, còn sư đoàn 49 (có lẽ thuộc quân đoàn 16 từ Quân khu Nam Kinh), tấn công và đánh chiếm đồi 1200.[10] Lực lượng phòng ngự Việt Nam bao gồm bộ binh từ sư đoàn 313 và khẩu đội pháo binh từ Lữ đoàn pháo binh 168 đành rút lui khỏi các ngọn đồi này.[11]
Quân Trung Quốc chiếm được ấp Na La và các đồi 233, 685, và 468[12], tạo nên một vùng lồi kéo dài khoảng 2,5km tại đồi 468 hướng về phía Việt Nam. Vị trí này được bảo vệ bởi vách đá dựng đứng có rừng bao phủ và dòng suối Thanh Thủy ở phía nam, chỉ có thể tiếp cận được bằng cách băng qua khoảng đất trống thung lũng sông Lô ở phía đông, và như vậy rất thuận lợi cho phòng ngự.[13] Tuy nhiên tại các nơi khác, chiến sự diễn ra giằng co từ ngày 28-4 cho tới 15-5, và các đồi 1509, 772, 233, 1200 (Zheyin Shan), 1030 (Đông Sơn) liên tục đổi chủ. Sau ngày 15 tháng 5, chiến sự tạm dừng, đến ngày 12 tháng 7 chiến sự lại bùng lên khi quân Việt Nam tổ chức tấn công tái chiếm các ngọn đồi này, rồi dừng hẳn, chỉ có các cuộc chạm trán hoặc đọ pháo lẻ tẻ.
Núi Bạc (nay là núi Giải Âm Sơn) bị Trung Quốc chiếm
Kết quả, quân Trung Quốc chiếm được một số ngọn đồi thuộc dải đồi này, gồm 29 điểm trong lãnh thổ Việt Nam. Trong số các vị trí mà quân Trung Quốc chiếm được có các đồi 1509 (Lão Sơn), 772 ở phía tây sông Lô và các đồi 1250, 1030, Si Cà Lá (Núi Bạc mà Trung Quốc gọi là Giả Âm Sơn-Zheyin Shan) ở phía đông sông Lô[5]. Chiến sự diễn ra dọc tuyến biên giới dài khoảng 11km, nơi quân Trung Quốc chiếm được sâu nhất trong lãnh thổ Việt Nam là đồi 685 và đồi 468, nằm cách biên giới khoảng 2km.
Giao tranh kéo dài dằng dai, nhưng không có nơi nào quân Trung Quốc tiến sâu được hơn vào lãnh thổ Việt Nam quá 5km, dù quân đông hơn nhiều[14]. Theo tin tình báo Hoa Kỳ, Việt Nam không thành công trong nỗ lực tái chiếm các vị trí bị mất, và Trung Quốc chiếm được 8 ngọn đồi[15]. Theo công bố chính thức của Việt Nam, Việt Nam tuyên bố tiêu diệt một trung đoàn và 8 tiểu đoàn quân Trung Quốc, "loại ra khỏi vòng chiến đấu" 5.500 quân Trung Quốc[16]. Tới tháng 8, Việt Nam tuyên bố nâng tổng số quân Trung Quốc bị loại ra khỏi vòng chiến đấu đến 7.500 quân trong vòng 4 tháng[17] Trung Quốc tuyên bố loại khỏi vòng chiến 2000 quân Việt Nam, mất 939 lính và 64 dân công chết[18]
Chú thích:
10^ Ziwei Huanji, Counterattack in Self-Defense against Vietnam, B.P. Mahony, làm việc cho Phân cục Tình báo của Cảnh sát Liên bang Úc được tiếp cận các tài liệu mật, cho biết có ít nhất 3 sư đoàn quân Trung Quốc tham gia tấn công (B.P. Mahony, "Sino-Vietnamese Security Issues: Second Lesson versus Stalemate," trình bày tại cuộc họp 'Asian Studies Association of Australia' tại University of Sydney, 12–16 tháng 5, 1986). Các nguồn khác xác định sư đoàn 31 thuộc quân đoàn 11 là đơn vị đánh đồi 1200. Không ngoại trừ trường hợp cả hai đơn vị này đều tham gia tấn công. Thậm chí nếu họ chỉ dùng hai sư đoàn để tấn công, quân Trung Quốc cũng có lợi thế về số lượng, với 24.000 quân chống lại chừng 10.000 quân của sư đoàn 313 của Việt Nam.
11^ Ziwei Huanji. Phía Trung Quốc cho biết các trung đoàn đơn lẻ thuộc các sư đoàn 316, 312, và 345 của Việt Nam tham gia trong trận phòng ngự này.
12^ Lịch sử Lữ đoàn pháo binh 168, 1978–1998 trang 32–43.
13^ B.P. Mahony, "Sino-Vietnamese Security Issues: Second Lesson versus Stalemate," trang 14
14^ "Trận Núi Đất" theo BBC
15^ "Trận Núi Đất" theo BBC
16^ Edward C. O’Dowd, trang 100
17^ "Intelligence," Far Eastern Economic Review, 2-8 năm 1984
18^Paul Quinn-Judge, "Borderline Cases," Far Eastern Economic Review, 21 tháng 6 năm 1984