Cụ Pain cho em ké tý nhé ! Bài viết của bác này bên KQH em mang sang đây, hôm em về Hà nội gặp bác ấy rồi ( bác vừa trong TP. HCM ra ) tự dưng em lại...quên mất tên :
Hôm nay là ngày 17/02/2013.
34 năm đã trôi qua, tôi vẫn nhớ những hình ảnh và những cảm xúc của anh em trong đơn vị tối ngày 17/2/1979 khi nghe đài TNVN đọc tuyên bố của CP về việc quân TQ đã đánh VN.
Tôi đảo một vòng qua 3 nhà : KQH, QSVN, NNBL, thấy ít bài viết về ngày này 34 năm trước quá. Thôi đành coppy lại bài viết của tôi trong topic của bác Baoleo nhân tròn 30 năm cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc của chúng ta chống bọn bành trướng xâm lược.
Ngày 17/02/1979 !
Đã 30 năm rồi kể từ cái ngày, cái buổi sáng hôm đấy, khi những lọat đạn đại bác của quân Trung Quốc xâm lược dội xuống các thôn bản suốt dọc biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Thời gian trôi nhanh quá. Những ai đang trong quân ngũ vào cái ngày 17/02/79 dù lúc đó mới chỉ là tân binh thì nay đã gần 50. Lúc đó Anh đang truy kích bọn khơme đỏ ở những cánh rừng già giáp biên giới Cămpuchia-Thái Lan hay Anh đang nổ súng đến đỏ nòng trước những đợt biển người quân phục Tô Châu xanh rì miệng hô tả tả… thì cái ngày 17/02/1979 là một ngày không thể nào quên. Với tôi, một chiến sỹ, cấp bậc binh nhì thuộc E 10 đang đóng quân ở Duyên Hải-Nhà Bè cũng không là ngọai lệ.
Tối 16/02/1979 tôi nằm mơ thấy máy bay Trung Quốc bay vào bắn phá nước ta. Chuyện cũng bình thường vì đã mấy tháng rồi kể từ ngày anh Lê Đình Chinh hy sinh ở cửa khẩu Hữu Nghị Quan, tình hình ở biên giới phía Bắc cực kỳ căng thẳng, lúc nào cũng chực chờ bùng nổ, nhất là từ khi ta giải phóng Phnômpênh. Những chuyện này đã đi cả vào giấc ngủ không chỉ của tôi. Cả ngày 17/02/1979 hôm đó, mọi sinh họat ở đơn vị vẫn diễn ra bình thường, không ai biết rằng chiến tranh giữa VN-TQ đã nổ ra. Giờ nghĩ thấy cũng lạ là sao cấp trên cũng không thông báo gì cái tin đặc biệt quan trọng như vậy ?
Sau khi ăn cơm tối xong, như thường lệ, anh em BTM E đứng nói chuyện phiếm ở đầu nhà thì từ chiếc đài nhỏ của anh Chung cơ yếu phát đi bản tin chiến sự đầu tiên ở biên giới phía Bắc cùng tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thông báo cho nhân dân cả nước và nhân dân thế giới về hành động điên cuồng trắng trợn của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Mặc dù đã biết đây là điều khó tránh khỏi nhưng tất cả đều lặng người, khác hẳn với niềm hân hoan của buổi tối ngày 7/1/1979 khi nghe tin giải phóng Phnômpênh. Tôi là người trẻ nhất trong số những người đang có mặt ở đấy đã phá vỡ sự bàng hòang khi kể lại chuyện tối qua tôi đã nằm mơ thấy gì liền bị các anh mắng coi như là chuyện tầm phào. Mọi người vẫn tụ tập bàn luận đến 12 giờ đêm tới khi anh Ngọt TMT quát tất cả đi ngủ mọi người mới vào giường nhưng còn nói chuyện qua lại. Có bàn về khả năng nó sẽ đánh tới đâu nhưng tuyệt nhiên ai cũng tin là chúng ta sẽ chặn được bọn bành trướng. Cả ngày 18/02, sinh họat của trung đòan không còn bình thường được nữa. Các sĩ quan có quê ngòai Bắc đã nghĩ ra đủ các tình huống sẽ đến, hào hứng nhất là chuyện được thuyên chuyển ra Bắc, dù sao cũng gần gia đình. Đầu giờ chiều, tất cả E đều họp míttinh nghe tuyên bố của CP, nghe đọc quyết tâm của CB-chiến sỹ trung đòan sẵn sàng lên BGPB. Trung đòan cũng phát động trong tòan đơn vị viết đơn xin ra tuyến đầu. Thật ngạc nhiên khi các lá đơn đầu tiên gửi lên BCH trung đòan lại là của những nữ chiến sỹ thuộc các C thông tin,quân y,B vệ binh...họ là những người nhập ngũ tháng 8, tháng 9 năm 1978 quê ở Q1, Q3,Bình Thạnh, Thủ Đức …. Ngày hôm sau, 100 % chiến sỹ trung đòan đều có đơn xin ra BG phía Bắc, rất nhiều đơn được viết bằng máu, rất nhiều. Có thể bây giờ, sau 30 năm sẽ có người không tin chuyện này, kể cả những người đã từng là CCB. Tôi cũng không tin rằng, nếu trong tình huống cấp trên đều động trung đòan 10 Rừng Sác đi làm nhiệm vụ chiến đấu sẽ không có ai đào ngũ, không có ai chống lệnh. Nhưng tôi tin chắc rằng đa số những lá đơn tình nguyện đi chiến đấu ấy là ước nguyện có thật. Đó không chỉ của những người chưa hề biết chiến trận là gì mà còn là của cả những người lính đã từng vào sống ra chết cả chục năm ròng hồi chống Mỹ ở cái vùng Lòng Tàu-Rừng Sác. Đó không chỉ là của những anh cán bộ quê ngoài Bắc đã hai mùa kháng chiến mà còn là của những người lính trẻ người Nam Bộ ( lính 76-78 của trung đòan là dân Sài Gòn ). Gõ tới đây tôi nhớ lại cái lệnh đanh thép của người sỹ quan trên BGPB: " Đây là đất Việt Nam ! Ai cũng phải có nhiệm vụ bảo vệ" ( Còn tiếp )
Khi viết tới đọan trên tôi có ý định pos bức thư của cô bạn học trường ĐH Ngọai ngữ HN, đã kể lại không khí sục sôi của trường vào tối ngày 5/3/1979 khi nghe lệnh tổng động viên của chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Tiếc thay không tìm ra bức thư đó nữa. Theo cô bạn, đêm đó cả trường không một ai ngủ. Suốt đêm mọi người tập trung ngồi bàn luận rồi đàn, hát quanh các đống lửa. Giường ngủ cũng bị đem xuống sân làm củi với suy nghĩ “ Ngày mai ra trận cả, còn ai học nữa thì giường để làm gì ?”
" Không được đụng đến Việt Nam" là khẩu hiệu phổ biến trên thế giới vào những ngày đó. Hãy tin rằng, nếu bọn bành trướng Trung Quốc liều lĩnh lặp lại hành động xâm lược đó một lần nữa, chúng ta sẽ không nương tay. Chúng ta sẽ “ Đánh cho nó chích luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáo bất hoàn”, đánh cho nó phải sợ, phải nhục đến hàng trăm năm sau, để chúng không dám đụng đến Việt Nam, dù là trong ý nghĩ.