Xin chia sẻ thêm Chứng đạo Ca ( thiền tông).
Bao gồm cả: lý - hành - chứng
VĨNH GIA CHỨNG ĐẠO CA
Đời Đường, Thận Thủy Sa Môn Huyền Giác Soạn
Thánh Tri Dịch Nghĩa Việt và Viết Bài Học Giải
(Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Vol.48, No.2014)
1
Anh có thấy CHĂNG!!?
Người đắc Đạo thì Tuyệt Học, Vô Vi, An Nhàn Vô Sự
Họ chẳng cần trừ vọng tưởng cũng chẳng cầu chân
Bởi họ thấy đúng như thực rằng Tánh thật của Vô Minh là Phật Tánh
Và cái thân huyễn hóa không thật thể này là Pháp Thân
2
Pháp Thân ngộ rồi thì mới rõ là không một vật
Nguồn gốc của Tự Tánh vốn là Thiên Chân Phật
Năm Ấm đến đi như mây trời tan tụ
Ba Độc không thật như bọt nước nổi chìm
3
Chứng được Thật Tướng thì tuyệt chẳng còn Nhân và Pháp
Trong khoảng sát-na dứt sạch nghiệp A-Tỳ
Nếu tôi đem lời vọng ngữ mà dối chúng sanh
Thì nguyện tự chuốc lấy tội rút lưỡi trong số kiếp nhiều như cát bụi!
4
Nếu đốn ngộ được Bản Tâm thì Như Lai Thiền thảy đều thông suốt
Mới hay Lục Độ Vạn Hạnh vốn tròn đầy trong Thể Tánh
Trong mộng thì rõ ràng có sáu loài chúng sanh
Giác rồi thì rỗng lặng không có ba ngàn đại thiên thế giới!
5
Không tội phước, cũng không thêm bớt
Trong Thể Tánh vắng lặng chớ có hỏi tìm
Bấy lâu gương bụi chưa từng lau sạch
Hôm nay cần phải biện giải cho rõ ràng
6
Ai vô niệm? Ai vô sanh?
Nếu thật là vô sanh thì phải vượt ngoài ‘sanh’ và ‘bất sanh’
Còn không thì hãy gọi người gỗ mà hỏi rằng
Ra công cầu Phật bao giờ thành?
7
Hãy buông cái thân tứ đại xuống, đừng nắm bắt nó
Ở trong Tánh Tịch Diệt hãy thuận theo sự thông dong tự tại
Mọi việc đều vô thường, tất cả là không
Đó là Như Lai Đại Viên Giác
8
Quyết định nói để tỏ rõ Chân Tăng (Chân Thừa)
Nếu có ai không đồng ý thì cứ việc đem ra cùng thảo luận
Nhưng phải thẳng suốt tới đầu nguồn mà Phật đã ấn định
Còn bàn việc quanh co bỏ gốc theo ngọn thì ta chẳng thể làm được vậy!
9
Ngọc Ma Ni, người chẳng biết
Như Lai Tạng trong mình gòm trọn hết
Sáu loại thần dụng không chẳng không
Một hạt tròn sáng sắc chẳng sắc
10
Tịnh năm căn thì được năm lực
Chỉ khi chứng mới biết, khó mà lường cho được
Cũng như trong gương thấy hình thì không khó
Còn trong nước mò trăng thì làm sao mà bắc được?!
11
Thường tự mình hành, thường tự mình đi
Người thông đạt thì cùng dạo chơi trên con đường Niết Bàn
Họ có dáng điệu quê mùa nhưng thần thái thanh cao
Xương cứng thân gầy không ai để ý tới
12
Người xuất gia đều xưng mình là ông tăng nghèo
Thật đúng là thân nghèo mà Đạo chẳng nghèo
Nói về cái nghèo thì thân thường khoác áo phai màu cũ rách
Còn nói về Đạo thì trong Tâm chứa đầy của báu vô giá
Của báu vô giá thì dùng không tận hết
Tùy cơ giáo hóa lợi ích hết thảy chúng sanh không hối tiếc
Ba Thân, bốn Trí đều ở trong Thể Tánh tròn sáng
Tám Giải Thoát, sáu Thông đều ở trong Đất Tâm
13
Bậc Thượng căn một khi quyết tâm thì tất cả đều xong việc
Còn người Trung Hạ thì càng nghe càng không tin
Nếu tự mình cởi bỏ cái áo bẩn trong lòng
Thì còn ai hướng ra ngoài mà khoe khoan sự tinh tấn được?!
14
Mặc cho người ta nói xấu, mặc cho thiên hạ chê cười
Đem lửa đốt trời thì chỉ tự uổng công mệt xác mà thôi!
Ta nghe như vừa được uống nước cam lồ vậy
Tức khắc tan hết vào trong, thật chẳng thể nghĩ bàn!
15
Quán xét những lời ác đó là công đức
Do vậy những người đó là Thiện Tri Thức của ta
Chớ vì sự chê bai nói xấu mà khởi tâm yêu ghét
Vậy sao có thể biểu hiện được pháp Vô Sanh, sức Từ Bi và Nhẫn Nhục được?!
16
Tông cũng thông mà Giáo cũng thông
Định Huệ tròn sáng, chẳng kẹt nơi Không
Không chỉ riêng ta thông suốt được Bản Thể ấy
Mà chư Phật nhiều như cát sông Hằng cũng đều cùng một Bản Thể ấy
17
Sư Tử rống, nói pháp vô úy
Trăm thú nghe qua như bị vỡ óc
Loài voi to lớn cũng chạy dài hết oai phong
Trời rồng lặng lẽ lắng nghe đều sanh tâm hoan hỷ
18
Lội qua sông biển, băng qua núi rừng
Tìm thầy hỏi đạo mà tham thiền
Từ khi nhận được con đường Tào Khê đến nay
Thì đã biết việc sanh tử chẳng còn liên quan gì nữa
Bởi đi cũng thiền, ngồi cũng thiền
Dù nói dù nín dù động tĩnh thì Thể Tánh vẫn an nhiên bất động
Dù cho dao nhọn có kề vào thân cũng thường thản nhiên tự tại
Nếu uống nhằm thuốc độc thì cũng nhàn nhã thong dong
19
Thầy ta được thấy Phật Nhiên Đăng
Bao kiếp từng làm Tiên nhẫn nhục
Mấy lần sinh? Mấy lần tử?
Sanh tử liên miên không ngừng nghỉ!
20
Từ khi đốn ngộ, rõ pháp Vô Sanh đến nay
Đối với các thứ vinh nhục, đâu có gì mà buồn với vui?
Vào rừng sâu, ở nơi A Lan Nhã
Trên núi đồi sâu kín, dưới rừng thông già
Làm ông tăng quê mùa ung dung tĩnh tọa
Lặng lẽ ở chốn yên bình thật là thanh cao thoát tục!
21
Hễ giác ngộ là xong việc ngay, chẳng cần ra công sức
Đối với tất cả pháp Hữu Vi đều chẳng đồng
Bởi chấp tướng mà bố thí thì được phước báo của trời người
Giống như ngẩng đầu lên trời, lấy tên mà bắn hư không
Sức lực hết rồi thì cây tên lại rớt xuống đất
Chuốc lấy đời sau không được như ý
Vậy sao bằng tu pháp Vô Vi vào cửa Thật Tướng?!
Bởi chỉ nhảy một bước là vào thẳng đất Như Lai ngay!
22
Chỉ cần được gốc, chớ nên lo ngọn
Như lưu ly trong suốt thu hết ánh trăng quý
Đã có thể hiểu rõ được viên châu Như Ý kia
Thì sẽ mang lại sự lợi ích cho mình cho người không bao giờ hết được
23
Trăng soi sáng dòng sông, gió thổi lay cây tùng
Đêm trường thanh vắng đâu có việc gì để làm?
Phật Tánh giới châu in đất Tâm
Khoác trên thân chiếc y bằng sương mù, mây ráng
Có cái bát cơm thâu rồng, có cái gậy giải cợp
Hai cái khoen vàng kêu lảnh lót
Chẳng phải chấp vào hình tướng việc hư giả
Mà đó là cây Gậy báo của Như Lai đã truyền trao!
24
Không cầu chơn, cũng chẳng đoạn vọng
Mới hay hai pháp (chơn, vọng) đều không và vô tướng
Vô ‘tướng’, Vô ‘không’, Vô ‘bất không’
Đó mới tức là tướng Chân Thực của Như Lai!
25
Cái gương Tâm sáng soi chẳng ngại
Rộng sáng thông suốt khắp pháp giới
Mọi sự vật hiện tượng đều ảnh hiện bên trong
Một điểm tròn sáng không trong ngoài
26
Nếu đắm ngoan không, phá nhân quả
Thì mênh mong bao la chiêu tai họa
Bỏ “có” lại chấp “không” thì bệnh vẫn y nguyên như cũ
Có khác nào muốn tránh nước mà lại nhảy vào lửa đâu?!
27
Nếu bỏ vọng tâm mà giữ lấy chân lý
Thì còn tâm thủ xả, nên thành ra là gian dối
Người học đạo không biết dụng công tu hành
Nên chân thành nhận giặc làm con
28
Tổn hại pháp tài, mất công đức
Tất cả đều do tâm, ý, thức
Cho nên cửa Thiền dạy phải quét sạch tâm ý thức
Mới có thể chống chứng pháp Vô Sanh vào Biển Tri Kiến của Phật
29
Bậc Đại Trượng Phu cầm gươm Trí Tuệ
Gươm Bát Nhã sắc bén, lóe ánh lửa Kim Cang
Không những chỉ phá tan cái tâm si mê của những người ngoại đạo
Mà thiên ma cũng sớm khiếp vía lui đi
30
Nổi tiếng sấm Pháp, đánh trống Pháp
Ban bố mây Từ, rưới nước Cam Lồ
Các hàng Long Tượng gặp mưa pháp được thấm nhuần lợi lạc
Hàng Tam Thừa cùng Ngũ Tánh chúng sanh đều tỉnh ngộ
31
Cỏ Tuyết Sơn mầu mỡ lại không tạp
Chỉ thuần tiết ra chất sửa Đề Hồ mà ta thường dùng
Một tánh tròn suốt tất cả tánh
Một pháp bao hàm tất cả pháp
Một trăng hiện khắp tất cả sông
Tất cả ao hồ một trăng đều soi hết
Các Pháp Thân Phật vào Tánh ta
Tánh ta cùng hợp với Như Lai
32
Một cõi gồm đủ tất cả cõi
Nó chẳng phải sắc, chẳng phải tâm, cũng chẳng phải nghiệp tạo tác
Chỉ trong thời gian một búng tay, đã thành tựu cả tám vạn pháp môn
Chỉ trong khoảng một sát-na, có thể vượt khỏi ba đại A Tăng Kỳ kiếp
Hết thảy câu số ngôn từ, cũng như không câu số ngôn từ
Cùng cái Linh Giác của ta nào có liên quan gì đâu?!
33
Chẳng thể chê, cũng chẳng thể khen
Bản Thể như Hư Không không bờ mé
Chẳng lìa chỗ này mà thường trong sáng vắng lặng
Muốn tìm thì phải biết rằng anh không thể thấy
Lấy chẳng được, bỏ cũng chẳng được
Trong cái bất khả đắc ấy, thì đắc được cái gì?!
Lúc lặng im là nói, lúc nói là lặng im
Cửa Đại Thí mở không hề bế tắc
34
Có người hỏi ta theo tông nào?
Đáp rằng đó là lực Ma Ha Bát Nhã!
Hoặc đúng hoặc sai người chẳng biết được
Làm ngược làm xuôi trời chẳng thể lường được
35
Ta sớm từng trãi qua bao kiếp tu hành
Chẳng phải như những kẻ nhàn rỗi mê dối nhau
Dựng Pháp Tràng, lập Tông Chỉ
Rõ ràng Phật dạy Tào Khê ấy!
36
Đầu tiên tổ Ca Diếp được truyền đèn Tâm của Phật
Hai mươi tám đời Tổ Sư lớn Tây Thiên
Pháp được truyền sang phương Đông vào đất này
Bồ Đề Đạt Ma làm Sơ Tổ
Sáu đời truyền y bát, thiên hạ đều nghe biết
Người đời sau được đắc Đạo nhiều vô số kể
37
Chân chẳng lập, vọng vốn không
‘Có’ và ‘Không’ đều trừ và cái ‘bất không’ cũng không
Hai mươi cửa Không trọn chẳng chấp
Một Tánh Như Lai, Thể vốn đồng nhau
38
Tâm là căn, pháp là trần
Cả hai thứ đều như vết dính trên mặt gương
Nếu vết dơ sạch hết thì ánh sáng mới hiện ra
Nếu Tâm và Pháp cùng quên thì Tánh tức Chơn vậy!
39
Ôi mạt pháp, thời ác thế!
Chúng sanh phước mỏng khó điều phục giáo hóa
Cách các bậc Thánh đã xa nên tà kiến đã sâu dầy
Ma mạnh pháp yếu nhiều điều tai họa đáng sợ
Nghe Như Lai nói pháp môn Đốn Giáo
Họ hận chẳng nghiền tan chánh pháp như ngói bể
40
Tại tâm làm, tại thân chịu
Đừng có kêu oan, với trách người!
Nếu muốn được khỏi vương nghiệp vô gián
Thì chớ có phỉ báng Chánh Pháp của Như Lai!
41
Trong rừng Chiên Đàn không có loại cây nào khác
Là chỗ sâu kín um tùm, sư tử ở
Cảnh vắng rừng yên, một mình dạo chơi
Thú chạy chim bay đều lánh đi xa hết!
42
Tuy là sư tử con, nhưng các thú đều theo sau
Ba năm liền có thể gầm rống ra tiếng lớn
Giả như là chó rừng theo Pháp Vương
Dù trãi trăm năm cũng chỉ là loài yêu quái mở miệng hư ngụy
43
Pháp Viên Đốn xin đừng nói tới nhân tình
Nếu có điều nghi chưa giải quyết, thì cần phải thẳng thắn mà biện giải
Chẳng phải Sơn Tăng có ý tranh hơn thua với ai
Nhưng chỉ sợ các ông tu hành lọt hai cái hố Đoạn Kiến và Thường Kiến
44
Đúng chẳng đúng, sai chẳng sai
Chỉ đi lệch một mảy may thì đã lạc xa ngàn dậm!
Đúng thì như Long Nữ tức khắc thành Phật
Sai thì như Thiện Tinh sống mà đọa địa ngục
45
Ta sớm bao năm chuyên cần học hỏi
Cũng từng nghiên cứu kinh luận, giải thích các bài văn
Phân biệt danh tướng không biết ngừng nghỉ
Vào biển đếm cát thì chỉ uổng công nhọc sức
Quả là đáng bị Như Lai quở trách
Đi đếm của báu cho người có ích gì đâu?
Từ trước tới nay đi quanh co mãi, mới hay là việc làm vô ích
Bao năm thật uổng làm khách phong trần!
46
Gieo chủng tánh tà, cũng bởi vì có cái hiểu biết sai lầm
Cho nên không được pháp Viên Đốn của Như Lai
Hàng Nhị Thừa tinh tấn nhưng lại lạc đường Tâm
Còn người ngoại đạo thông minh mà chẳng có Trí Huệ
Như kẻ ngu si, như trẻ dại khờ
Thấy nắm tay không chỉ lên trời lầm cho là thiệt
Chấp ngón tay là mặt trăng, thì uổng dụng công tu hành
Cũng như chấp bóng ma không thật do Căn Cảnh sanh ra
47
Không thấy một pháp tức Như Lai
Nên được gọi là Quán Tự Tại
Ngộ rồi thì nghiệp chướng xưa nay vốn là không
Chưa ngộ thì nợ xưa đành phải trả!
48
Kẻ đói khi gặp thức ăn của Vua ban thì không dám ăn
Người bệnh tránh gặp bậc Y Vương thì sao khỏi bệnh được?!
Ở trong cõi Dục mà hành Thiền, mới thật là có sức định của Tri Kiến Phật
Ví như hoa sen sinh trong lò lửa, trọn chẳng bị hư hoại
Ngài Dũng Thí phạm trọng tội nhưng rồi cũng ngộ pháp Vô Sanh
Sớm đã thành Phật ở nơi đây!
49
Sư Tử rống tiếng, nói pháp vô úy
Thương thay những kẻ hồ đồ cố chấp dầy như da thú!
Chỉ biết phạm những trọng tội làm chướng ngại đạo Bồ Đề
Mà chẳng thấy Như Lai đã mở bày pháp sâu kính!
50
Có hai Tỳ-Kheo phạm giới dâm và giới sát
Tôn giả Ưu-Ba-Ly sắc vàng buộc thêm tội
Đại sĩ Duy Ma liền trừ căn nghi trong phút chốc
Giống như mặt trời hực chiếu, làm cho sương tuyết thảy đều tan
51
Lực giải thoát thật chẳng thể nghĩ bàn!
Diệu dụng vô cùng như số cát sông Hằng
Bốn sự cúng dường dầu có lao khổ cũng không từ
Muôn lượng vàng ròng dầu có dâng cúng hết
Dẫu có thịt nát xương tan cũng chưa thể đền ân hết được
Một câu nếu thấu suốt thì vượt ngoài số lượng
52
Pháp này là vua trong các pháp, thật là thù thắng tối cao!
Các đấng Như Lai nhiều như cát sông Hằng đều cùng chung chứng pháp này
Ta nay giải bày cái pháp Như Ý Châu này
Nếu có người nào tin theo và thực hành thì cũng đồng chứng được như thế
53
Khi thấu suốt rồi thì thấy không một vật
Mới hay cũng không có Nhân, mà cũng không có Phật
Các thế giới trong cõi Đại Thiên cũng chỉ là những bọt nước nổi trên mặt biển
Cho đến hết thảy Thánh Hiền đều như điện chóp!
54
Giả sử vòng lửa sắc có quay trên đầu
Định Huệ tròn sáng trọn không hề mất
Dẫu trời có thể lạnh, trăng có thể nóng
Chúng ma cũng chẳng thể phá hoại được lời nói chân thật!
Như xe voi vững bước lên dốc cao
Ai thấy bọ ngựa ngăn được xe voi tiến bước bao giờ?!
55
Voi lớn đâu thèm đi lối thỏ
Ngộ lớn đâu cần câu nệ vào những việc li ti
Đừng đem kiến thức hẹp hòi mà phỉ báng trời xanh
Chưa rõ nên nay tôi vì anh mà giải quyết!
---