Thực hành Chánh pháp mới là cúng dường Như Lai
GN - Hàng đệ tử Phật ưa thích cúng dường lên Thế Tôn để gieo trồng thiện căn, vun bồi phước đức.
giacngo.vn
Trích:
"A-nan đáp: Vâng. Rồi dọn chỗ, cho đầu xây về phương Bắc. Rồi Thế Tôn tự mình lấy y Tăng-già-lê gấp làm tư, đắp lên mình, nằm nghiêng hông tay mặt như sư tử chúa, hai chân chồng lên nhau. Lúc đó giữa đám cây Song thọ có các quỷ thần vốn dốc lòng tin Phật, lấy các thứ hoa sái mùa rải khắp mặt đất. Phật bảo A-nan rằng:
- Vị thần cây Song thọ ấy lấy hoa sái mùa cúng dường cho Ta như thế, chưa phải cúng dường Như Lai.
A-nan thưa:
- Sao mới là cúng dường Như Lai?
Phật dạy:
- Người nào biết lãnh thọ và thực hành đúng Chánh pháp, mới là người cúng dường Như Lai.
Quán sát ý nghĩa này, Phật nói bài kệ:
Phật ở giữa Song thọ
Nằm nghiêng, tâm không loạn
Thần cây tâm thanh tịnh
Rải hoa lên trên Phật.
A-nan hỏi Phật rằng:
Thế nào là cúng dường?
Nghe pháp và thực hành
Cúng dường bằng hoa giác.
Hoa vàng như bánh xe
Chưa phải cúng dường Phật
Ấm, giới, nhập vô ngã
Là cúng dường bậc nhất.
(Kinh Trường A-hàm, kinh Du hành [trích])
Những di giáo sau cùng của Thế Tôn luôn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nhân tiện các vị thần cây gom hoa sái mùa dâng cúng, Đức Phật liền dạy rằng cho dù cúng hoa bằng vàng lớn như bánh xe cũng không quý bằng hoa giác ngộ. Chính việc nghe pháp và thực hành đúng Chánh pháp mới thực sự là cúng dường Như Lai. Dĩ nhiên, đem sáu lễ phẩm (lục cúng) cúng dường Phật thì được phước vô lượng nhưng học và hành đúng Chánh pháp sẽ tạo ra công đức thù thắng, có thể ngay trong đời này thoát khỏi sinh tử luân hồi. Thực hành đúng chính pháp có thể tạo ra các đức Phật.
Trong Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La mật, đức Thế Tôn 9 lần nhắc đi nhắc lại 1 nội dung:
- Dù có đem của cải tài sàn nhiều như cõi Tam Thiên, Đại thiên trong thế giới này ra bố thí.... hay đem tính mạng mình ra sáng trưa, chiều tối, số lần nhiều như cát sông Hằng ra bố thí, công đức đó rất lớn, nhưng không lớn bằng công đức thực hành đọc tụng giảng nói một câu kinh, một bài kệ của Kinh này ( và các Kinh điển đại thừa khác cũng vậy.
Điều đức Thế Tôn rất lo lắng là thời mạt sau này, đệ tử của ngài chỉ chạy theo bề ngoài, ham phước báu nhân thiên mà không tập trung vào tham cứu tu học, đặc biệt là việc liễu thoát sinh tử.