Vị thơm từ miếng bột chiên vàng kết hợp vị béo từ trứng gà, thơm từ hành lá, vị cay cay ngọt ngọt từ nước tương pha ớt… cho bạn món bột chiên đơn giản, bình dân, nhưng cũng không kém phần ngon miệng.
Bột chiên có mặt trên những chiếc xe nhỏ ven đường đến các quán ăn, nhà hàng. Tùy từng nơi mà bột được chế biến khác nhau một chút từ nguyên liệu cơ bản là bột gạo.
Bột làm từ bột gạo và bột năng trộn lại khuấy trên bếp đến khi bột trong và đặc, cho bột vào khuôn, hấp 30 phút, để nguội rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh, để một ngày sau mới lấy ra chiên.
Cắt bột thành miếng vuông như bao diêm, rưới xì dầu lên trộn đều. Chảo nóng, cho dầu vào, sau đó để bột đã cắt lên rán vàng, đập trứng gà, rắc thêm hành lá.
Những miếng bột được nén lại vuông vắn, được chiên ươm vàng và giòn, được xếp lại gần nhau, kết dính trong miếng trứng gà, được điểm màu xanh của lá hành. Phía trên, một bên là màu đỏ của tương ớt, một bên là màu trắng của đu đủ thái sợi ăn cùng xì dầu đã được pha dấm, đường vừa miệng với chút cay cay từ tương ớt… làm món ăn thêm phần thú vị.
Món ăn này tuy đơn giản nhưng khi nhắc đến những món ẩm thực Sài Gòn, chắc hẳn hương vị thơm ngon của món ăn này sẽ làm bạn chẳng thể nào quên được. Bột chiên được bán rất nhiều trên một số con đường, gần trường học, vì món này được xem là món khoái khẩu của những bạn học sinh - sinh viên, với giá cả bình dân khoảng 12.000 - 15.000 đồng một đĩa.
Từ bao đời nay, bánh ống là món ăn vặt quen thuộc của người Khmer. Không phổ biến như các loại bánh khác của người miền Tây, nhưng bánh ống vẫn tồn tại trong đời sống hằng ngày của người dân ở đây. Bánh ống có thể dùng làm bữa ăn sáng hoặc món ăn vặt vào buổi chiều.
Khuôn bánh đơn giản với một cái ống hình trụ thường được làm bằng nhôm, dài khoảng 15 cm. Ở giữa khuôn có một que tre, một đầu được gắn miếng thiếc hình tròn dùng làm đáy. Khi chế biến, người làm bánh đặt khuôn trên nắp nồi, trong nồi có chứa nước, rồi bắt đầu đổ bột vào ống như chưng cách thủy, khoảng 2 phút là bánh đã chín. Khi chín, bánh có màu xanh của lá dứa cùng với mùi thơm dịu. Bánh chín được thêm vào dừa nạo và muối vừng. Bánh ống phải ăn khi nóng mới thưởng thức được hết vị đậm đà, thơm ngon của nó.
Vốn có xuất xứ từ miền Tây sông nước, bánh tai yến có một thời gian trở thành món ăn dân dã khá quen thuộc tại các gánh hàng rong trên vỉa hè Sài Gòn rồi dần dần vắng bóng cho đến nay.
Gần như cùng một cách thức chế biến với bánh xèo, song bánh tai yến lại được ít người biết đến hơn. Món bánh có cái tên thú vị như vậy là do ban đầu được người dân quê đặt theo hình dáng giống như tổ chim yến của chiếc bánh, rồi lâu ngày đọc chệch đi thành “tai yến”. Ở một số nơi, bánh tai yến còn được gọi là bánh nón.
Bánh bò là một món bánh ngọt khá quen thuộc ở miền Nam. Tuy cùng là bánh bò nhưng ở mỗi vùng lại có cách chế biến riêng và được gắn với những tên gọi khác nhau như bánh bò thốt lốt (màu vàng ngọt đậm đà), bánh bò bông xốp (mịn đổ trong những khuôn nhỏ mà sâu, khi chín nở ra làm ba cánh như cánh bông), bánh bò trong (làm bằng đường cát trắng mùi thơm, vị ngọt dịu, nhìn bóng láng, mềm mại).
Tuy đơn giản trong nguyên tắc chế biến nhưng để làm ra bánh có chất lượng lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: chất lượng bột gạo, chất lượng men, lượng men sử dụng, kinh nghiệm riêng mỗi người khi nhìn độ nổi của bột.
Bánh bò hấp
Bánh bò nướng
Ngoài hai loại bánh bò truyền thống kể trên, còn có thêm một loại bánh mới nữa là bánh bò sữa nướng. Chỉ mới xuất hiện trên đường phố Sài Gòn trong những năm gần đây, bánh bò sữa nướng nhanh chóng trở thành món ăn vặt yêu thích nhất là đối với tuổi teen.
Cũng như các loại bánh bò khác, nguyên liệu chính của bánh là trứng gà, bột năng, đường và dừa. Gọi là bánh bò sữa nướng vì thành phần nước cốt dừa truyền thống được thay bằng sữa tươi. Bánh được làm chín bằng cách cho vào khuôn và thường được nướng trên bếp than.