Có 1 món này mà người SG rất hay ăn, còn bản thân em thì mới ăn 1-2 năm trở lại đây vì nói thật là...em sợ
Nhưng sau khi thử rồi thì thấy thích & đến bây giờ là...nghiền
Vịt lộn rang me là một cung bậc khác của việc thưởng thức hột vịt lộn. Người thích món ăn dân dã này lại có thêm cơ hội để "mê như điếu đổ".
Và dù có nâng tầm thế nào, hột vịt lộn rang me vẫn cứ là món bình dân.
Về nguồn gốc của món vịt lộn rang me, nếu ai đã từng đến Sóc Trăng, vào khu vực thị xã thì sẽ dễ dàng tìm thấy món này ở dọc hai bên đường Hùng Vương. Người Sóc Trăng vốn đã tự hào và xem đây là món đặc sản của vùng. Chẳng biết đặc sản này du nhập vào đất Sài Gòn từ khi nào nhưng bây giờ gần như nó cũng sắp thành đặc sản riêng của đất Sài Thành. Hột vịt sau khi luộc chín, bóc vỏ, nước cốt me làm sẵn được rưới lên trước khi đem phục vụ khách.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là cách làm nước me. Me được nấu nhừ, lấy cốt, sau đó đem nấu kẹo với nước mắm, đường sao cho có vị mặn ngọt vừa phải. Nếu làm khéo, phần nước me này sẽ trữ được rất lâu. Khi ăn, rắc thêm ít hành phi, đậu phộng và vẫn ăn kèm thứ rau răm bất dịch cùng đĩa muối tiêu chanh.
Bánh tráng trộn vốn là món ăn vặt được ưa chuộng rộng rãi ở Sài Gòn khoảng chục năm trở lại đây. Món này có vị lạ miệng, lấy bánh tráng, trứng cút luộc, thịt bò khô, tôm khô, xoài xanh xắt nhỏ, đậu phộng (lạc) rang, hành củ và hành lá phi thơm, cho thêm nước tắc vào trộn đều. Món này thường được bán ở vỉa hè Sài Gòn, trung bình mỗi túi nilon cho một người ăn có giá từ 6.000 đến 10.000 đồng.
Từ Đà Lạt, món bánh tráng đặc biệt này đã đến Sài Gòn với nhiều thay đổi khá thú vị. Có lẽ, không khí lạnh quanh năm chính là thứ đã giúp cho món bánh tráng nướng này ra đời tại đây. Ở Đà Lạt, hình ảnh các du khách xuýt xoa với cái lạnh và trên tay là cuộn bánh tráng nóng giòn thơm phức đã trở nên quá quen thuộc với mọi người.
Nhưng, ở Sài Gòn thì với nhiều người, món ăn này vẫn còn là một món khá lạ. Hơn nữa, khi "du nhập" vào đây, món bánh tráng nướng này cũng đã được thay đổi ít nhiều ở nguyên liệu cũng như cách thực hiện.
Nếu ở Đà Lạt, nguyên liệu trứng được sử dụng là trứng gà đánh nhuyễn lên thì tại Sài Gòn đã được thay thế bằng trứng cút. Và một điều đặc biệt nữa là món bánh tráng nướng nguyên thủy tại Đà Lạt không hề có thịt heo băm mà chỉ có trứng, hành lá và tương ớt.
Có lẽ người Sài Gòn đã thêm thịt băm vào để món bánh có thêm sự mặn mà của thịt cũng như khiến giá trị của cái bánh trở nên "chất lượng" hơn.
Với những người sành ăn vặt ở Sài Gòn, không ai có thể bỏ qua món phá lấu lòng bò, một món ăn bình dân nhưng có sức quyến rũ khó cưỡng. Món ăn vỉa hè này có sức hút với đủ các thế hệ, từ cô cậu học trò, đến dân văn phòng và cả người già. Phá lấu phổ biến đến mức bạn có thể bắt gặp hàng phá lấu ở bất cứ khúc dân đông đúc nào hay bất kỳ trường học nào.
Phá lấu là món ăn quen thuộc của người Hoa. Phá lấu được làm bằng bao tử và ruột non, phổi, gan, tim... với cách chế biến rất giản dị là tẩm ướp gia vị mà trong đó ngũ vị hương là chính, sau đó được chiên vàng và luộc lại cho mềm. Nước cốt dừa là nguyên liệu chính của nước phá lấu, làm nên vị ngọt và béo cho nồi nước hầm. Bí quyết của một nồi phá lấu ngon là ở khâu canh lửa và đổ thêm nước cho ruột non có độ mềm vừa ăn. Khi nào thấy nước dùng vừa sắc lại và hơi sệt là có thể dùng được.
Tại Sài Gòn không khó để tìm một quán phá lấu, nhưng những quán được "rỉ tai" dưới đây là điểm hẹn của nhiều người:
1. Khu phá lấu chung cư 1A - 1B Nguyễn Đình Chiểu, quận 1.
2. Cô Oanh, 200/20 Xóm Chiếu, phường 14, quận 4.
3. Quán phá lấu Ngon, 545 Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận.
4. Dì Liên, 102 Phan Văn Trị, quận 5.
5. Quán phá lấu khu trường Gia Định, hẻm 195 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh.
6. Quán phá lấu vỉa hè bên hông trường Marie Curie, đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3.