Chiến lược Diều hâu chống Rồng Trung Quốc
(Bình luận quân sự) - Từ những đánh giá khách quan, cụ thể về tương quan lực lượng giữa Trung Quốc và lực lượng quân sự Mỹ - Đồng minh trên chiến trường giả định Tây Thái Bình Dương. Tư tưởng chiến lược “Air – Sea Battle” xác định những điểm tồn tại của tư duy chiến lược, chiến dịch Không quân – Hải quân Mỹ đồng thời đưa ra những giải pháp giành thắng lợi trong một cuộc chiến tranh phong tỏa tầm xa phi tiếp xúc với lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Tư tưởng chiến lược “Air – Sea Battle Operational Concept” chỉ ra những vấn đề của lực lượng vũ trang Mỹ còn tồn đọng trong cuộc chiến tranh lý thuyết với Trung Quốc:
- Những cơ sở cơ bản thụ động trong tư tưởng chiến lược cũ, khi quân đội Mỹ tác chiến từ quan điểm chiến đấu với các lực lượng vũ trang yếu kém dẫn đến sự đầu tư không thể bào chữa được vào các phương tiện tác chiến tầm gần, chứ không phải là các phương tiện tác chiến tấn công tầm xa.
- Phụ thuộc rất lớn vào hệ thống truyền thông, thông tin liên lạc vũ trụ của các vệ tinh, trên cơ sở đó hình thành cấu trúc hạ tầng của hệ thống thông tin liên lạc, điều hành tác chiến chỉ huy và kiểm soát, dẫn đường mục tiêu.
Những trang thiết bị kỹ thuật hạ tầng công nghệ cao đó rất cồng kềnh và nhạy cảm, dễ bị tiêu diệt, phá hủy hoặc vô hiệu hóa trước những phương tiện tấn công hiện đại của đối phương (tên lửa diệt vệ tinh).
- Hải quân Mỹ chưa quen chiến đấu với một lực lượng tương xứng, bị uy hiếp ngay từ trên vũ trụ, trên không, trên biển và dưới biển. Tổn thất vũ khí, phương tiện hạng nặng (tàu sân bay) có thể trở thành nguyên nhân tâm lý dẫn đến thất bại trong cuộc chiến.
Trong giai đoạn hiện nay, để có thể có được ưu thế trước đối phương, cần tập trung phát triển khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ của đối phương, trong đó chú trọng phát triển các phương tiện hiện đại cho các cuộc không kích và tên lửa.
Tăng cường năng lực không quân cho một cuộc chiến tranh đường không lâu dài, đảm bảo đủ số lượng cần thiết các máy bay tiếp nhiên liệu, phát triển hạ tầng được bảo vệ vững chắc các căn cứ quân sự, phát triển và hoàn thiện hệ thống hậu cần kỹ thuật, phát triển và đồng bộ hóa, hiện đại hóa và tăng cường khả năng phòng thủ vũ trụ, phòng thủ tên lửa đa tầm, trong đó chú trọng tầm xa và tầm cận gần.
Các chiến hạm trang bị hệ thống Aegis
Từ những nhận định khách quan trên, tư tưởng chiến lược “Tác chiến không – biển” đưa ra những hoạch định cho các kế hoạch phát triển các tư duy chiến dịch – chiến thuật và khoa học công nghệ quân sự, đáp ứng những yêu cầu cấp thiết của sự phát triển lực lượng Không quân – Hải quân trong một cuộc chiến tranh cân xứng, sử dụng tối đa vũ khí, công nghệ hiện đại. Các định hướng chiến lược đó có thể được xác định như sau:
1. Từ những quan hệ đồng minh hiện có, cần củng cố và phát triển liên minh quân sự chặt chẽ với các nước như Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Úc trong một tổng thể chiến lược phòng thủ chung, trong đó xác định rõ mối quan hệ chiến lược và những ưu tiên đặc thù cho các căn cứ quân sự, hậu cần kỹ thuật có mặt trên lãnh thổ của các đồng minh.
2. Tăng cường, củng cố và hiện đại hóa các căn cứ quân sự hiện có, bao gồm cả các căn cứ hậu cần kỹ thuật hiện đại, phát triển mạnh hạ tầng kỹ thuật, đi sâu vào khả năng phòng ngự trước những đòn tấn công hủy diệt quy mô lớn và khả năng phòng thủ tên lửa các tầm.
Trong đó nhu cầu đồng bộ hóa hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển Aegis với các hệ thống cảnh báo sớm, phòng thủ tên lửa của các đồng minh nhằm vô hiệu hóa đến mức tối đa các đòn tấn công của đối phương bằng tên lửa.
3. Phát triển các phương tiện tác chiến tầm xa vào sâu trong lãnh thổ của đối phương, bắt đầu từ hiện đại hóa các tên lửa hành trình, các máy bay không người lái tầm xa mang vũ khí và ứng dụng công nghệ tàng hình trên tàu sân bay như X-47 cả về số lượng và chất lượng, đến các máy bay tiêm kích đa nhiệm tàng hình, các máy bay chiến lược tàng hình và phi tàng hình mang tên lửa hành trình tầm xa và tầm trung.
Có khả năng tiến công vào sâu trong lãnh thổ của đối phương nhưng vẫn nằm ngoài vùng không gian phòng không của đối phương. Phát triển các loại vũ khí tấn công hypersonic có độ chính xác cao X-41, Falcon HTV, các loại pháo động năng điện từ có khả năng tấn công mục tiêu ngoài đường chân trời với độ chính xác cao và phá hủy mục tiêu bằng động năng.
Đòn tấn công thần tốc bằng các đầu đạn siêu thanh tầm xa
Máy bay không người lái X-47 tấn công tầm xa
4. Thay đổi quan điểm tác chiến. Từ quan điểm tác chiến tầm gần phi đối xứng với các quân đội hạng 3, không có các lực lượng tác chiến không – biển hiện đại và quân đội Mỹ được sự yểm trợ tối đa về hỏa lực và hậu cần kỹ thuật chuyển sang năng lực tác chiến tầm xa, độc lập tác chiến không – biển với khả năng đối kháng rất cao.
Thời gian tác chiến dài ngày, khả năng yểm trợ, chi viện hậu cần kỹ thuật hạn chế và tham gia nhiều hoạt động chiến đấu cùng một lúc: phòng thủ vũ trụ, phòng không và phòng thủ tên lửa, chống ngầm và tấn công các mục tiêu trên không, trên biển và trên đất liền.
Máy bay F- 35 thực hiện nhiệm vụ tiếp dầu trên không
5. Tổ chức lại hệ thống trinh sát, chỉ huy, điều hành tác chiến và liên kết phối hợp dựa trên nhiều hệ thống truyền thông tích hợp, giảm thiểu tối đa khả năng tổn thương của hạ tầng công nghệ điều hành tác chiến đồng thời nâng cao khả năng tác chiến phối hợp.
Trong đó hạ tầng công nghệ điều hành lực lượng của Nhật Bản được đánh giá là có ưu thế cao nhất trong khả năng đồng bộ hóa hạ tầng công nghệ.
6.Tư tưởng chiến lược tác chiến tầm xa phi tiếp xúc, lấy phong tỏa và tiêu diệt tiềm lực quân sự, kinh tế của đối phương làm mục tiêu tác chiến chủ yếu trên chiến trường hiện đại.
Sự ra đời của tư tưởng tác chiến không biển là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy, cán cân của sự ảnh hưởng trong khu vực Tây Thái Bình Dương, tính đến năm 2013 đang nằm trong thế giằng co giữa Liên minh Mỹ - Nhật và Trung Quốc.
Sự phát triển kinh tế ổn định của đại lục cùng với những chi tiêu ngân sách quốc phòng mạnh mẽ của Trung Quốc đang gây áp lực rõ rệt trong cuộc khủng hoảng kinh tế của Mỹ đã làm cho cán cân lực lượng càng ngày càng trở lên bất lợi cho người Mỹ.
Hơn thế nữa, đã hơn 10 năm nay, quân đội Mỹ chỉ tập trung cho các hoạt động tác chiến chống lại các lực lượng du kích Trung Cận Đông và các cuộc chiến tranh phi đối xứng, điều đó càng làm xấu thêm tình hình cơ cấu biên chế tổ chức và tiềm lực khoa học công nghệ quân sự của nước Mỹ.
Cùng với thời gian là những thách thức và nguy cơ mới. Một trong những nguy cơ đó là một cuộc chiến tranh thực sự, một cuộc chiến tranh tương xứng với một đối thủ rất mạnh, có được ưu thế trong một số lĩnh vực vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh cả về số lượng và chất lương (ví dụ như tên lửa đạn đạo tầm gần và tầm trung).
Hơn nữa địa hình khu vực tác chiến, có ý nghĩa quan trọng trên chiến trường lại được xây dựng trên chiều sâu chiến lược của không gian chiến trường như khu vực phía Tây Thái Bình Dương.
Tác chiến Không – hải (Air – Sea Battle Operational Concept) đánh giá một cách khách quan tương quan lực lượng giữa hai cường quốc quân sự Mỹ - Trung và đánh giá chính xác những đặc điểm quan trọng của một khu vực chiến trường rộng lớn và có tầm quan trọng sống còn đối với lợi ích nước Mỹ.
Chiến lược chính trị chuyển trọng tâm sang châu Á của Tổng thống Barack Obama cũng là một trong những giải pháp nỗ lực duy trì cán cân lực lượng và ưu thế áp đảo của nước Mỹ nói chung và lực lượng quân sự Mỹ nói riêng trong khu vực kinh tế năng động và có ý nghĩa vô cùng quan trọng này.
Trịnh Thái Bằng (Nguồn tư liệu: Global Security. FAS (Federation of American Scientists)