Có rất nhiều hiểu sai trong thớt này, đặc biệt là hiểu sai về thế nào được gọi là "khoa học". Đây là vấn đề cơ bản nhất, dẫn đến việc nhiều thể loại trời ơi đất hỡi rất thích tìm cách bác bỏ thuyết tiến hoá (và cả thuyết tương đối nữa - đây là 2 thuyết hay bị các nhà "khoa học" nửa mùa tìm cách bác bỏ nhất). Sau đây là chuỗi bài viết dài kỳ: Hiểu đúng về khoa học và tính khoa học của thuyết tiến hoá.
I. PHẦN 1: KHOA HỌC
1. Khoa học: Thế nào là "khoa học"? Một "thuyết" như thế nào thì được gọi là có "tính khoa học"?
Một mệnh đề (một tuyên bố, một giả thuyết khoa học, một thuyết khoa học...) được gọi là "có tính khoa học", nếu mệnh đề ấy có thể bị chứng minh là sai. Ngược lại, một mệnh đề mà không có bất kỳ cách nào để có thể bị chứng minh là sai, được gọi là "phi khoa học" (hay không phải khoa học). Lưu ý: Có thể bị chứng minh là sai, không có nghĩa là đã/đang/sẽ bị chứng minh là sai.
Đây là định nghĩa về khoa học của Karl Popper, được áp dụng rộng rãi trong mọi khoa học, từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội.
Về bản chất, không có bất kỳ cách nào để chứng minh một mệnh đề là đúng (ở đây là đúng 100%, đúng tuyệt đối). Lấy ví dụ: mệnh đề "Thiên nga có màu trắng". Mệnh đề trên không có bất kỳ cách nào để chứng minh là đúng 100%: Không ai có thể kiểm tra mọi con thiên nga trên trái đất này xem có phải tất cả đều có màu trắng hay không; kể cả có kiểm tra mọi con thiên nga trên trái đất, cũng không ai dám quả quyết, 100% chắc chắn rằng không có con thiên nga nào trong vũ trụ xa xôi kia không phải màu trắng. Tuy rằng không thể chứng minh là đúng, mệnh đề lại có thể dễ dàng bị chứng minh là sai: Chỉ cần tìm ra 01 con thiên nga có màu khác màu trắng, ví dụ màu hồng chẳng hạn, thì mệnh đề sẽ sai (thực tế là người ta đã tìm ra thiên nga đen ở Úc, chứng minh mệnh đề trên sai). Do mệnh đề có thể bị chứng minh là sai, mệnh đề trên có tính khoa học.
Do không có cách nào chứng minh một mệnh đề là đúng, không có cách nào trực tiếp tìm ra chân lý (là cái đúng tuyệt đối). Chỉ có thể thông qua việc bác bỏ các mệnh đề sai để gián tiếp tìm ra chân lý.
2. Con đường nghiên cứu khoa học:
Nghiên cứu khoa học không phải là là đi tìm bằng chứng ủng hộ cho một lời giải thích nào đó.
Nghiên cứu khoa học là không ngừng tìm cách chứng minh các lời giải thích (các giả thuyết khoa học - hypothesis) là sai; sau khi đã bác bỏ hết các giả thuyết sai, giả thuyết còn lại nào có nhiều cách chứng minh là sai, nhưng lại đứng vững (tức các nỗ lực nhằm bác bỏ giả thuyết không thành công) thì giả thuyết ấy sẽ được gọi là thuyết khoa học - theory.
Giả thuyết là các mệnh đề khoa học chưa được kiểm chứng đầy đủ (các nỗ lực chứng minh giả thuyết sai chưa đầy đủ).
Thuyết là các mệnh đề khoa học đã trải qua muôn vàn thử thách và đứng vững. Do về nguyên tắc, không có cách nào chứng minh một mệnh đề là đúng, các thuyết đã trải qua nhiều thử thách và đứng vững được xem là thứ gần với chân lý nhất, và được đem ra áp dụng vào thực tế với độ tin cậy cao.
Khi một thuyết/giả thuyết bị bác bỏ, người ta (các nhà khoa học) có thể sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung để tạo ra giả thuyết mới, tốt hơn, cải tiến hơn... Giả thuyết mới này tiếp tục chịu đựng các nỗ lực nhằm bác bỏ nó, cho đến khi có người tìm ra cách bác bỏ nó thành công... Quá trình trên tiếp tục lặp lại, trở thành con đường phát triển của các thuyết khoa học.
Cơ học cổ điển của Newton được xem là rất đáng tin cậy suốt từ TK17 đến TK18, nhưng dần dần được tìm ra các khuyết điểm vào TK19 (các hiện tượng trái với cơ học cổ điển, trực tiếp bác bỏ sự đúng đắn của cơ học cổ điển). Sang TK20, Einstein đã bổ sung hằng số vận tốc ánh sáng trong chân không, tạo ra thuyết tương đối hẹp, giải thích thành công các hiện tượng mà cơ học cổ điển bó tay. Thuyết tương đối hẹp chính là sự phát triển từ cơ học cổ điển.
Thuyết tiến hoá cũng trải qua một quá trình phát triển dài, bắt đầu từ Darwin, qua sự đóng góp của rất nhiều nhà khoa học, thuyết tiến hoá hiện đại đã trải qua muôn vàn thử thách, trở nên có độ tin cậy rất cao, và cho dù không phải là chân lý thì nó cũng là thứ gần nhất với chân lý mà khoa học đang có.
PHẦN 2: THUYẾT TIẾN HOÁ LÀ GÌ? TÍNH KHOA HỌC CỦA THUYẾT TIẾN HOÁ? CÁC CÁCH BÁC BỎ THUYẾT TIẾN HOÁ? (để sau viết tiếp, em vẫn đang phải làm việc)