Biển 411 và 103c bên tay phải có chung một nội dung là chỉ dẫn, cảnh báo hướng rẽ cho cùng một ngã tư nhưng chúng mâu thuẫn - phủ định nhau và không có ý nghĩa khi kết hợp. Việc đặt tách biệt hai vị trí như hình 1, biển 411 ở đầu bên này Cầu Dậu và biển 103c ở đầu cầu bên kia vi phạm khoản 3 Điều 45 của Luật giao thông đường bộ 23/2008/QH12: “Không được gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình báo hiệu đường bộ” do hình mũi tên chỉ dẫn hướng rẽ trái trên biển 411 không có ý nghĩa đối với xe ôtô sau vị trí đặt biển.
Góc quan sát α cũng chính là góc phân tán thị giác α tại thời điểm người lái xe kết hợp quan sát 2 vị trí đặt biển báo, như hình số 2:
Góc phân tán thị giác α càng lớn thì càng gần giới hạn của thị giác, do thị giác và trí não liên kết chặt chẽ nên cũng dẫn tới giới hạn xử lý tập trung của trí não, lúc này khả năng phân tích logic của trí não bị suy giảm đáng kể: hay nhầm lẫn, dễ bị đánh lừa. Thật không may là làn xe ngoài cùng bên trái - đối tượng chính của biển báo lại có góc phân tán thị giác lớn nhất, để khắc phục hạn chế xử lý tập trung của trí não, cách phù hợp là giảm góc phân tán thị giác, đạt tối ưu khi giá trị α = 0. Tức là tại vị trí biển 411 hiện tại có thể đặt 01 cột duy nhất kết hợp của 3 biển báo 103c, 509, 411 theo hướng dẫn thứ tự ưu tiên tại khoản 19.4 Điều 19 của QCVN 41: 2012/BGTVT, như hình số 3:
Các hình sơ đồ đơn giản trên chỉ là hình phẳng 2 chiều còn trong thực tế giao thông con kiến VN là không gian 4 chiều, ngoài biển báo hai bên đường còn có biển báo trên cao, vạch kẻ sơn trên mặt đường, đèn tín hiệu GT, áo vàng xanh các loại lăm le… và còn cả loa giao thông nữa vì thế không những độ lớn mà số lượng góc phân tán thị giác cũng tăng lên. Nghe đâu sắp tới bên giao thông còn sáng tạo không gian 5 chiều, khi đèn tín hiệu màu đỏ sáng thì đồng thời phun ra hóa chất mùi rắm, khi đèn màu vàng thì phun mùi nước hoa Superman và đèn màu xanh phun mùi gà rán, nghĩa là tận dụng hết khả năng xử lý của con người để nâng cao ý thức GT.
Để đảm bảo an toàn giao thông, nguyên tắc khi thiết kế và thi công biển báo là triệt tiêu, hạn chế tối đa số lượng góc phân tán thị giác. Các biển báo khi kết hợp phải đúng nội dung mục đích, có ý nghĩa và không được mâu thuẫn nhau.
Thiết kế và đặt biển báo như hình 1 có tính chất đánh đố gây nhầm lẫn cho người điều khiển phương tiện GT, lái xe bị căng thẳng thần kinh, không đủ thời gian nên lúng túng xử lý dễ xảy ra tai nạn, ùn tắc… hậu quả là không đảm bảo an toàn GT thiệt hại kinh tế xã hội không lường hết. Cụ thể nó vi phạm khoản 17.1 Điều 17 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ: “Biển báo hiệu phải đặt ở vị trí để người sử dụng đường dễ nhìn thấy và có đủ thời gian để chuẩn bị đề phòng, thay đổi tốc độ hoặc thay đổi hướng nhưng không được làm cản trở sự đi lại của người sử dụng đường;” (Quy chuẩn VN 41: 2012/BGTVT là bộ phận không tách rời của Luật GT đường bộ được quy định tại khoản 2 Điều 84 và khoản 2 Điều 85 của Luật GT đường bộ)
Sơ đồ ở hình 3 tuy giảm được góc phân tán thị giác nhưng nội dung biển kết hợp vẫn mâu thuẫn, thiếu ý nghĩa và nặng tính suy diễn. Vậy nên phải khắc phục đặt lại biển báo cho đúng Luật như hình số 4 khi thay thế biển 103c bằng biển 103a:
Vẽ tý cho lạc quan, còn sự thật lại hơi bị… phũ phàng. Theo bác Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam: “Đến cuối năm 2013, trên cả nước có gần 62.500 biển báo cần thay thế do không phù hợp về nội dung, hình thức theo quy chuẩn. Ngoài ra, trên các tuyến quốc lộ cần bổ sung thêm gần 18.500 biển báo”
(Nguyễn Quỳnh/VOV.VN ngày 28/12/2014)
Đấy là số liệu ngành GT tự thống kê đã hơi cũ, còn thực tế bây giờ có khi sinh sôi nảy nở gấp mấy lần. Biển báo vừa đặt sai vừa lãng phí kể ra đây chả hết, trong ngành thì bác Huyện dùng từ “không phù hợp” để giảm nhẹ vụ việc thôi ạ, 62.500 cái biển “không phù hợp” kia biết có bao nhiêu cái là nguyên nhân gây mất an toàn GT? Biển báo chả có tội gì mà tội ở người làm ra và đặt nó xuống không đúng quy chuẩn, việc đặt sai biển báo đã trực tiếp vi phạm Pháp luật.
Thiết nghĩ thà ngồi ở nhà chứ đã đi ra đường thì chỉ đi đúng hoặc đi sai Luật, không có trường hợp thứ ba (ví dụ như đổ thừa tại điều kiện hoàn cảnh, tại năng lực nhận thức kém…) Cho nên các bác GTCC khi đã đặt biển thì cũng nên xác định chỉ có đặt đúng hoặc đặt sai Luật, chẳng thà các bác không đặt gì. Còn trong tiềm thức vẫn tự cho rằng “Tao là Luật” thì đó là do lỗi tại thiên tai hay tại âm mưu hợp tác đen tối gì đó… em không lạm bàn.
Bi hài ở chỗ làm đúng nhiều khi dễ hơn làm sai, thử đề xuất phương án vừa tiết kiệm vừa không phạm Luật: Giữ 01 biển báo duy nhất tại vị trí biển 411, bỏ tất cả các biển còn lại. Nút giao Cầu Dậu tương đối rộng nên thông suốt cả ngày, tuy vậy đầu giờ sáng và cuối giờ chiều tan tầm có khả năng tắc cục bộ dưới gầm cầu cạn vành đai 3 thì chỉ cần chỉnh tăng thời gian cho đèn tín hiệu màu vàng để CSGT điều tiết thêm ở làn rẽ trái là phù hợp. Như hình số 5:
Với truyền thống xây dựng pháp luật hiện nay thì chả có động lực nào khiến Bộ GTVT tự chích điện vào mông mình, vi phạm Pháp luật trong việc đặt biển báo nhưng lại chẳng có quy định xử phạt hay chế tài nào đủ nghiêm khắc hạn chế hành vi đó. Dù đủ sức nâng cao khẩu hiệu phê và tự phê nhưng để mấy bác GTCC khắc phục đặt lại biển báo như đề xuất em dự là đơn vị thời gian phải tính bằng năm, hàng thập niên, hàng thế kỷ… Cho nên có thân thì phải tự phòng trước các bác ạ, không nên ảo tưởng chờ đợi sự văn minh sớm trở lại. Có vài lời khuyên tình huống khi lỡ đi vào bẫy hình chữ nhật màu vàng như hình 6 bên dưới:
Cách 1: Khi kịp nhận ra mình đã lọt bẫy thì các bác phải dừng xe ngay lập tức, tạo ra tình huống khẩn cấp bất khả kháng (nhớ bật đèn nháy khẩn cấp, về số N, phanh tay): đau đầu, đau bụng đột ngột dữ dội… 36 kiểu đau quằn quại không thể lái tiếp được, tắc đường mặc kệ… đau người chưa đủ thì đau xe, mở nắp capo lên rồi ngó nghiêng kêu than nghe máy có tiếng gõ như sắp vỡ, vừa nhìn thấy khói lửa bốc lên như sắp cháy máy, tự nhiên thấy hụt chân phanh nên tắt máy kiểm tra… miễn sao đừng vội đi xe ra khỏi hình vẽ màu vàng ngăn yêu tinh của Tôn Ngộ Không vì ở vị trí này ô tô chưa phạm Luật. Do gặp chướng ngại vật nên cái bẫy có thể mất tác dụng và làm thoát các con mồi khác ở phía sau xe, do tắc đường hoặc gây sự chú ý của nhiều người… khiến CSGT sốt ruột muốn giải phóng xe càng nhanh càng tốt, nếu thời cơ đến tùy hướng thuận lợi các bác lên xe thoát lẹ - Cách này là khổ nhục kế.
Cách 2: Sau khi dừng xe để trấn tĩnh, chờ đèn tín hiệu màu xanh thì tiếp tục đi thẳng, nhớ mở sẵn ghi âm trên điện thoại hoặc bật quay camera. CSGT sẽ ra hiệu dừng xe đòi phạt lỗi đi sai làn của biển 411, các bác cứ bình tĩnh trả lời: Do đặt biển báo sai Luật, căn cứ khoản 3 Điều 45 của Luật GT đường bộ thì hướng đi trên làn bên trái biển báo 411 không có ý nghĩa và đúng với xe ô tô khi tuân thủ biển báo cấm 103c, vì thế nó vô hiệu với xe ô tô, xe ô tô của tôi có quyền đi thẳng.
Nếu CSGT vẫn cố tình không hiểu Luật và suy diễn lỗi, đòi lập biên bản phạt thì các bác đề nghị được ghi đầy đủ câu trả lời trên cùng câu kết luận “Tôi không vi phạm” vào biên bản, nếu không được thì kiên quyết không ký đồng thời cảnh báo luôn: Tôi đã chứng minh với anh tôi không vi phạm theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính mà anh vẫn cố tình xử lý sai vi phạm giao thông tức là anh vi phạm vào khoản 21 Điều 8 Luật GT đường bộ, vi phạm khoản 2 Điều 12 Luật xử lý vi phạm hành chính. Tôi sẽ kiện anh ra Tòa án theo quy định tại Điều 15 và đòi bồi thường thiệt hại theo khoản 2 Điều 13 Luật xử lý vi phạm hành chính - Cách này là điệu hổ ly sơn.
Cảm ơn bác Jinzin đã phát hiện bẫy.