Tây lông cũng thế thôi cụ. Passport với ID cũng có Place of birth. Chắc cụ tự ti vì sợ phân biệt vùng miền à?
Người VN khác với Tây Lông về điều này. Tây Lông nhìn con người ở bản thân anh ta là chính. Người VN từ xưa thời PK khi nhìn nhận về ai đó, người ta trước hết nhìn anh ta trong quan hệ với gia đình (cha anh ta, ông anh ta) và quê hương (làng).
Nguyễn Huy Thiệp phản ánh điều này chỉ bằng câu nói của Nguyễn Ánh về Nguyễn Du: Trẫm biết người đó, anh nó là Khải, cha nó là Nghiễm. Thế đấy, một đại thi hào được nhìn nhận ngay lập tức ở góc độ lý lịch. Nếu là vua ở Châu Âu, ông ta sẽ nói khác: trẫm biết người đó, ông ta viết Truyện Kiều!
Văn hóa VN là vậy, xấu tốt ta chưa bàn, nhưng nó là thực tế. Đã đến lúc cần xét nó cả khía cạnh xấu và tốt, nếu nó xấu, cản trở sự phát triển nhân cách con người thì phải thay đổi nó. Chứ không nên quá nhạy cảm với bất cứ cái gì khác biệt của nước mình.
Rất rất nhiều người ghi trên Hộ khẩu, trên CMT là quê ở làng nọ, làng kia, nhưng không sinh ra và lớn lên ở đấy. Cha họ, thậm chí ông họ cũng không sinh ở quê. Chỉ vì ông họ hay cha họ đã khai quê ở làng đấy, nên đến họ, con họ cũng tiếp tục khai quê như thế. Không khai giống như thế cũng không được, vì nói chung cán bộ hộ tịch không chấp nhận anh khai quê quán khác với cha anh. Phần đông dân HN đều có một quê (làng) ở đâu đó, không liên quan gì đến nội thành HN, nơi họ sinh ra.
Nơi sinh gắn liền với ngày sinh là yếu tố cần phải khai, vì nó xác định một cá nhân ra đời, làm anh ta khác người khác, nhưng yếu tố quê quán có cần khai không?
Với người VN, do đặc điểm văn hóa VN, có lẽ vẫn cần: Nhiều người HN tuy không sinh ra ở quê, thậm chí đời cha cũng không sinh ở quê, mà ở một làng nào đó thuộc Hải Dương, Hà Nam, Hà Tây, ngoại thành HN..., nhưng họ vẫn gắn bó với quê hương bằng nhiều cách: Hàng năm viếng mộ cụ, mộ ông cha, thăm họ hàng, họp họ, thắp nén nhang ở nhà thờ họ, về dự hội làng, đóng góp vào các quỹ khuyến học, quỹ từ thiện của làng... và bản thân họ, khi chết cũng không ít người muốn đưa về làng chôn. Vậy là không sinh ở làng, mà đa số vẫn có những mối liên hệ nhất định, rất bền vững với làng.
Cho nên vấn đề cụ chủ đưa ra rất cần bàn. Chúng ta có khác biệt với Tây là bình thường. Cái khác biệt nào cần thiết, thì ta phải giữ. Cái khác biệt nào bất hợp lý thì nên bỏ.
Ý kiến cá nhân: vẫn nên khai mục quê quán, vì những lý do ở trên đã nói, nhưng một là nên định nghĩa rõ khái niệm này, khác khái niệm sinh quán (nơi sinh) để thống nhất một cách khai, và có thể không bắt buộc nếu ai đó không muốn khai.