Ông chủ hãng sản xuất xe hơi đầu tiên tại Việt Nam Vinaxuki hiện nay đã 80 tuổi, ông đang sống trong ngôi nhà thiếu bàn tay chăm sóc của con người ngay tại đại công xưởng của nhà máy đặt tại huyện Mê Linh. Thu nhập chính của ông hiện nay là khoản lương 8 triệu đồng, cộng với nguồn thu “không thường xuyên” từ đàn gà ông nuôi trong nhà xưởng.
Chủ tịch Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên
Thời vàng son, cứ mỗi chiếc xe bán ra là ông Bùi Ngọc Huyên lãi 100 triệu đồng, bằng cả gia tài của một gia đình khá giả ở Hà Nội . Nhưng ông nói, “thương trường như chiến trường”, sự nghiệp của ông lao dốc không phanh khi đối thủ quây lại “đánh” Vinaxuki và bị ngân hàng “chơi bẩn”, để đến cuối đời người, ông đang gánh trên đôi vai gầy của mình khối nợ 2.800 tỷ đồng.
Viết thư gửi Thủ tướng xin làm ô tô
Bố ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaxuki là thầy dạy tiếng Pháp. Ông Huyên không đi theo nghiệp của cha mình, từ nhỏ vì mê xe hơi, nên ông nhập ngũ vào chiến trường, lái xe dọc đường Trường Sơn đi cứu nước, thỏa chí tang bồng.
Ý tưởng sản xuất ô tô đến với ông cũng rất tình cờ. Trong một lần được xem phim, ông thấy trên thế giới người ta vận tải lương thực, khí tài bằng ô tô ra tiền tuyến, còn mình thì dùng xe thồ, xe thô sơ vận binh tải đạn, huy động dân công, có nơi cả làng đi dân công làm cho xóm làng vắng ngắt.
Rời quân ngũ, ông xin vào nhà nước làm công chức. Nhưng khi mới 50 tuổi, đang giữ hàm Vụ trưởng tại Bộ Giao thông vận tải, ông Huyên viết đơn xin nghỉ hưu sớm để ra ngoài lập doanh nghiệp tư nhân, quyết tâm sản xuất ô tô.
Đam mê là vậy, nhưng khi đó các chính sách chưa thật thông thoáng, muốn làm ô tô lắm nhưng lúc đó chưa ai cho làm. Cho đến năm 2004, khi Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp tại TP.HCM, ông Huyên mạnh dạn viết và đưa bức thư đề nghị được sản xuất ô tô cho Thủ tướng Phan Văn Khải ngay tại cuộc gặp mặt này. “Trong cuộc họp, Thủ tướng xem đi xem lại thư của tôi, có thể lúc đấy Thủ tướng thấy lạ là có một xí nghiệp tư nhân xin làm ô tô nên mới quan tâm như vậy!” – ông Huyên tâm sự.
Sau hội nghị khoảng 3 tháng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thẩm tra nhà máy của Vinaxuki, bởi trước khi đề xuất làm ô tô thì Vinaxuki đã sản xuất khuôn mẫu cho hãng Ford, Toyota. Và sau sáu tháng thẩm định, Thủ tướng cho phép Vinaxuki sản xuất ô tô và các loại phụ tùng ô tô.
Với quyết tâm sản xuất bằng được chiếc xe của người Việt Nam, ông Huyên không nhập phụ tùng về lắp ráp mà tự mình “đi rất nhiều nước trên thế giới” có nền công nghiệp ô tô hiện đại như Đức, Nhật, Hàn Quốc, Nga (sản xuất xe quân sự) để nghiên cứu, học hỏi các làm xe hơi.
Hồi đó, cũng có các doanh nghiệp làm ô tô, nhưng Vinaxuki là công ty đầu tiên và duy nhất sản xuất thành công thân, vỏ xe. Thân vỏ xe nhìn vậy nhưng có đến 250 chi tiết nên nhà máy phải có 700 bộ khung dập. Để làm ô tô mang thương hiệu Việt, trước hết phải làm thân vỏ xe (xe con) và cabin (xe tải), chẳng ai làm ô tô mà đi mua những bộ phận như vậy. Trong tổng thể một chiếc xe, thân vỏ được coi là bộ phận quan trọng nhất chứ không phải động cơ hay các chi tiết khác. Bởi thân vỏ chính là bộ mặt của chiếc xe. Để làm được điều này, ông Huyên đã rót vốn đầu tư công nghệ, các nhà máy trên thế giới ứng dụng công nghệ cao như thế nào thì ở xưởng sản xuất của Vinaxuki tại huyện Mê Linh đều có cái đó.
"Thân vỏ là bộ mặt của chiếc xe, nhìn vào chiếc xe chạy ngoài đường người ta nhìn vào vỏ xe để nhận diện hãng xe, chứ không ai nhìn vào động cơ để nhận diện hãng xe" - Chủ tịch Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên chia sẻ.
Để không lệ thuộc vào chuyên gia nước ngoài, trong quá trình sản xuất, ông cử cán bộ, kỹ sư ra nước ngoài học tập rồi quay lại nhà máy làm việc. Các chuyên gia Châu Âu khi đến thăm nhà máy thì giơ ngón tay cái lên trời “like”, biểu đạt sự khâm phục con người và quy trình sản xuất xe hơi của Vinaxuki.
Cũng trong thời gian này, ông Huyên thực hiện xong hai đề tài KHCN cấp nhà nước về “sử dụng công nghệ cao làm thân vỏ xe con” và “sử dụng công nghệ cao làm cabin xe tải”.
Trong khi các lãnh đạo của doanh nghiệp làm ô tô khác đi nước ngoài thì có cả đoàn từ 10 – 20 người tháp tùng, còn ông Huyên đi thì chỉ có một mình để tiết kiệm. Một ngày tôi đi hết 4 công ty của Volkswagen, vừa ăn vừa làm việc.
Đến các nhà máy sản xuất ô tô, thấy các mẫu xe mô hình bằng đất sét, ông hỏi họ giá, họ nói 1 triệu USD một mẫu. Ông nói mình nghèo lắm, họ giảm xuống 500.000 USD. Các mẫu xe mô hình này là phác thảo ban đầu và buộc phải có để sản xuất các loại xe trên thực tế.
Mỗi xe lời trăm triệu
Quyết tâm đầu tư, sản xuất, nhà máy sản xuất ô tô Vinaxuki bắt đầu có chỗ đứng. Quy mô sản xuất không chỉ dừng lại ở khu sản xuất hơn 100 ha ở Mê Linh (Hà Nội), ông Huyên còn về tỉnh Thanh Hóa xin đất, mở nhà máy sản xuất xe tải nặng, xe tải bọc thép cho quân đội, quy mô khoảng 71 ha đất.
Trong khi thị trường đang lưu thông xe ba cầu thì ông Huyên là người sản xuất ra dòng xe 4 cầu, sau một thời gian ra mắt thì bán “đắt như tôm tươi”. Năm 2006 – 2008 bán xe tải rất mạnh. Ở Sài Gòn, Vinaxuki bán được 100 chiếc thì doanh nghiệp ô tô khác chỉ bán được 6 chiếc. Vinaxuki bán xe tải nặng 4 cầu giá 900 triệu, xe này có động cơ Đông Phong liên doanh với Mỹ, tỷ lệ nội địa hóa 27%, cứ mỗi xe xuất xưởng là lời 100 triệu. Trong khi đó, các loại xe tương tự như nhập khẩu và phân phối có giá bán 1,3 – 1,4 tỷ đồng. Cũng từ đó, vì thấy làm ăn có lãi, nên doanh nghiệp trong ngành và ngân hàng tìm cách “tiêu diệt” Vinaxuki. Ông Huyên cho biết, vụ án nổi tiếng của ông với ngân hàng cũng xảy ra ở nhà máy sản xuất xe tải nặng ở Hậu Lộc (Thanh Hóa).
Năm 2009, các tập đoàn sản xuất ô tô lớn của thế giới tìm đến Mê Linh xin hợp tác với Vinaxuki, trong đó, tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc sẵn sàng bỏ ra 1.400 tỷ đồng để mua đứt 49% cổ phần của Vinaxuki. Tuy nhiên, thương vụ này chỉ dừng lại ở việc ghi nhớ, vì lúc đó Luật Doanh nghiệp mới chưa ra đời, sản xuất ô tô là ngành nghề có điều kiện nên ông ông Huyên không thể bán vốn cho đối tác ngoại. Ông nói, lúc đó nhà máy nợ ngân hàng 600 tỷ, nếu bán 49% cho Hyundai thì trả hết nợ và thừa tiền làm ô tô.
“Tại Thanh Hóa, nhà máy sản xuất xe tải nặng có công suất 15.000 xe/năm, với giá xe 900 triệu/chiếc, chỉ cần chạy 1/3 công suất thì mỗi năm có lãi 500 tỷ đồng. Xe tải nặng lúc đó không có mà bán, sau đó các doanh nghiệp đánh tôi, ngân hàng “chơi bẩn” tôi”, ông Huyên nói.
Năm 2011 khủng hoảng kinh tế quá nặng, ngân hàng cắt vốn vay nhưng Vinaxuki vẫn có lãi. Năm 2013, khách từ miền Nam ra đặt cọc mua xe tải 4 cầu rất nhiều, nhưng do ngân hàng cắt vốn, “ngân hàng chơi tôi” nên Vinaxuki không còn vốn để sản xuất.
Bị ngân hàng siết nợ, hiện Chủ tịch Vinaxuki vẫn đang sống trong ngôi nhà nằm tại nhà máy của Vinaxuki ở Mê Linh cùng đồng lương hưu và khoản thu nhập từ việc nuôi gà.
Năm 2013, ông Huyên cho con trai lên làm Tổng giám giám đốc Vinaxuki. Nhưng “thằng này thật thà, không biết mánh lới gì”. Trong phương án tái cơ cấu nợ gửi ngân hàng, con trai ông Huyên trình với ngân hàng là xe có động cơ 1.2 có giá bán chưa đến 200 triệu đồng, xe 1.5 giá bán 300 triệu đồng, mức giá này chỉ bằng một nửa so với thị trường lúc đó. “Con tôi đã làm lộ hết bí mật. Các doanh nghiệp sản xuất ô tô thấy vậy nên quây lại đánh. Họ cho nhà báo tìm về nhà máy để viết bài, nhưng tôi không cho vào, nên phóng viên chỉ chụp được ảnh xe của Vinaxuki đang lưu thông và kết luận “xe Vinaxuki chạy trên đường kêu sòng sọc?!”, ông Huyên chua chát kể lại.
Giấc mơ ô tô của ông Huyên cũng dừng lại ở đó, khi các phương án tái cơ cấu nợ không được chấp thuận, các tài sản thế chấp bị ngân hàng bán nợ xấu, bán đấu giá để thu hồi vốn. Cũng từ đây, các vụ kiện diễn ra, ngân hàng kiện ông Huyên ra tòa và ông Huyên cũng đòi kiện lại, thậm chí ông đã làm đơn tố cáo những người có trách nhiệm tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) đã đẩy ông vào đường cùng.
Thời xe giá rẻ đã hết, giờ các hãng đua nhau làm xe đắt, chưa bao giờ xe tiền tỷ lại nhiều như bây giờ
Theo Đời sống và Pháp luật
https://autopro.com.vn/ong-chu-vinaxuki-song-qua-ngay-voi-6-trieu-dong-tien-luong-ganh-tren-minh-khoi-no-2800-ty-20201112153504225.chn