Em copy từ trang Hang cua về để các cụ tham khảo
Đây là câu hỏi không có câu trả lời chính xác. Nhưng sự kiện chống B52 dịp Giáng Sinh 1972 đáng được người Hà Nội nhắc đến một cách tự hào hơn là tìm ai đã bắn rơi 15 hay 34 chiếc B52.
Các con số và thông tin trái ngược
Trong lịch sử Không quân Việt Nam, đài báo thì MIG 21 và trên
Wiki phần tiếng Việt thì MIG 21 của Việt Nam từng bắn rơi 3 máy bay B52.
Trường hợp đầu tiên do phi công Vũ Đình Rạng bắn trúng B-52 ngày 20 tháng 11 năm 1971. Chiếc này hỏng nặng, phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Nakhom-Phanom, Thái Lan.
Trường hợp thứ hai được phía Việt Nam ghi nhận là do phi công Phạm Tuân lái chiếc MIG21 bắn rơi tại chỗ B52 vào ngày 27 tháng 12 năm 1972.
Trường hợp thứ ba diễn ra ngay vào ngày hôm sau, 28 tháng 12 năm 1972, được ghi nhận do phi công Vũ Xuân Thiều sau khi đã bắn tên lửa mà không hạ được B-52, đã lao máy bay vào chiếc B-52.
Nhưng cũng
Wiki phần tiếng Anh và lịch sử Không lực Hoa Kỳ thống kê số lượng B52 bị bắn rơi thì chỉ có SAM2 bắn rơi mà không có MIG 21.
WIKI tiếng Anh có nói thêm, Phạm Tuân phóng tên lửa cách mục tiêu 2KM nhưng chưa chắc đã diệt được máy bay, bởi lúc đó có tên lửa SAM2 bắn cháy một B52, nên Phạm Tuân lầm tưởng mình đã bắn trúng. Những ngày đó trên bầu trời là chảo lửa trong đêm. Chỉ cần vít cổ một B52 sẽ làm đối phương nhụt chí.
Phía Việt Nam còn nói, ngày hôm sau có máy bay của Vũ Xuân Thiều bắn B52 cháy ở mục tiêu quá gần nên đã bị nổ theo. Theo nguồn đó, hôm đó một Phantom của Mỹ đã hạ một MIG21 và được cho là của Vũ Xuân Thiều. Nếu có băng ghi âm trao đổi giữa phi công Vũ Xuân Thiều và mặt đất sẽ rõ hơn.
Ngoài ra, 12 ngày đêm có nhiều tin khác nhau về số lượng B52 bị bắn hạ. Phía Việt Nam nói có 34 chiếc bị SAM2 và MIG21 bắn cháy, nhưng phía Mỹ chỉ công nhận có 15 chiếc.
Như vậy Wiki tiếng Việt do người Việt viết, rất có thể bên chiến thắng biên tập theo hướng có lợi cho mình. Phần tiếng Anh do người Mỹ biên tập, dẫn nguồn khác nên đưa đến sự khác biệt.
Nguồn Wiki mở chỉ mang tính tham khảo nên người viết cần hết sức thận trọng.
Gặp phi công Lê Thanh Đạo ở Lede (Belgium)
Hồi năm ngoái (5-2016) tá túc ở nhà bạn Tuấn Anh IT sinh đúng năm 1972 làm cho WB ở Brussels (Bỉ) có cuộc chiêu đãi mà phi công Lê Thanh Đạo có con làm việc bên đó nên ông sang chơi. Ông được cho là đã bắn rơi 6 máy bay Mỹ, đứng thứ 4 trong số các phi công hàng đầu của Việt Nam.
Phi công với nhiều vết thương nhưng vẫn khỏe mạnh. Ảnh: HM
Dù đã ngoài 70, bị thương gẫy cả hai chân do máy bay MIG của bác bị bắn rơi, nhảy dù, nhưng bác Đạo rất khỏe mạnh, giọng vang xa, và nói chuyện rất cởi mở.
Ngoài chuyện bia bọt và cuộc đời, tôi tò mò hỏi, anh Phạm Tuân có bắn rơi B52 không ạ? Hòa bình, phi công Lê Thanh Đạo từng giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát ND Tối cao nên ông rất thận trọng và khôn khéo trong trả lời.
Ông kể từng lái máy bay MIG nên hiểu thế nào là bắn trúng mục tiêu. Nếu như MIG 17 bắn bằng súng canon (liên thanh) thì phải tiếp cận khá gần máy bay đối phương bằng bám đuôi và bắn. Nếu trúng là … biết liền.
Nhưng MIG 21 có 2 quả tên lửa tìm nhiệt gọi là fire and forget (bắn và quên luôn). Muốn bắn phải bám đuôi đối phương vì tên lửa sẽ tìm phần nhiệt phát ra từ đuôi máy bay.
Về lý thuyết, nếu máy bay bị bám đuôi với tên lửa tầm nhiệt thì coi như toi. Tuy nhiên trong chiến đấu, có phi công lộn nhào rất siêu, biết có thể bị bắn liền hạ độ cao đột ngột rồi vọt lên, tên lửa mất hướng.
Với MIG 21 cũng thế. Ông Đạo kể đã bắn kha khá tên lửa. Khi bám đuôi đối phương, tín hiệu trong máy bay báo có thể fire (bắn), phi công chỉ nhấn nút và vọt ngang rồi quay hình chữ U và chạy trốn thật nhanh vì nếu tên lửa trúng đối phương, máy bay mình có thể bị lây do tốc độ máy bay quá nhanh.
Duy nhất có một lần ông liều, nhấn nút tên lửa còn cố bay ngược lại thêm vài chục giây để xem máy bay Mỹ có cháy không và ông chứng kiến nó nổ tung trên không.
Tất cá các phi công được huấn luyện và thực hành, nhấn nút và chuồn thật nhanh để không bị bám đuôi. Không chiến gọi là đuổi nhau quần đảo trên trời cho oai, thực ra gặp nhau và nếu có bắn tên lửa chỉ xảy ra chục giây, nên không ai biết tên lửa của mình có trúng đối phương.
Việc máy bay bị cháy do mặt đất xác nhận, nhìn bằng mắt thường, bằng radar do tín hiệu máy bay theo dõi bị mất trên màn hình, hoặc do máy bay đi kèm nhìn thấy, còn tác giả chính không còn có thời gian để ngắm thành quả.
Vụ Phạm Tuân thì ông nói, đêm 27 tháng 12 năm 1972 Phạm Tuân có cất cánh, có bắn tên lửa, có B52 rơi. Nhưng không thể khẳng định do Phạm Tuân bắn và Phạm Tuân chưa chắc đã biết. Do SAM 2 hay MIG 21 chỉ có trời biết. Nhưng một B52 cháy là có thật và Mỹ xác nhận.
Bác Đạo kể, trong những năm chống máy bay đánh phá miền Bắc thì việc động viên các lực lượng phòng không và không quân là vô cùng quan trọng. Có máy bay do phi công bắn nhưng vì nhiệm vụ chính trị nên chiến công đó dành cho đội nữ cao xạ Thanh Hóa hay các cụ già bắn rơi máy bay bằng súng trường.
Các máy bay rơi ở con số chẵn như 500, 1000, 1500, 2000 hay 3000 muốn dành cho đơn vị sắp thành anh hùng. Bác còn cười vui bảo, có khi trong số 6 cái bác bắn rơi lại do đồng đội lập công nhưng san bớt cho bác vì bay mãi mà không bắn được cái nào.
Không quân Việt Nam có trách nhiệm bắn rơi chiếc thứ 3000 dù số bắn rơi trong thực tế do Việt Nam công bố đã là hơn 3000 mấy chục cái. Không quân thì phải bắn rơi thật chứ không thể nhận công của các cụ già.
Trong một lần cố đạt chiến công chiếc thứ 3000 vào năm 1972, bác Đạo cất cánh được vài phút và bị bám đuôi. Bác bị gẫy cả hai chân sau vụ đó.
Việc B52 rơi được cho là chiến công của Phạm Tuân là như thế, khó được làm sáng tỏ hơn. Nếu Không quân Việt Nam còn các băng ghi âm, hành trình bay, lịch sử bay, các số liệu trên radar như Hoa Kỳ có đối với máy bay của họ thì sẽ dễ xác minh Phạm Tuân bắn rơi hay Vũ Quang Thiều lao MIG 21 vào B52 hay không.
Tuy nhiên, việc Việt Nam hạ B52 trên bầu trời Hà Nội là có thật, thế giới phải ngạc nhiên. Mình đi máy bay hành khách ngồi khoang thương gia mà hơi chòng chành chút đã tái mặt. Phi công cất cánh lên đối đầu với đủ loại máy bay và tên lửa hiện đại của Mỹ là anh hùng, tìm pháo đài B52 trong đêm tối có đáng ngưỡng mộ hay không.
Các phi công Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều và Lê Thanh Đạo mà tôi gặp ở Lede năm ngoái đều xứng đáng ghi vào sổ vàng của không quân Việt Nam.
Cậu bé đỏ hỏn Chu Tuấn Anh sinh năm 1972 vào những ngày bom đạn nay đã là đàn ông 45 tuổi. Cho dù thế nào thì đối với anh, sự kiện Christmas Bombing – Việt Nam chống trả ném bom B52 dịp Giáng Sinh 1972 đáng được nhắc đến một cách tự hào.
Hãy để việc tìm ai đã bắn rơi 15 chiếc hay mấy chục B52 cho các nhà làm sử chân chính.