Xịn lỗi các anh được nhắc trong đoạn trích và diễn đàn xyz...
Xin mạn phép trích: "Cám ơn anh TranPhu đã có lời khen phụ họa cùng Xuanv338. Tôi nghĩ rằng một thời tuổi trẻ thì ai cũng đẹp giai, xinh gái cả. Anh TranPhu thời đó có khi còn đẹp hơn chúng tôi nhiều và Xuanv338 cũng vậy. Năm tháng qua đi, những kỷ niệm cũ luôn làm ta nhớ lại những gì không thể quên. Tối hôm qua, tình cờ có cuộc gặp đầy thú vị. Các anh Phạm Tuân, Vũ Đình Rạng, tôi cùng một số phi công trẻ ở các Trung đoàn tụ tập ở nhà anh Trần Văn Năm ôn lại ngày này cách đây 45 năm. Đêm ấy ta xuất kích 2 lần chuyến chiến đấu. Cả 2 chuyến đều trục trặc khi về hạ cánh. Phạm Tuân trực chiến ở đầu Tây sân bay Đa Phúc. Máy bay chiến thuật F-111 đánh 2 đợt, phá hỏng quá nửa đường cất hạ cánh. Khi Phạm Tuân nhận lệnh chuyển cấp, mở máy lăn ra chuẩn bị cho cất cánh thì đạn vẫn nổ chi chít quanh máy bay. Sau khi tách đất, Phạm Tuân kéo nhanh cho máy bay vòng tránh khu vực Hà Nội. Bay đến khu vực Sơn Tây thì nhận lệnh vứt thùng dầu phụ. Khi lấy độ cao 4000 mét ở khu vực Hòa Bình, Phạm Tuân phát hiện thấy những hàng đèn trên thân các máy bay B-52, nhưng sau khi Tuân bật ra-đa trên máy bay mình thì bọn B-52 phát hiện và tắt tất cả các đèn và lũ tiêm kích F-4 đi yểm hộ B-52 quay vào máy bay của Phạm Tuân , phóng tên lửa. Sau khi cơ động tránh tên lửa thì Phạm Tuân mất mục tiêu B-52. Vòng tiếp 2 vòng ở khu vực Mộc Châu - Sơn La rồi Sở chỉ huy cho Phạm Tuân quay về hạ cánh. Vào thời điểm đó, Đài chỉ huy ở sân bay bị đánh hỏng nên không liên lạc được. Pháo phòng không bắn lên dữ dội vì không phân biệt được ta địch. Trong ánh sáng trăng và đúng lúc ấy, 1 chiếc B-52 bị tên lửa Phòng không bắn cháy, rơi ở Phủ Lỗ. Lợi dụng ánh sáng ấy cộng với đèn pha trên máy bay, Phạm Tuân lao xuống hạ cánh. Vừa tiếp đất thì nghe cái "rầm". Biết có vấn đề, Tuân tắt máy, bóp phanh hết cỡ nhưng chẳng giải quyết được gì. Máy bay lao xuống hố bom, quay ngoắt lại 180 độ. Phạm Tuân lấy chân đạp vào phần nắp buồng lái bị vỡ và chui ra. Trước đó, anh Trần Cung trực ở sân bay Hòa Lạc cũng xuất kích trong tình trạng tương tự. Sân bay bị đánh phá, các tấm ghi lát bong lên, cong queo hết, đặc biệt là phần cuối đường băng. Anh Trần Cung cố cho máy bay tách đất ở tốc độ nhỏ để vượt qua các chướng ngại vật. Tách đất xong, anh được dẫn về phía Nam rồi vòng lên hướng Bắc đánh bọn B-52 đang vào Hà Nội. Mục tiêu cách 25 km phía trước, anh Trần Cung bật tăng lực tăng tốc độ và mở ra-đa trên máy bay. Vừa thoáng thấy mục tiêu cách mình 15 km là cả màn hình bị nhiễu dày trắng hết cùng lúc là bọn F-4 quây lấy anh, bắn tên lửa. Cơ động tránh tên lửa của F-4 và anh nhận lệnh về Đa Phúc hạ cánh. Đài chỉ huy ở sân bay hỏng, không liên lạc được, anh vòng về sân bay Kép nhưng tại Kép cũng bị đánh tan nát hết nên anh quay về Gia Lâm. Sân bay Gia Lâm cũng vừa bị đánh xong, hệ thống đèn đường băng hỏng chưa kịp khắc phục nên anh lại phải vòng về Đa Phúc. Anh cũng bị pháo phòng không bắn tơi bời nhưng vẫn cố xuống hạ cánh. Tiếp đất xong, anh thả dù giảm tốc, bóp phanh cật lực. Máy bay chồm qua một hố bom nhỏ và dừng mũi ngay trước một hố bom lớn. Anh Cung thấy 2 vệt lửa chạy dọc đường băng qua máy bay anh trước khi anh đứng trước hố bom. Thì ra khi Phạm Tuân hạ cánh, tiếp đất nặng, 2 quả tên lửa đã "nhảy" ra khỏi bệ và lao theo lực quán tính. Anh Cung ra khỏi buồng lái thì cũng vừa vặn lúc Phạm Tuân đạp buồng lái chui ra. Hai người cùng nhau dò dẫm vượt qua bãi bom về Sở chỉ huy. Vũ Xuân Thiều và Vũ Đình Rạng được điều ra trực thay. Còn tôi đêm ấy thì cùng với Lê Văn Hoàn, Lê Minh Dương ngồi bó gối cả đêm dưới hầm, chẳng làm gì được vì chúng tôi là biên đội đánh ngày. Suốt đêm ngồi như vậy, chân mỏi nhừ nhưng cứ hễ duỗi chân là lại tõm xuống nước, đành phải ngồi co như vậy, ấm ức không chịu được. Sáng hôm sau trèo ra khỏi hầm thì nhà trực đã bị bom đánh sập, chúng tôi phải đào bới mãi mới lấy được bộ quần áo bay, thùng bay phủ đầy bụi rồi hối hả ra tuyến trực. Sân bay Gia Lâm bấy giờ bị đánh hỏng gần hết. Tôi cho xe chạy kiểm tra và tính toán cách cất cánh sao cho an toàn. Máy bay chúng tôi lại đeo 3 thùng dầu phụ nên phải tính cách hạ hết xuống cho nhẹ mới có thể cất cánh với đoạn đường băng ngắn tí còn lại. Và cũng ngày ấy cộng với già nửa ngày sau, kíp trực chúng tôi nhịn đói vì bếp ăn bị trúng bom, chẳng còn sót lại tí gì cả....Ngồi ôn lại những kỷ niệm cũ, các phi công trẻ cứ há hốc miệng ra nghe tưởng đâu chuyện cổ tích với những huyền thoại. Mà có lẽ đúng như thế thật, nhiều khi sự việc xảy ra cứ như trong mơ, không thể tin nổi. Vậy mà đã 45 năm trôi qua, anh em chúng tôi còn ngồi lại được với nhau để hàn huyên thì quả là hạnh phúc..."
... không nói gì thêm ...