Chặt củi và bán củi.
Như em đã nói, quãng thời gian 1982-1989 là người dân đói, đói và khổ sở lắm. Tháng giáp hạt, mọi người chỉ ăn cơm độn sắn khoai.
Tam Đảo đã được quy hoạch thành Vườn Quốc gia, nên tất nhiên không thể phá rừng trồng khoai sắn đc, thực tế thì cũng có vài gia đình vẫn làm, nhưng ít.
Để có tiền mua gạo, hay các thứ khác, chỉ còn một cách, hoặc đi đào củ mài, đào ba kích, hay các loại dược liệu khác đem bán, cách này hên xui vì có khi đi cả ngày chả gặp, mất công toi.
Nên, chặt củi và bán củi là cách nhanh nhất.
Chặt cành cây thông, cách này leo lên cÂy thông, tìm cành cây khô chặt xuống, cây nào gần nhau thì đu từ cây này sang cây kia như khỉ, nhưng nguy hiểm ác liệt.
Cách nữa là chặt cây thông bị chết khô, thường là do sét đánh, hay tự chết, chặt xuống, sau đó tùy sức có thể vác được bao nhiêu thì " căn" mà chặt, dài ngắn tùy sức vậy.
Gặp phải cây to hơn người ôm, không thể vác nổi, thì chặt khúc ngắn, dùng sức vần từng đoạn một theo đường mòn, ra đến đường nhựa thì lấy chân đạp cho lăn đi, điều hướng lăn bằng con dao, giữ một đầu cho nó lăn chậm hơn chẳng hạn.
Về nhà thì phải dùng búa bổ cây gỗ ra, phải bổ theo thớ gỗ,không thể dùng sức được, cây gỗ thớ thẳng như sồi, trám, bồ đề, sa mu...rất dễ bổ, cứ giáng búa mạnh ở giữa là nó vỡ ra, sau đó theo thớ mà tách nhỏ.
Các loại gỗ khác như thông, sau sau, dẻ, gù gương, sến, nghiến ....thì phải bổ tách từ ngoài vào, vừa bổ vùa xoay dần khúc gỗ...
Xong là phơi khô, rồi bó lại và đem ra chợ, ai có xe đạp thì thồ, còn không thì gánh vai, chợ gần như chợ Số 8 xã Kim Long, chợ xa như chợ Vĩnh Yên, chợ Cói...
Em.thì cũng phải đi bán củi, gia đình chưa đói lắm nhưng tiền mua bút, sách vở, quần áo thì đều phải tự túc.
Đi từ sáng sớm, gọi nhau ơi ới mà đi, người gánh, người xe thồ.
Bán xong, mọi người thường mua bánh chưng rán ăn, bánh đúc, bánh tẻ, có người cũng mua ít cơm, nhưng đa số có cơm nắm muối vừng.