Bức ảnh gần như đầu tiên về Việt Nam.
Ảnh chụp bán đảo Sơn Trà, năm 1859.
Ảnh chụp bán đảo Sơn Trà và cổng pháo đài Phòng Hải, Đà Nẵng, khi liên quân Pháp-Tây Ban Nha đổ bộ và tấn công quân triều đình Huế, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam.
Ảnh của Paul-Emile Berranger, một sĩ quan hải quân Pháp, thuyền trưởng chiến hạm Le Mitralle
Hồi ký của Henri de Ponchalon, trung úy hải quân thuộc đại đội 35, tiểu đoàn viễn chinh của trung đoàn 2 thủy quân lục chiến Pháp, tường thuật rất chi tiết những trận đánh ở đây:
"Ngày 1 tháng 9. Đánh chiếm Đà Nẵng.
Chúng tôi tiếp cận phần phía đông của vịnh Đà Nẵng, nơi có khu neo đậu tốt nhất, được bảo vệ bởi Pháo đài phía Bắc [ nguyên văn: fort du Nord, tức là đồn Trấn Dương], nằm trên mỏm đầu tiên của một khối núi và cây cối chiếm ưu-thế ở bến cảng. Đồn Trấn Dương được hỗ-trợ bởi pháo đài Phòng Hải ở bên dưới [nguyên văn là “ụ pháo thấp”: batterie basse, pháo đài Phòng Hải nằm ở đảo Mỏ Diều, tên chữ là Diên Chủy, phía dưới chân đồn Trấn Dương; ở đó có thêm một đồn xây bằng đất là bảo Trấn Dương 1, còn gọi là đồn Nhất]. Thêm đồn Trấn Dương 2, cũng gọi là đồn Hai, nằm trên đảo Cô, còn gọi là hòn Mồ Côi [nguyên văn “là pháo đài đảo Quan sát”: fort de l’ îlot de l’Observatoire, được trang bị 12 khẩu đại bác cỡ nòng lớn], được nối liền với bờ bằng con đường được xây dựng trên một dãy sàn đóng cọc.
Tiếp đến là đồn Trấn Dương 3, cũng gọi là đồn Ba, [nguyên văn là “ụ pháo Nơi lấy nước ngọt”: batterie de l’Aiguade], có hỏa lực bắn chéo với các pháo đài khác [phía trong đồn đất Trấn Dương 3 là đồn đất Trấn Dương 4, còn gọi là đồn Tư, nhưng không thấy tác giả đề cập, không thấy mô tả trong bản đồ hay các trận giao chiến; những tài liệu khác của Pháp cũng vậy. Có lẽ các đồn đất Trấn Dương 5, 6, 7 ở sâu bên trong thì đã bị triều Nguyễn dẹp bỏ từ năm 1850 vì xét thấy không hiệu quả trong việc bảo vệ vịnh biển].
Về phía Nam, ở hai bên lối vào sông [Hàn], có hai thành An Hải [nguyên văn là “pháo đài Đông”: fort de l’Est] và Điện Hải [nguyên văn là “pháo đài Tây”: fort de l’Ouest].
Vào lúc 7 giờ 45 sáng, một sĩ quan tham mưu của Phó Đô đốc Hải quân [Rigault de Genouilly] tiến đến gần lối vào đồn Ba để đưa tối hậu thư cho vị quan chỉ huy tối cao An Nam yêu cầu giao nộp các pháo đài trong thời hạn hai giờ.
9 giờ 45 phút, không một phản-hồi nào được đưa ra, soái hạm Némésis [nguyên văn: vaisseau amiral, là chiến hạm hạng nhì có buồm, trang bị 50 khẩu đại bác] của Phó Đô đốc [ tàu do Đại tá hải quân, Tham mưu trưởng Reynaud chỉ huy, nhưng Charles Rigault de Genouilly đặt bộ chỉ huy quân viễn chinh trên tàu này] liền phát tín hiệu khai hỏa. Soái hạm Némésis, vận hạm Gironde và tuaand dương hạm hơi nước Tây Ban Nha El Cano [tiếng Tây Ban Nha viết tên tàu này là Elcano, còn tiếng Pháp ghi là El Cano, hoặc có chỗ ghi là el Cano, trang bị 2 đại bác cỡ nòng 16 livres do Thiếu tá Gonzalès chỉ huy. Lúc này, kích cỡ của nòng súng đại bác đang còn được tính theo trọng lượng của quả đạn; đơn vị tính của người Pháp là livre (1 livre = 0,4895kg) chứ không phải tính theo pound như khối các nước Anh và Mỹ (1 pound = 0,45359237kg). Đại bác cỡ nòng 30 livres có nghĩa quả đạn nặng chừng 14,685kg (30 x 0,4895). Đại bác cỡ nòng 30 livres thì đường kính nòng súng tương đương khoảng 16cm] khạc lửa vào đồn Hai trên đảo Cô.
Các chiến hạm Primauguet [trang bị 12 đại bác do Trung tá hải quân Vrignaud chỉ huy] và Phlégétonn [trang bị 12 đại bác do Trung tá hải quân Lévêque chỉ huy] tấn công đồn Trấn Dương và pháo đài Phòng Hải, đồng thời chiến hạm Phlégéton còn có nhiệm vụ giám sát cả con đường nối từ đảo vào bờ của đồn Hai trên đảo Cô, để ngăn chặn lính phòng thủ An Nam ở đó rút lui.
Pháo hạm hạng nhất hơi nước Alarme [chỉ huy bởi Thuyền trưởng Sauze]; pháo hạm hơi nước Dragonne [do Đại úy hải quân, Thuyền trưởng Barry chỉ huy]; pháo hạm hơi nước Avalanche [do Đại úy hải quân, Thuyền trưởng Lafond chỉ huy]; pháo hạm hơi nước Mitraille [do Đại úy hải quân, Thuyền trưởng Beranger chỉ huy]; pháo hạm hơi nước Fusée [do Đại úy hải quân, Thuyền trưởng Gabrielli de Carpégna chỉ huy]; vận hạm hỗn hợp hơi nước Gironde [do Trung tá hải quân Jauréguiberry chỉ huy]; vận hạm hỗn hợp Saône [do Trung tá hải quân Liscoat làm Thuyền trưởng, mang theo từ Pháp 447 lính thủy quân lục chiến do Trung tá Reybaud chỉ huy, một nửa đại đội pháo binh hải quân và một nửa đại đội sơn pháo]; thiết vận hạm hỗn hợp Dordogne [mang theo 450 lính bản xứ Tagal Philippines do Đại tá Oscaritz chỉ huy].
Vận hạm Saône hướng hỏa lực vào đồn Ba và đồn Hai, rồi nó bị trúng một quả đạn từ đồn Ba bắn ra làm vỡ toác cột buồm trước mũi. Pháo hạm Avalanche cũng bắt đầu tấn công đồn Ba.
Các pháo hạm khác đậu ở giữa vịnh liên tục bắn phá các thành An Hải và Điện Hải.
Vào 10 giờ 30, pháo hạm hơi nước Mitraille bắn trúng kho thuốc súng của thành An Hải. [Một vụ nổ khủng khiếp xảy ra, thành An Hải bị thổi tung; cột khói cuồn cuộn bốc lên từ kho thuốc súng bao trùm toàn bộ và phun lên trong miệng hố]. Lính An Nam khiếp sợ bởi vụ nổ kinh khủng này nên đã ngừng bắn trả. [Trên các bờ biển, sức đề kháng chấm dứt, các pháo đài và ụ pháo, ngoại trừ thành Điện Hải, bị bỏ ngỏ]
Ngay sau khi các ụ pháo bảo vệ chỗ thả neo bị dập tắt, các đại đội đổ bộ từ các chiếc Némésis, Phlégéton, Primauguet, và một nửa đại đội công binh tiếp đất.
Các toán quân và các đại đội đổ bộ lèn chặt nhau trên những chiếc sà lúp được hạ xuống, lao vào tiếp đất! lưỡi lê sáng lòa và đồng thanh hô to:
- Hoàng đế vạn tuế!
Tiểu đoàn hải quân tấn công lên đồn Trấn Dương [Đại tá hải quân Reynaud, người chỉ huy, dẫn đầu lực lượng tiến nhanh về phía đồn Trấn Dương và pháo đài Phòng Hải] lính bộ binh và hải quân của soái hạm Némésis tấn công đồn Hai; tiểu đoàn của chúng tôi đánh chiếm đồn Ba; còn trung đoàn 4 là lực lượng dự phòng.
Quân An Nam bỏ chạy mà không hề kháng cự [línhPháp và Tây Ban Nha đều lên bộ; Phó Đô đốc bố trí đội hình chiến đấu và chuẩn bị tiến quân về phía trước]. Khi bước vào đồn Ba, chúng tôi tìm thấy bức tối hậu thư của đô đốc trên bàn; nó đã không được mở ra để đọc. Quân An Nam bỏ lại những người chết và những người bị thương, nhưng tại pháo đài của Đồn Hai không ai có thể trốn thoát; thậm chí các tù nhân, cả viên quan chỉ huy đồn, tổng cộng lên đến 60 người [đều bị chết hoặc bị thương] gần các phòng là một tá xác chết.
Các pháo đài ở Đà Nẵng được xây-dựng phần lớn dưới triều Gia Long, theo kiến trúc Vauban, dưới sự hướng-dẫn của các sĩ quan và của các kỹ sư Pháp, súng ống được trang-bị là súng đồng và súng gang được sản xuất phần lớn từ Pháp hoặc Bỉ.
Ở đồn Trấn Dương chúng tôi tìm thấy một khẩu súng bằng đồng là vũ khí với biểu tượng oai vệ “Vua – Mặt trời” [ khẩu này sau bị Pháp tịch thu làm chiến lợi phẩm tặng vua Pháp]. Mặt đất còn vứt đầy các loại súng trường cũ sản xuất tại Saint-Etienne [súng trường kiểu cũ từ thời Nguyễn Ánh, tức là, trong suốt thời gian sau khi Nguyễn Ánh chết, nhà Nguyễn không hề mua sắm thêm vũ khí mới], kiếm, giáo, có cả những thùng thuốc súng do Anh sản xuất bị vỡ toác. Một tình trạng hỗn loạn đến cực độ, những kho thuốc súng đều mở toang. Khắp nơi mọi vật cực kỳ hỗn độn, kinh tởm, là cảnh tượng được gây ra bởi cuộc tấn công của liên quân.
4 giờ chiều, sau khi các pháo đài bị chiếm đóng bởi các phân đội hải quân và lính Tagal [lính người Philippines trong quân Tây Ban Nha], Phó Đô đốc Rigault de Genouilly phát mệnh lệnh hành quân về phía eo đất nối bán đảo Sơn Trà với đất liền và kết thúc vịnh Đà Nẵng ở hướng đông-nam. Mục đích của cuộc hành quân là để nhận diện địa hình xung quanh, các pháo đài hai bên sông Hàn và nếu cần thiết, để đẩy lùi quân An Nam.
[Trong suốt cả ngày, sức nóng tràn ngập; bầu không khí cháy bỏng, để nói và thở. Trời không có một ngọn gió để làm dịu những bộ ngực nóng cháy. Những người lính kiệt sức đôi khi dừng lại đột ngột trên đường như thể họ đang chóng mặt. Phó Đô đốc Rigault de Genouilly ra mệnh lệnh chỉ bắt đầu hành quân lúc mặt trời đã ngả bóng]
[Bất chấp sự đề phòng khôn ngoan này, và mặc dù các cuộc hành quân không bao giờ vượt quá 2 giờ đồng hồ, nhiều binh sĩ đã gục ngã chỉ sau vài giờ. Cái chết vì say nắng này, hoàn toàn xa lạ với những người châu Âu chúng ta, là kẻ thù đáng gờm nhất để chiến đấu. Thật là một cảnh tượng buồn khi thấy những người lính ngã xuống trên mặt đất nóng cháy, buông bỏ cả vũ khí mà họ không còn giữ được nữa]
Cánh quân dẫn đầu gồm tiểu đoàn hải quân và Trung đoàn 4 Thủy quân lục chiến đã tiếp cận eo đất mà không có đụng độ [Phó Đô đốc đã nhận ra một địa điểm thích hợp để thiết lập một doanh trại trên phần bằng phẳng của bán đảo, gần thành An Hải].
Đến 6 giờ chiều, một vị trí được chỉ định để đóng trại cách thành An Hải bốn cây số. Tiểu đoàn của Trung đoàn 2 và đội pháo binh đi trước nó lập thành tuyến đóng quân thứ hai để sẵn sàng chi viện.
Liên quân tạm nghỉ hành quân trên mỗi chặng đường. Các đội pháo binh gặp nhiều vất vả mỗi khi phải đưa những khẩu pháo băng qua những con đường mòn hẹp và xấu dọc theo bờ vịnh.
Đêm xuống nhanh, liên quân bắt buộc phải đóng quân ngoài trời lúc 8 giờ tối trên lối vào của eo đất.
[Vào buổi tối cùng ngày, quân Pháp đã đóng trại dưới quyền chỉ huy của Trung tá Reybaud cùng với tiểu đoàn lính Tây Ban Nha do Đại tá Oscaritz chỉ huy. Các đại đội đổ bộ, tách ra khỏi tiểu đoàn hải quân, được đặt dưới sự chỉ huy cấp cao phụ tá doanh trại của Phó Đô đốc, và chiếm giữ các công trình chính để bảo vệ bến cảng].
[Khi màn đêm bao phủ, Đại tá hải quân, Tham mưu trưởng Reynaud dùng một chiếc thuyền vũ trang chiến đấu, có Kỹ sư phó thủy văn Ploix tháp tùng, tiến hành khảo sát phần phía tây nam của vịnh, để có thể sáng sớm ngày hôm sau đưa các pháo hạm tiếp cận đánh chiếm thành Điện Hải mà không gặp nguy cơ bị mắc cạn].
Ngày 2 tháng 9.
Suốt đêm, chúng tôi cứ bị những ánh đèn lồng lập lòe và những tiếng súng cảnh giới, hình dáng lính An Nam di chuyển đến chi viện các đồn, thậm chí lính gác phải đứng nhón chân canh suốt.
Đúng 4 giờ sáng, tiểu đoàn của Trung đoàn 2 Thủy quân lục chiến và đội pháo binh rời khỏi doanh trại dã chiến, đến 6 giờ 30 thì tiếp cận với doanh trại của cánh quân dẫn đầu.
Phân đội công binh do Đại úy Labbe chỉ huy đã chiếm đóng thành An Hải vào lúc rạng đông, sau đó họ được thay bằng Đại đội 16 của Đại úy Guillot thuộc Trung đoàn 4 Thủy quân lục chiến [Sử ta đều nói thành An Hải thất thủ vào ngày đầu tiên của cuộc chiến, nhưng theo sách này có thể khẳng định đúng là quân Nguyễn đã rút khỏi thành An Hải ngay ngày 1-9-1858, sau khi kho thuốc súng bị nổ tung vì trúng đạn từ pháo hạm Mitraille bắn trúng vào lúc 10 giờ 30 sáng, nhưng liên quân Pháp – Tây Ban Nha cuối đêm hôm đó mới chỉ dừng lại đóng trại cách thành An Hải 4 cây số, và đến rạng sáng ngày 2-9-1858 mới chiếm đóng thành này]
[Cũng vào sáng sớm, 5 pháo hạm và tuần dương hạm hơi nước El Cano, do Tham mưu trưởng Reynaud chỉ huy cuộc hành quân, mất vài khoảnh khắc sau khi cả 6 tàu chiếm giữ các vị trí mới để nhanh chóng khai hỏa].
Đúng 8 giờ, các chiến hạm Dragonne, Fusée, Mitraille nã đại bác dồn dập vào Pháo đài Điện Hải; đối phương không bắn trả. [Những loạt đạn chính xác và đều đặn bắn cấp tập liên tục vào thành Điện Hải]. Nửa giờ sau, một quả đạn pháo từ chiến hạm La Dragonne làm nổ tung kho đạn của pháo đài [một vụ nổ lớn vang lên; thành Điện Hải đã bị đổ sập]; ngọn lửa tắt lúc 9 giờ.
Đúng 10 giờ, phân đội công binh được hỗ trợ bởi một đội lính hải quân vượt qua sông Hàn trên những chiếc ca-nô và chiếm được thành Điện Hải mà không gặp sự kháng cự nào, bởi dường như quân An Nam đã rút lui từ đêm hôm trước, sau vụ nổ tan tành ở thành An Hải.
[Liền ngay sau đó, Trung tá hải quân Jauréguiberry dẫn đầu một đội thuyền vũ trang chiến đấu tiến vào Sông Hàn và đóng trạm gần thành An Hải. Pháo hạm hơi nước Dragonne và tuần dương hạm hơi nước El Cano đến thả neo bên ngoài vịnh, gần doanh trại, phía lối vào giữa bán đảo Sơn Trà và Cù lao Chàm, từ đó bảo vệ sườn bên trái của lực lượng viễn chinh, cho phép dựa vào thành An Hải, nơi được bố trí hai đại đội thủy quân lục chiến Pháp với một nửa đại đội lính Tây Ban Nha].
Eo đất của bán đảo Sơn Trà là lưỡi cát dài như ruột chiếc bánh mì và chật hẹp. Phần đất liên quân đang đóng doanh trại khá thấp, bị thiêu đốt bởi ánh nắng mặt trời, gần như không có cây cối gì sinh trưởng. Cũng chỉ thấy vài chiếc lều tồi tàn mà cư dân của nó đã bỏ trốn hết. Chúng tôi nhanh chóng ổn định đội ngũ, nhiệt độ quá cao đến mức không thể ngồi lâu trong trại, phải đi tìm cành cây mà phủ lên.
Khoảng 6 giờ 30 chiều, một làn gió nhẹ làm dịu bớt cái nóng bức, mặt trời đang dần dần tắt nắng. Bước lên trên một đụn cát gần doanh trại, tôi lặng ngắm bức tranh toàn cảnh hùng vĩ đang trải ra trước mắt mình.
Ở phía Bắc nhô lên hai dãy núi dựng đứng đồ sộ, trùm bóng lên cả lối vào trong vịnh. Ở tiền cảnh phía trước, đảo Cô được tách thành một mảng sáng nhạt đẹp như tranh vẽ. Phía Đông, dãy núi Sơn Trà giăng ra những cánh rừng tím thẫm, kéo dài đến giáp ranh của eo đất nối bán đảo với đất liền.
Phía Tây thì tương phản nổi bật, mặt trời nhuốm đỏ chiếu những tia nắng cuối ngày qua những vòng triền đồi và nhẹ nhàng tỏa xuống vịnh Đà Nẵng, vẽ lên ở đó những nếp cuộn hình Sin duyên dáng, những tán cây, những cụm dừa che bóng xuống vịnh.
Phía nam, núi Ngũ Hành Sơn [Montagnes de marbre] với những đỉnh núi phớt hồng nổi lên như bộ ngực của biển cả, phản chiếu lung linh vô vàn sắc màu rực rỡ......