Còn một cái Cầu Cất độc đáo ở Hải Phòng nữa, nhưng nay không còn (giờ là cầu Xi Măng)
Cầu Thượng Lý bắc qua sông đào Hạ Lý, thuộc địa bàn xã Hạ Lý cũ. Cầu lúc đầu mang tên Hạ Lý, dân quen gọi là cầu Xi - măng vì ở gần nhà máy Xi - măng Hải Phòng. Sau cách mạng tháng Tám đổi mang tên Tô Hiệu. Sông đào Hạ Lý đã chia đôi làng Hạ Lý. Làng Hạ Lý xưa địa giới tận ngã ba Xi - măng hiện nay (ngã ba Bạch Đằng - Hùng Vương). Việc đào sông Hạ Lý đã giải quyết nhu cầu giao thông đường thuỷ nhưng lại gây khó khăn cho giao thông đường bộ. Chính vì vậy từ năm 1923, người ta đã đòi hỏi phải xây cầu, bàn về kiến trúc của cầu rẩt nhiều sao cho cầu không gây cản trở cho việc đi lại của thuyền bè trên sông. Cuối cùng, Hội đồng thành phố phải mời các kỹ sư cầu đường, các nhà vận tải thuỷ hội thảo. Ngày 3-12-1926, Toàn quyền Đông Dương đã ký nghị định xây ở cửa sông đào Hạ Lý tạm một chiếc cầu treo để tiếp thông đường 5, sau đó chiếc cầu kiên cố mới được xây dựng. Về vị trí đặt cầu mới, lúc đầu có người bàn nên làm thêm một cầu nữa cho ô tô và người đi bộ ở vị trí cầu xe lửa (cầu Quay), mở đường nhựa song song với đường sắt nhưng vì quá tốn kém nên không được Hội đồng thành phố chấp nhận. Sau người ta thống nhất làm cầu cất ở vị trí hiện nay. Dầm giữa hai đầu cầu đặt cột cao, có hai tảng bê-tông nặng, dùng tời để nâng nhịp giữa lên cho thuyền qua lại vào giờ qui định (khi nhịp nâng lên thì hai tảng bê tông hạ xuống và ngược lại, khi nhịp giữa hạ thì chúng ở đỉnh hai cột cao). Cầu xây dưng năm 1934. Trong chiến tranh bị hư hỏng nhiều lần, đặc biệt là bị bom Mỹ đánh sập từ năm 1969.