.
Phân tích câu luật "Tín hiệu vàng - phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp"
Nhà cháu xin nêu quan điểm cá nhân về từ "phải" và cụm từ "trước vạch dừng" trong câu luật, như sau:
1- Từ "phải" trong câu luật này không hề có ý nghĩa "bắt buộc, không thể làm khác, nếu làm khác là vi phạm".
2- Câu luật này chỉ có nghĩa "nêu 2 phương án" về hành vi, xếp theo thứ tự ưu tiên, là "dừng lại" hay "đi tiếp", nhằm khuyến cáo người lái xe chọn 1 trong 2 phương án đó.
3- Cụm từ "trước vạch dừng" chỉ có ý nghĩa là "một điều kiện A cần đáp ứng" khi lái xe muốn lựa chọn hành vi "Dừng lại" khi đèn tín hiệu đang vàng mà thôi.
Còn nếu cần đi tiếp, thì không bị ràng buộc bởi điều kiện "trước vạch dừng" nữa.
----------------
Diễn giải cụ thể: gồm 4 mục như sau
1- Ý nghĩa của chữ Phải trong tiếng Việt:
Trong tiếng Việt, chữ "Phải" không luôn luôn có nghĩa là a- Bắt buộc không thể làm khác được, hoặc nhất thiết cần có như thế.
Cũng giống như trong tiếng Anh, trong tiếng Việt, chữ "Phải" còn được sử dụng với nghĩa b- Nhấn mạnh về sự lựa chọn một trong các việc sẽ "ưu tiên làm", vì nó có hiệu quả, nó cần thiết, nó thú vị, nhưng "không có nghĩa vụ phải làm hay bắt buộc phải làm".
Ví dụ: trong câu
Phải đến Pari để học thời trang thì mới đỉnh.
Phải lên Đà lạt khi vào công tác Sài gòn mới được.
Phải đi máy bay ra Hà nội một chuyến mới sướng.
dù có chữ "Phải" nhưng các câu này đều không có ý nghĩa ràng buộc phải đến Pari, Đà lạt, phải đi máy bay, như một nghĩa vụ bắt buộc làm. Việc đến Pari, Đà lạt, việc đi máy bay chỉ là mong muốn, là một trong các phương án hay, để xem xét lựa chọn.
2- Chữ "Phải" trong câu luật này không có nghĩa bắt buộc:
Trong câu luật "phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp", chúng ta thấy có nêu 2 cặp nội dung đối lập, như về hành động thì có "dừng lại - đi tiếp", về vị trí thì có "trước vạch dừng - quá vạch dừng".
Và chúng ta có thể thấy, trong câu luật này không hề có nội dung nào bị luật bắt buộc "không thể làm khác" theo nghĩa a- như nêu trên của chữ "phải".
Câu luật chỉ nêu khuyến cáo lái xe được lựa chọn 1 trong 2 phương án "dừng lại" hoặc "đi tiếp", xếp theo thứ tự ưu tiên.
Cụ thể:
- lựa chọn về hành vi: (nếu trước vạch dừng thì) dừng lại, (nếu quá vạch dừng thì) đi tiếp.
- lựa chọn về vị trí: (nếu dừng lại thì cần) trước vạch dừng, (nếu đi tiếp thì) vượt quá vạch dừng.
Từ phân tích trên, ta có thể kết luận: từ "phải" trong câu luật này không có ý nghĩa "bắt buộc, không thể làm khác, nếu làm khác là vi phạm".
Từ "phải" trong câu luật này chỉ có ý nghĩa nêu "ưu tiên đáp ứng một điều kiện A khi lựa chọn một trong hai hành vi (dừng lại - đi tiếp) theo thứ tự ưu tiên" mà thôi (xin xem diễn giải tại mục 3- bên dưới).
Cụm từ "trước vạch dừng" có ý nghĩa là "một điều kiện A mà lái xe cần đáp ứng khi muốn lựa chọn hành vi dừng lại". Nếu không thể đáp ứng điều kiện A thì cần chọn hành vi "đi tiếp".
Vì luật khuyến cáo các lựa chọn, nên câu luật này không bắt buộc phải thực hiện một hành vi cụ thể nào (không bắt buộc phải dừng lại).
Đồng thời, khi lái xe chọn hành vi đi tiếp, không chọn hành vi dừng lại, thì đều không bị luật coi là phạm lỗi.
3- Đảo từ để nhấn mạnh ý:
Trong ngữ pháp của nhiều nước, trong đó có VN, khi cần nhấn mạnh một từ nào đó, người ta thường sử dụng thủ pháp "đảo từ", tức là chuyển vị trí của từ cần nhấn mạnh lên phía trước.
Ví dụ:
câu "Khi muốn Đỗ xe thì phải đảm bảo đỗ trong ô vuông, trừ trường hợp hết ô vuông thì được xuống hầm"
được "đảo từ" bằng cách chuyển từ "phải" lên trước, thành câu:
"Phải đỗ xe trong ô vuông, trừ trường hợp hết ô vuông thì được xuống hầm".
4- Câu luật này đưa ra chỉ dẫn, giúp lựa chọn phương án theo một điều kiện cụ thể:
Câu luật này đưa ra chỉ dẫn để giúp chọn lựa 1 trong 2 phương án theo cấp độ ưu tiên A và B, trong đó A có mức độ ưu tiên cao hơn, theo cấu trúc sau:
"Khi muốn C thì Phải đảm bảo A, trừ trường hợp không thể A thì phải B".
Trong đó,
A là bổ ngữ cho từ "Phải", chỉ điều kiện (về vị trí) để lựa chọn hành vi nên ưu tiên thực hiện trước (dừng lại)
B là biểu thức chỉ phương án lựa chọn hành vi thứ 2 (đi tiếp), khi không thể thực hiện điều kiện A.
C là động từ chỉ hành động (dừng lại hay đi tiếp).
Thay thế A, B, C bằng những cụm từ cụ thể ta có:
- Ví dụ 1:
A= trong ô vuông
B= xuống hầm
C= đỗ xe
Điền vào câu "Khi muốn C thì phải đảm bảo A, trừ trường hợp không thể A thì phải B", ta có:
Câu điều kiện:
"Khi muốn Đỗ xe thì phải đảm bảo trong ô vuông, trừ trường hợp hết ô vuông trống thì được xuống hầm để đỗ xe".
Sau khi đảo ngữ, cho chữ "phải" lên trước để nhấn mạnh điều kiện về vị trí "trong ô vuông", ta có câu:
"Phải đỗ xe trong ô vuông, trừ trường hợp hết ô vuông trống thì được xuống hầm để đỗ xe".
Quy định này chỉ có nghĩa nêu điều kiện cần đáp ứng nếu muốn đỗ xe. Nó không hề có nghĩa yêu cầu các xe bắt buộc phải đỗ vào ô vuông.
- Ví dụ 2:
A= phòng hút thuốc lá
B= ngoài sân
C= hút thuốc lá
Câu điều kiện:
Muốn hút thuốc thì phải vào phòng hút thuốc, trừ trường hợp phòng hút thuốc khoá cửa thì được phép hút ngoài sân.
Sau khi đảo ngữ, cho chữ phải lên trước để nhấn mạnh điều kiện về vị trí "trong phòng hút thuốc", ta có câu:
Phải hút thuốc lá trong phòng hút thuốc, trừ trường hợp phòng hút thuốc khoá cửa thì được phép hút thuốc ngoài sân.
Quy định này có nghĩa nêu điều kiện cần đáp ứng nếu muốn hút thuốc. Nó không hề có nghĩa yêu cầu mọi người bắt buộc phải hút thuốc lá.
- Ví dụ 3:
A= trước vạch dừng
B= qua vạch dừng
C= dừng lại
Điền A, B, C vào câu "Khi muốn C thì phải đảm bảo A, trừ trường hợp không thể A thì phải B", ta có:
Câu điều kiện:
"Khi muốn hành động "dừng lại" thì phải đảm bảo vị trí "trước vạch dừng", khi không thể "trước vạch dừng" thì được "đi tiếp".
Câu luật cụ thể, sau khi áp dụng "đảo ngữ", chuyển chữ "phải" lên trước để nhấn mạnh điều kiện về vị trí "trước vạch dừng", ta có câu:
"... Phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp"
Tương tự 2 ví dụ trên, câu Luật này cũng chỉ có nghĩa nêu điều kiện cần đáp ứng nếu muốn dừng xe. Câu luật này không hề có nghĩa yêu cầu các xe bắt buộc phải dừng lại.
.