Cụ nói chuẩn xác.
Khi đánh giá 1 hoàng đế, người ta thường xét đến" văn trị" và "võ công".
Về võ công Lưu Bang có, nhưng văn trị thì không nổi bật (những thành tích về cai trị trong thời đại đó được gán với Tiêu Hà hoặc con ông là Hán Văn đế Lưu Hằng). Do đó người ta không đánh giá cao ông so với các hoàng đế khác như Tần Thủy Hoàng, Hán Quang Vũ, Đường Thái Tông, Minh Thái Tổ hay Thanh Thánh Tổ Khang Hy.
Nhưng rất nhiều người (ví dụ vua nhà Hậu Triệu là Thạch Lặc) thì lại đánh giá ông rất cao. Thạch Lặc nói nếu gặp thời Hán Quang Vũ đế thì sẵn sàng tranh giành thiên hạ, nhưng nếu gặp vua Hán Cao Tổ thì chấp nhận chỉ là một chư hầu. Nói thế để thấy cái tầm của Lưu Bang.
Bộ sử ký Tư Mã Thiên có ảnh hưởng rất lớn đến hậu thế. Tư Mã Thiên theo góc nhìn của nho gia mà đánh giá cao Hạng Vũ, hạ thấp Lưu Bang. Một kẻ không theo khuôn phép đặc biệt là khuôn phép Nho giáo; coi thường cái gọi là hiếu nghĩa (có ở nhà phụng dưỡng cha mẹ đâu), tam tòng tứ đức (đi cặp bồ với gái góa mà), đái vào mũ của nhà nho, ngồi xổm tiếp các nhà nho thì bị cái bọn viết sử nó khinh thường cũng chẳng lạ.
Lưu Bang xuất thân thấp kém, con nhà nông dân. Thông thường với cái xuất thân ấy thì an phận thủ thường, chịu khó cày cuốc mà nuôi thân. Nhưng không, ông ta kệ bố mẹ và các anh lo cho nhau, cũng chẳng thèm chọn con gái nhà cùng đẳng cấp mà lấy vợ, lại đi cặp bồ rồi có con. Dám làm như thế thì cũng là 1 cái tài đấy chứ. Ông ta lêu lổng, không chịu làm ăn, suốt ngày giao du bạn bè. Với cái xuất thân ấy thì bạn bè của ông cũng thế mà thôi, du thủ du thực, lấy đâu ra những người đạo mạo phong độ, hào hoa phong nhã. Cao quý nhất cũng chỉ là mấy tên huyện lại, mấy tên cai ngục, đại loại gọi là "có công ăn việc làm". Nhưng trong đám bạn "chẳng ra gì" đó lại có người trở thành tể tướng, có người là tướng quân, công hầu phong tướng lưu danh sử sách.
Một ông trong tay không có lấy 1 đồng, dám đến nhà vọng tộc hô lớn: tao mang lễ vật 1000 lượng vàng, rồi ngồi tót lên mâm trên, rồi được cái nhà ấy nó gả con gái cho. Riêng chuyện này đã là kỳ tích của anh nông dân ít học. Cái nhà vọng tộc ấy nó không mù, nó nhìn thấy những cái mà Tư mã Thiên không nói.
Lưu Bang phóng khoáng, rộng rãi, có uy tín. Nếu không thế thì sao được làm đình trưởng. Tuy chỉ là 1 đình thôi nhưng để những kẻ giàu có chấp nhận đứng trên nó thì cũng phải ra gì chứ. Nếu không có uy tín thì đám du thủ du thực kia sao nó theo, nó tôn làm đại ca. Khả năng thuyết trình, khả năng lôi kéo, khả năng lãnh đạo của ông ta cũng đáng nể (điều này trong sử ký có đề cập).
Lưu Bang có tài nhìn người và dùng người. Điều này quá nổi tiếng và rất nhiều người nói rồi. Chỉ nhấn mạnh: Câu hỏi và câu trả lời của ông trong buổi tiệc (rằng vì sao tao thắng giành được thiên hạ, Hạng Vũ lại thua mất thiên hạ) đã thể hiện cái tầm của ông mà hậu thế không ai bắt bẻ được.
Lưu Bang cũng có tài cầm quân. Nhiều người cố tình tôn Hạng Vũ mà dìm khả năng này của ông. Ông trực tiếp cầm quân tiến về phía Tây và là người vào Hàm Dương đầu tiên. Ông trực tiếp cầm quân đánh nhau với Hạng Vũ (mặc dù thường là thua) nhưng đã cầm chân được quân chủ lực của Hạng Vũ, tạo điều kiện để Hàn Tín, Anh Bố, Bành Việt cầm 3 cánh quân khác lập công. Ông cũng là người cầm quân đánh Trần Hy phản bội, rồi cầm quân đánh quân Hung Nô. Tuy rằng có những trận ông thua nhưng không ảnh hưởng đến căn cơ và có thể nói tổng thể là ông đạt được mục đích làm cho Hán càng ngày càng mạnh.
Lưu Bang là người mạnh mẽ quyết đoán. Đã dùng là tin, đã quyết thì làm, sai thì sửa, cần thưởng là thưởng, cần giết là giết. Những đức tính vô cùng quan trọng với 1 quân chủ. Cái này có phải là tài năng không nhỉ.
Một điều nữa, khi khởi nghĩa Lưu Bang 48 tuổi, Hạng Vũ 24. Một đằng kinh nghiệm lọc lõi già đời, một đằng trẻ người non dạ thể hiện rất rõ trong những quyết định của 2 bên trong suốt cuộc tranh hùng của Hán-Sở. Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ trong thời gian rất ngắn (chỉ 5 năm, một thời gian kỷ lục trong cuộc chiến giành thiên hạ) không cho Hạng Vũ phát huy lợi thế lớn nhất: tao trẻ tao có thời gian nhiều hơn mày.