Nửa cuối của Chiến tranh thế giới thứ 2 đánh dấu một bước ngoặt trong chiến thuật sử dụng xe tăng trên chiến trường. Nếu như trước đó, đối mặt với xe tăng là cơn ác mộng của lính bộ binh vì họ chỉ có lựu đạn hay chai cháy hoặc súng trường diệt tăng. Lựu đạn, chai cháy quá nguy hiểm cho người dùng ở cự ly ngắn, còn súng trường diệt tăng lại vô dụng với các loại xe tăng hạng nặng có giáp dày.
Tuy nhiên, đến nửa cuối chiến tranh thế giới thứ hai, bộ binh đã có trong tay thứ vũ khí cực kỳ hiệu quả: Súng phóng lựu bắn đạn ứng dụng nguyên lý nổ lõm. Từ nửa cuối năm 1942, với sự xuất hiện của các loại súng phóng lựu chống tăng cá nhân như M1A1 Bazooka của Mỹ, sau đó là bản copy M1A1 do Đức sản xuất có tên Panzerschreck và cuối cùng là Panzerfaust - một khẩu súng nặng hơn 6 kg nhưng có uy lực của những khẩu pháo cỡ nòng hàng trăm mm.
Panzerfaust 150, phiên bản cuối cùng được sử dụng trong Thế chiến hai có tầm bắn tới 150 m và có khả năng xuyên thủng lớp giáp dày tới 220 mm - nghĩa là có khả năng khoan thủng giáp trước của những loại tăng hạng nặng tốt nhất khi đó như IS-2 của Liên Xô hay King Tiger của Đức.
Thế chiến thứ 2 kết thúc, súng phóng lựu chống tăng sử dụng đạn lõm lại càng phổ biến và thành công hơn với khẩu súng được biết đến nhiều nhất là RPG-7, có khả năng xuyên giáp từ 330 mm (đạn PG-7V) đến 500 mm (đạn PG-7VL). Khả năng xuyên giáp không phụ thuộc vào góc chạm hay vận tốc của đạn khiến giáp nghiêng trở lên vô nghĩa. Ngay lập tức, các nhà chế tạo đã nghĩ ra cách đối phó với thứ vũ khí mới này.
RPG-2 ( Vn B-40)
RPG -7 (VN B-41)
Giáp lồng thép - giải pháp tình thế và rẻ tiền
Hàng trăm năm trước, khi ngư lôi mới được phát minh, các tàu chiến đã có một giải pháp khá hữu hiệu để chống lại loại vũ khí này là chăng lưới chung quanh tàu. Tương tự, do đạn nổ lõm thường hoạt động theo nguyên tắc chạm nổ, một lớp giáp bằng lưới thép gắn trên xe có thể ngăn đạn không phát nổ.
Trong cuộc chiến tại Việt Nam, đế quốc Mỹ cũng đã sử dụng rất nhiều lưới thép dạng này để ngăn chặn đạn RPG-2 (B-40) của quân giải phóng, đến mức sau này loại lưới này được gọi bằng cái tên “lưới B-40”.
Giáp lồng thép có giá thành rẻ, khối lượng nhẹ nên được sử dụng rất rộng rãi trong những năm 1960 - 1970, trên chiến trường Việt Nam và Trung Đông. Sau này, các loại đạn của súng chống tăng cá nhân như RPG-7 có cơ chế tự hủy (phát nổ sau thời gian quy định), nhưng giáp lồng thép vẫn có tác dụng làm giảm đáng kể tác động của luồng xuyên có áp suất và nhiệt độ cực cao do đạn nổ lõm lên giáp chính của xe.
Tuy nhiên, khoác thêm một lớp giáp ngoài như vậy, khiến xe tăng trở nên cồng kềnh, không linh hoạt. Hiện nay, giáp lồng thép được dùng chủ yếu để bảo vệ xe thiết giáp và các loại xe công trình quân sự.