Chào mừng ngày Chiến thắng Phát xít 9/5/1945-9/5/2010. Em xin góp một bài về xe tăng Soviet trong WWII:
Trước cuộc Chiến tranh Giữ nước vĩ đại, trong sư đoàn bộ binh có 16 xe tăng. Nhưng ngay trong những ngày đầu tiên của chiến tranh số xe tăng này đã bị điều đi và cho đến cuối chiến tranh thì trong biên chế chính thức của sư đoàn, quân đoàn bộ binh đều không có xe tăng. Điều này không có nghĩa là trong hoạt động của sư đoàn bộ binh không có xe tăng. Ngược lại, kinh nghiệm chiến tranh cho thấy việc thật sự cần thiết phải có sự yểm hộ trực tiếp của xe tăng các đơn vị bộ binh mới tác chiến được.
Ngay từ đầu chiến tranh, các binh đoàn bộ binh hoạt động trên các hướng chính, hoặc phòng ngự ở những hướng xung yếu nhất đều được tăng cường thêm xe tăng. Thời kỳ đầu chiến tranh, các binh đoàn bộ binh được tăng cường xe tăng hạng trung được chế tạo trước chiến tranh, nhưng chủ yếu là hạng nhẹ.
Xe tăng hạng trung T-34 do tập thể thiết kế Cốt-xkin, Mô-rô-dốp và Cu-trơ-ren-cô chế tạo là loại xe tăng hạng trung tốt nhất trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Có thể nói chắc chắn là xe tăng T-34 so với T-3 của Đức hồi đó thì T-34 vận động tốt hơn, nhanh hơn, vượt chướng ngại vật tốt hơn, tầm hoạt động xa hơn, bền hơn, và quan trọng là hơn hẳn về vỏ thép (chiều dày và chất lượng) và vũ khí trang bị. Đại bác 37mm của T-3 không thể phá được vỏ thép của T-34 ở bất cứ cự ly nào, còn đại bác 76mm của T-34 có thể phá được vỏ thép của T-3 ở cự ly thật xa. Trong những trận đấu tay đôi giữa xe tăng T-34 của Liên Xô với xe tăng Đức, nhiều khi xe tăng T-34 đã hỏng còn mà vẫn có thể húc hỏng xe tăng Đức. Tăng T-34 còn hơn cả T-4 của Đức. Pháo 75mm của T-4 cũng không đảm bảo chống được với T-34. Xe tăng T-34 trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai là loại xe tăng tốt vào bậc nhất: thứ nhất, nó được dùng trong suốt chiến tranh, thứ hai, ngay từ năm 1941, Bộ chỉ huy mặt trận của quân đội quốc xã đã đề nghị nhất thiết phải tổ chức sản xuất loại xe tăng này ở Đức, nhưng thực tế là phát-xít Đức đã không làm được. Chỉ có điều đáng tiếc là thời kỳ đầu chiến tranh T-34 quá ít, nên mỗi chiếc là một viên ngọc quý của đơn vị xe tăng, bị tổn thất nhiều vì gánh nặng nhiệm vụ của đơn vị đổ hết lên vai chúng.
Loại xe tăng hạng nặng KV do tập thể thiết kế dưới sự lãnh đạo của công trình sư Cô-tin là loại có vỏ thép rất dầy (75mm), và hồi đầu chiến tranh nhình chung không có loại xe tăng hay pháo chống tăng nào của Đức có thể bắn thủng. Vỏ bọc xe tăng KV các thế hệ cải tiến về sau lại tăng lên đến 105mm, pháo được thay từ 76mm lên 85mm. Có thể nói rằng, xe tăng hạng nặng Xô-viết là mối đe doạ rất lớn của quân đội phát-xít. Ngay từ đầu cjhiến tranh, thực tiễn cũng đã chứng minh chất lượng hơn hẳn của xe tăng Liên Xô so với xe tăng Đức. Súng đại bác chống tăng 37mm của Đức trở nên bất lực trước xe tăng Xô-viết, nên chúng phải trút gánh nặng chống xe tăng Liên Xô lên vai của không quân và pháo cao xạ loại vừa. Sau đó phát-xít Đức đã phải cải tiến dùng loại đạn đặc biệt 37mm và 76mm cho pháo chống tăng để đảm bảo công phá xe tăng Liên Xô.
Năm 1943 là năm bước ngoặt trong chiến tranh không chỉ trên chiến trường mà còn ở trong công nghiệp quốc phòng, sản xuất được số lượng lớn các loại xe tăng chất lượng cao đã làm thay đổi cán cân lực lượng giữa hai bên nghiêng về phía có lợi cho quân đội Xô-viết.
Năm 1944 đã ra đời loại xe tăng hạng trung T-34-85 và xe tăng hạng nặng IS-1 có pháo 85mm thay thế cho KV. Loại này rất mạnh: về động cơ, đại bác và có thêm 3 khẩu trọng liên thường và một trọng liên cao xạ.
Từ mùa xuân năm 1944, quân đội Xô-viết sử dụng rộng rãi xe tăng hạng trung T-34-85 và xe tăng hạng nặng IS-2.
Đầu chiến tranh, Hồng quân sử dụng xe tăng hạng nhẹ T-60, sau đó được thay thế bằng T-70 trang bị pháo 45mm và súng máy. Các loại xe tăng hạng nhẹ này được dùng rộng rãi để trinh sát, liên lạc, điều tra mục tiêu, hộ tống đoàn công-voa…
Hồi đầu chiến tranh Hồng quân chưa có pháo tự hành, vì loại này còn đang trong thời gian thử nghiệm, nhưng tương lai của nó đã được các nhà lý luận quân sự Xô-viết khẳng định đúng đắn.
Thực tế chiến đấu cho thấy rất rõ cần phải có hoả lực mạnh liên tục, nhất là hoả lực chống tăng để đảm bảo cho xe tăng tấn công. Pháo binh chống tăng và các loại pháo dã chiến thông thường không thể đáp ứng được nhu cầu đó vì tính vận động thấp. Chiến thuật yêu cầu trong một thời gian ngắn, bộ đội cần phải có loại xe chiến đấu có sức vận động vượt chướng ngại gần như xe tăng nhưng phải hơn hẳn xe tăng về hoả lực. Pháo tự hành là phương tiện có đầy đủ những phẩm chất đó. Những khẩu pháo tự hành hạng nhẹ SU-76 được cấu tạo dựa trên cơ sở xe tăng hạng nhẹ T-70, dùng để trang bị cho bộ đội vào năm 1942 đã chứng minh được rằng chúng không hề làm thất vọng những kỳ vọng vào chúng. Việc nền công nghiệp quốc phòng Xô-viết vào đầu chiến tranh bị thiệt hại nhiều và phải sơ tán một cách vất vả về phía đông, sâu vào trung tâm đất nước đã làm chậm trễ quá trình phát triển các loại pháo này. Nếu không như vậy thì có thể không phải là mùa hè năm 1943 mới xuất hiện với số lượng lớn pháo tự hành…
Bắt đầu trận Cuốc-xcơ, các binh đoàn bộ binh đã được tăng cường không chỉ xe tăng mà còn có cả pháo tự hành:
- Pháo tự hành SU-122, được chế tạo trên cơ sở xe tăng T-34 và pháo ngắn nòng 122mm.
- Đồng thời trong giai đoạn này trong các binh đoàn xe tăng còn được trang bị loại pháo tự hành mạnh nhất SU-152. Loại này được chế tạo dựa trên cơ sở xe tăng hạng nặng KV và pháo 152mm. Những loại pháo tự hành này đã tiêu diệt được những số lượng lớn xe tăng “Cọp”, “Báo” của phát-xít Đức nên chính quân Đức cũng gọi chúng là những “người đi săn xe tăng”.
Để trực tiếp yểm hộ cho các binh đoàn bộ binh, từ mùa hè 1943 một số lượng rất lớn pháo tự hành đã được trang bị.
Trong thời kỳ giải phóng Ucrai-na và những trận chiến đấu vượt sông Đnépr, trong Hồng quân đã được trang bị pháo tự hành SU-58.
Việc trang bị được một số lượng lớn xe tăng và pháo tự hành trong Hồng quân đã đóng vai trò quan trọng trong những thắng lợi mà quân đội Xô-viết đạt được từ giữa năm 1943, năm đánh dấu bước ngoặt trong cuộc Chiến tranh Giữ nước vĩ đại.
Trong giai đoạn cuối của cuộc Chiến tranh Giữ nước vĩ đại, công nghiệp quốc phòng đã cung cấp cho Hồng quân ba loại pháo tự hành, được dùng cho đến hết chiến tranh:
- Trên cơ sở xe tăng hạng nặng IS, chế tạo pháo tự hành mới ISU-122, trang bị pháo 122mm.
- Pháo tự hành ISU-152 là loại xe chiến đấu rất mạnh, được chế tạo dựa trên cơ sở xe tăng hạng nặng IS-2 và pháo ngắn nòng 152mm.
- Kiểu pháo tự hành mới SU-100 đã tiêu diệt một cách đắc lực các xe tăng của Đức, trở thành vũ khí chủ chốt để chiến đấu chống xe tăng địch.
Số lượng lớn xe tăng và pháo tự hành được công nghiệp cung cấp trong giai đoạn này đã là một nhân tố rất quan trọng quyết định thắng lợi.
Chất lượng xe tăng Xô-viết luôn luôn hơn chất lượng xe tăng Đức và từ giữa cuộc chiến tranh, về mặt kỹ thuật tăng thiết giáp quân đội Liên Xô đã bắt đầu vượt quân đội Đức về số lượng. Riêng trong năm 1944, công nghiệp quốc phòng Liên Xô đã cung cấp cho chiến trường gần 30.000 xe tăng trong khi đó công nghiệp Đức chỉ cung cấp được cho tất cả các chiến trường gần 19.000 chiếc.
Đến cuối chiến tranh, trong các binh đoàn bộ binh Xô-viết không có xe tăng trong biên chế, mà chỉ được trang bị một số ít pháo tự hành. Tuy nhiên trong tấn công cũng như phòng ngự, các đơn vị bộ binh được phối thuộc tăng cường tập trung số lượng lớn xe tăng và pháo tự hành. Ngay từ đầu chiến tranh, Bộ tư lệnh tối cao đã có quyết định đúng đắn rút xe tăng về để thành lập các đơn vị xe tăng lớn, đến Tập đoàn quân xe tăng, được chỉ huy và điều động một cách cơ động để hỗ trợ các hoạt động của các binh đoàn bộ binh. Vì thế hoạt động của các binh đoàn bộ binh có liên hệ mật thiết với việc sử dụng các lực lượng tăng thiết giáp mạnh, số lượng lớn. Các lực lượng tăng thiết giáp cùng với pháo binh đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của chiến thuật tác chiến của bộ binh. Trong quá trình tấn công, nhờ việc bổ sung thêm một số lượng rất lớn về hoả lực và xe tăng nên xung lực của các binh đoàn tăng thêm, bộ đội có tính chất cơ động và có khả năng hoàn thành những nhiệm vụ sâu hơn. Nhờ việc hoả lực pháo binh phát triển, được tăng cường thêm nhiều xe tăng, các đơn vị bộ binh thường có đủ khả năng chọc thủng tuyến phòng ngự của quân Đức ngay trong ngày đầu tấn công. Chiến thuật bộ binh đổ bộ bằng xe tăng đã lập nên những đội xung kích hỗn hợp mạnh mẽ, có tốc độ tác chiến ngày càng cao, thần tốc và càng sâu, càng có tính chất quyết định lớn hơn và thường hay biến thành các trận bao vây và tiêu diệt những lực lượng lớn của quân Đức.
Còn một nhu cầu nổi lên là với sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật xe tăng và cơ giới nói chung (chiến thuật đổ bộ bằng xe tăng của bộ binh không phải lúc nào cũng được thực hiện tốt, vì hạn chế về số lượng bộ binh tham gia, bộ binh cũng hay bị thương vong trong quá trình vận động), cần thiết phải gấp rút xây dựng những binh đoàn bộ binh cơ giới để có thể theo kịp xe tăng trong tung thâm chiến dịch.
nguồn: Internet

Xe tăng- Pháo tự hành Soviet trong WWII