Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hôm 9/5 ra thông cáo nói công ty con của họ là VinSmart sẽ dừng việc sản xuất TV và điện thoại di động để tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm điện tử và các tính năng về “Infotainment” (thiết bị thông tin-giải trí) cho ô tô VinFast.
Theo thông cáo của Vingroup, VinSmart sẽ chuyển sang phát triển các tính năng thông minh trên phương tiện giao thông và nhà ở.
Thông cáo báo chí đăng trên trang web của tập đoàn nhấn mạnh rằng đây là “bước đi chiến lược nhằm đưa VinFast tiến đến mục tiêu trở thành một trong những hãng xe điện thông minh và tiện ích nhất thế giới”.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, nói trong thông cáo rằng việc sản xuất điện thoại hoặc TV thông minh “đã không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng”.
Vẫn vị lãnh đạo tập đoàn nói thêm rằng: “Trong khi đó, việc phát triển các dòng ô tô đặc biệt thông minh, các ngôi nhà thông minh, thậm chí kiến tạo các thành phố thông minh... sẽ mang đến rất nhiều lợi ích và những trải nghiệm vượt trội cho nhân loại. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm dồn mọi nguồn lực cho mũi nhọn này.”
Vingroup, tập đoàn có xuất phát điểm là kinh doanh bất động sản, nhắc lại trong thông cáo rằng trước đây họ cũng đã lần lượt rút khỏi các mảng bán lẻ, nông nghiệp và hàng không để tập trung cho ưu tiên cốt lõi là ô tô.
Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng điểm lại trong thông cáo rằng tính đến nay, sau gần 3 năm phát triển, VinSmart đã tung ra thị trường 19 mẫu điện thoại và 5 mẫu tivi.
Trong đó, điện thoại Vsmart đã chiếm lĩnh Top 3 thị phần smartphone Việt Nam, và được trao giải Thương hiệu điện thoại Việt xuất sắc nhất Tech Awards 2020, và là một trong những thương hiệu được yêu thích nhất Việt Nam.
Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, cựu giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội, xác nhận với VOA rằng điện thoại Vsmart được đón nhận tích cực ở trong nước. Bà cho biết thêm:
“Cá nhân tôi cũng mua một chiếc, sử dụng thấy tốt. Tôi tương đối bất ngờ về việc VinSmart dừng làm điện thoại”.
Quyết định mới nhất của Vingroup về dừng sản xuất TV và điện thoại di động lập tức trở thành chủ đề thảo luận nóng hổi trên mạng xã hội.
Không ít ý kiến cho rằng những gì diễn ra gần đây là cái giá phải trả cho việc tập đoàn tham gia nhiều lĩnh vực, dàn trải. Một vài người thậm chí đưa ra những bình luận nặng nề như “tập đoàn xây lâu đài trên cát” hay việc rút dần khỏi một số lĩnh vực là “cái chết từng phần” của tập đoàn.
Ngược lại, những người khác đánh giá tích cực về điều mà họ xem là Vingroup tỉnh táo rút khỏi những mảng không có thế mạnh hoặc không cần thiết để tới đây sẽ lớn mạnh hơn trong những lĩnh vực chính.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, doanh nhân kỳ cựu từng tiên phong sáng lập một số công ty điện tử, ngân hàng trước đây, phân tích với VOA rằng khi Vingroup chen chân vào mảng TV và điện thoại, đó là những thị trường có sự cạnh tranh gay gắt trong khi Vingroup không có kinh nghiệm. Do vậy, việc tập đoàn này dừng lại trong hai mảng đó là điều dễ hiểu.
Với kinh nghiệm của mình, tiến sĩ Quang A cho rằng không nên có cái nhìn quá tiêu cực về việc Vingroup rút dần khỏi một số lĩnh vực. Ông nói:
“Vingroup là tập đoàn mạnh. Họ thăm dò thị trường bằng cách mở rộng ra nhiều lĩnh vực, thử nghiệm để tìm kiếm xem sản phẩm nào là cốt lõi. Ví dụ, họ thử 10 sản phẩm, có thể 8, 9 sản phẩm không phù hợp, may ra có 1 sản phẩm cốt lõi và họ sẽ tập trung phát triển nó. Còn nếu đánh giá khắt khe, cũng có thể nói rằng họ đã có những bước tiến liều lĩnh, nguy hiểm, nay phải dừng lại để tránh rủi ro”.
Từ góc nhìn của người từng giảng dạy về kinh doanh, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hoành Ánh so sánh rằng sự phát triển của Vingroup có nhiều nét tương đồng với các Chaebol (đại tập đoàn thuộc sở hữu gia đình) ở Hàn Quốc trong những thập niên trước đây.
Bà nhắc lại rằng các Chaebol đã lợi dụng sự ủng hộ của chính phủ Hàn Quốc và các mối quan hệ với giới quan chức để huy động vốn, mở rộng kinh doanh vô tội vạ ra nhiều lĩnh vực. Nhưng đến cuộc khủng hoảng năm 1998, họ đã phải cắt bỏ các mảng không có nhiều khả năng thành công, trở thành những tập đoàn có tính chuyên ngành hơn. Bà nói tiếp với VOA:
“Tôi nghĩ chiến lược của Vingroup chứng tỏ họ đã học hỏi được từ các Chaebol đi trước và họ cũng biết là không nên nhúng vào những chuyện quá xa lĩnh vực chính của mình. Vingroup từng có tham vọng làm các sản phẩm, dịch vụ cho mọi người từ lúc ra đời đến lúc chết. Bây giờ, họ đã biết rút gọn hơn. Đây là chiến lược đúng đắn, có thể làm cho họ mạnh hơn, giảm mức độ dễ bị tổn thương”.
Bình luận về việc Vingroup tuyên bố đã rút khỏi một loạt các lĩnh vực nhằm tập trung cho sản xuất ô tô VinFast, tiến sĩ Nguyễn Quang A không lấy làm lạc quan:
“Tôi nghĩ rằng với ô tô còn khó hơn nữa. Ở thị trường Việt Nam, tôi nghĩ giả sử VinFast chiếm được 10-15% thì vẫn còn quá nhỏ để có thể phát triển được. Muốn phát triển được, họ phải vươn tới Mỹ, nhất là Trung Quốc hay Ấn Độ. Nhưng tôi nghĩ là khó cho Vin để chen chân vào. Với ngành ô tô, tôi rất e ngại rằng khó có khả năng”.
Hồi cuối tháng 4, hãng tin Reuters cho hay VinFast đang đặt cược lớn vào việc kinh doanh ở Bắc Mỹ và châu Âu từ năm 2022, và nữ Tổng Giám đốc của hãng, bà Nguyễn Thị Vân Anh, sẽ tới Mỹ trong tháng 5 để chuẩn bị cho kế hoạch này. Hiện đang có 100 người làm việc cho VinFast ở Mỹ.
Nhưng trong những ngày đầu tháng 5, một người sở hữu xe VinFast tung lên YouTube một số đoạn video chỉ ra các lỗi của xe và các vấn đề trong dịch vụ hậu mãi, dẫn đến tranh luận giữa đại diện của hãng và người chủ xe trên báo chí trong nước, gây xôn xao dư luận và được xem là một bất lợi cho VinFast.
Trước đó chưa lâu, hồi tháng 2, VinFast đã phải đối phó với vụ mạng xã hội và báo chí đưa tin về một loạt xe của hãng bị rụng bánh, gãy càng tại các địa phương khác nhau ở Việt Nam.