Chắc cụ cũng làm trong ngành R&D, mời cụ ngồi xuống làm ly rượu ta thảo luận 1 chút
.
Thực ra theo em hiểu R&D có thể chia thành 4 hướng :
1. Phát triển cho tương lai: các concept, công nghệ chưa từng có hoặc chưa hoàn chỉnh. Cái này thì cực tốn kém vì rất lâu mới sinh ra lợi nhuận và VIN chắc chưa đủ lực để làm mảng này. VD như Xe chạy bằng nước biển...
2. Phát triển theo xu hướng thịnh hành: hoàn thiện các công nghệ đang hot như CASE, AI.. để áp dụng vào sản phẩm thực tế. Mảng này cũng không mang lại nhiều lợi nhuận nhưng có vai trò làm thương hiệu và marketing rất lớn.
3. Phát triển theo thị trường: VD như Vin phát triển các mẫu xe mới cho thị trường VN thì phải sau 1-2 năm mới hoàn thành quá trình R&D để ra sản phẩm. Mảng này sau khi hết khấu hao thì vừa là của để dành vừa đem lại lợi nhuận chính cho doanh nghiệp R&D để có thể nuôi báo cô 2 thằng ăn bám ở trên.
4. Cải tiến các sản phẩm cũ: bao gồm cải tiến, rebadge các mẫu, minor change... cái này cũng là con gà đẻ trứng vàng để nuôi doanh nghiệp vì hiệu quả chi phí - lợi nhuận. VD như nếu Vin ra mẫu Fadil 2.0 phát triển từ Fadil 1.0 thì chi phí R&D rất thấp nhưng vẫn có mẫu xe mới cho thị trường.
Hướng 1 và 2 phải chi trả phí nhân công rất cao để có chất lượng lao động tương ứng,nhưng chỉ làm 3 hay 4 thì chỉ dừng lại ở mức 1 doanh nghiệp gia công, sản xuất và không có lợi thế cạnh tranh. Vì vậy nên bất kỳ tập đoàn lớn nào cũng phải dồn hết dồn lợi nhuận từ sản xuất hàng loạt cho việc R&D các công nghệ, sản phẩm tương lai.
Vì Vin đốt cháy giai đoạn nên em nghĩ Vin họ hy sinh Vinsmart, giải thể cơ sở ở Úc để tập trung tài chính và nhân lực chơi xanh chín cho các sản phẩm tương lai của Vinfast như xe điện là điều có thể hiểu được. Ngược lại nếu Vin không đốt cháy giai đoạn thì họ sẽ không có các lợi thế cạnh tranh như thời cơ ra sản phẩm để khi kinh tế VN đang tăng trưởng tốt, hiệu ứng PR, ưu đãi chính sách...
Nhưng em vẫn phục VIN vì họ dám mạo hiểm, dám dấn thân vào lĩnh vực khó. Làm R&D công nghiệp rất khó, nhất là với xuất phát điểm hiện tại. Trong nước loay hoay 1 hồi em chả thấy ai làm ở quy mô lớn cả, FPT thì chủ yếu outsourcing, Viettel cũng phải bám vào chính sách... nên rất tiếc cho .
Hy vọng Vin sẽ thành công với Vinfast.
Hôm qua thấy cụ quote bài em và viết dài và khá chi tiết nên xác định phải trả lời cũng tương đối chi tiết và do đó, xin lỗi cụ đã trả lời thảo luận muộn.
Việc phân chia theo cụ là 4 hướng như cụ thì cũng có thể nhưng với em thì cái số hai (Đi xa hơn hẳn cái mọi người đang nghĩ, thói quen thị trường) mà em nói tới trong R&D mà bàn tới ở đây là hướng thứ nhất của cụ. Hướng thứ hai và ba như cụ nói cũng chính là cái số một (Đi nhanh hơn thị trường một chút, dẫn dắt) của em nói tới. Cái thứ tư của cụ thì gọi là R&D cũng được nhưng với nhiều người nó thiên về cải tiến hơn là nghiên cứu và phát triển theo ngu ý của cá nhân em.
Em đồng ý với ý của cụ là hướng thứ ba, thứ tư sẽ không tạo ra lợi thế cạnh tranh khác biệt mà chỉ như là dạng tái đầu tư thông thường để tiếp tục duy trì sự phát triển bình thường (không đột biến trong vòng đời doanh nghiệp).
Giờ quay lại vấn đề mà em nêu trong lần trước. Tại sao R&D (hướng một và hai) lại cần yếu tố luật pháp, con người và thị trường. Quan điểm của em là vì:
1. R&D liên quan tới chất xám, tới bản quyền là những thứ rất vô hình. Cái số một của cụ là cực kỳ mang tính tưởng tượng, khó hiểu và nhiều khi, với người thường là điên rồ. Ví dụ xe chạy bằng nước biển của cụ là một ví dụ điển hình. Do đó tính "bản quyền" của những thứ này phải được bảo đảm bằng pháp luật cực kỳ cao. Hai dự án có thể tương đối giống nhau nhưng có khi khác nhau một chút xíu, một thuật ngữ hay một tham số thôi là có thể đã cho kết quả khác biệt. Do đó, vấn đề bản quyền và từ đó là bảo vệ bản quyền là phải cực kỳ chặt chẽ. Nếu không tôn trọng bản quyền, gần như sẽ không có động lực cho R&D của doanh nghiệp. Ví dụ đâu xa là ngay như bản quyền vaccine Covid-19, các nước như Mỹ, châu Âu cũng rất thận trọng và cân nhắc khi bỏ bản quyền của doanh nghiệp nghiên cứu vaccine. Người thì bảo là họ "tham lam". Nhưng với người khác, nếu làm thế, đó sẽ là một tiền lệ xấu và các doanh nghiệp sẽ không có động lực nghiên cứu và phát triển dài hạn.
2. Yếu tố con người. Ai cũng biết là R&D chủ yếu là cần đội ngũ, con người giỏi nhất làm việc cùng với nhau. Cái này chắc không cần bàn nhiều. Một vài người giỏi là chưa đủ vì cần rất nhiều người giỏi, làm việc cùng nhau mới cho sản phẩm khác biệt được. Ngay cả cách thức quản lý đội ngũ này cũng khác thông thường. Các quy trình quản lý cho công nhân, nhân viên cấp trung hay cả cấp cao thì thường không áp dụng được vì sản phẩm đầu ra mang tính sáng tạo của đội ngũ nghiên cứu này rất khác biệt, đôi khi nếu cố áp dụng phong cách quản lý kia sẽ hạn chế sự sáng tạo và kết quả cuối cùng.
3. Thị trường là một yếu tố quan trọng, đặc biệt cho ngành nghiên cứu, sản xuất. Một doanh nghiệp, khi bỏ tiền nghiên cứu thì bao giờ cũng nhìn khả năng thu hồi vốn từ thị trường. Chưa kể, chính thị trường sẽ đặt bài toán cho ngành nghiên cứu, đặc biệt cho các hướng 2, 3, 4 ở trên. Ví dụ, chỉ khi thị trường có nhu cầu xử lý rất lớn về dữ liệu thì các nhà nghiên cứu sẽ phải nghiên cứu ra các thuật toán xử lý dữ liệu lớn (big data). Thị trường đặt ra nhu cầu mẫu xe mới thì sẽ có nghiên cứu để có mẫu xe mới. Riêng hướng thứ nhất là hướng bứt phá khỏi thói quen thị trường thì thị trường không đặt ra nhu cầu mà thị trường sẽ chịu sự dẫn dắt của công nghệ mới. iphone ra đời đã dẫn dắt thị trường ứng dụng (apps), người dùng và cả công nghệ di động tốc độ cao (lúc đó là 3G)...
Phần cuối của cụ nói tới VIN thì nói thực, em không nghiên cứu nhiều lắm về VIN mà chỉ đọc một vài bài báo Việt Nam viết về một số mảng Vin sẽ định nghiên cứu. Bài báo VN thường ngắn, sơ sài, thông tin hầu hết do Vin chủ động gửi ra nên thường nói tới mục tiêu (goal/aim) đôi khi được sử dụng để làm marketing nên có thể hơi "ảo" (hoặc cần rất nhiều nguồn lực mới đạt được. Điều này có khi chính là mục tiêu xa của bài báo đó như cụ đã nói là để PR, để lấy ưu đãi từ chính sách...). Do đó, em không dám bình luận nhiều về tính khả thi hay kết quả mà Vin có thể làm được.
Câu kết của cụ thì theo đánh giá của em:
1. Nếu Vinfast mà thành công (xe xăng) thì không chỉ Vin cần làm rất tốt theo hướng bám theo thị trường để duy trì nhịp độ tăng trưởng liên tục, cải tiến liên tục mà nền kinh tế VN trong 20-30 năm sắp tới cũng phải nhảy vọt như Hàn Quốc đã làm được trong giai đoạn 1990-2020. Chỉ khi đó thị trường VN mới đủ sức hỗ trợ cho Vinfast tiến ra nước ngoài. Tại sao lại như vậy? Bởi vì sản xuất xe ô tô với thương hiệu riêng, ở thời điểm hiện nay, vẫn là một ngành công nghiệp đòi hỏi hỗ trợ của thị trường trong nước rất lớn để tạo nền tảng trước khi đi ra trường quốc tế. Vì yếu tố bảo hộ thương hiệu quốc gia của các nước lớn, có sản phẩm lâu năm trong ngành ô tô, những nước có nền kinh tế trung bình như Thái Lan, Mã Lai (Proton là ví dụ) sẽ không cấp đủ nguồn lực nền tảng để hãng ô tô trong nước tồn tại trước khi đi ra quốc tế. Vinfast có làm tốt nhưng nếu sau 20-30 năm nữa, nền kinh tế VN chỉ được như tầm Mã Lai hay Thái Lan hiện nay (không bứt phá hẳn lên như Hàn Quốc đã làm được), Vinfast sẽ chịu kết cục như Proton thay vì Hyundai hay Kia.
2. Câu chuyện Vinfast làm xe điện sẽ phụ thuộc lớn hơn nữa vào nền kinh tế VN ở ý trên nhưng có hơi khác. Xe điện hiện được coi là tương lai của ngành ô tô nên đang là chủ đề "rất nóng" và được nhiều hãng nhảy vào làm, nhận được rất nhiều tiền từ các quỹ đầu tư. Nhiều hãng dùng xe điện như là dòng hút vốn (lâu dài chưa biết sống chết ra sao). Vinfast có thể đang dùng chiến lược xe điện để hút vốn (marketing) và từ đó làm nhiều việc dài hạn hơn. Nhưng để thành công dài hạn (SX xe điện thực sự với quy mô lớn, bán ra thị trường, cạnh tranh được các hãng khác) thì ý một (khả năng hấp thụ của thị trường trong nước) vẫn là điểm cực kỳ cần lưu ý.
Kết luận của em: thành công với Vinfast (nghĩa là Vinfast có thể tự nuôi sống được mình, tiếp tục phát triển như một thực thể độc lập), có lẽ sẽ chỉ có thể kiểm chứng sau ít nhất 10 năm nữa (hoặc hơn). Trong ngắn hạn hơn 10 năm, em nghĩ Vin tiếp tục phải đổ thêm nhiều tiền vào Vinfast đồng thời hi vọng kinh tế VN nhảy vọt trong giai đoạn này (GDP tăng trưởng tầm 7-10%/năm hoặc hơn liên tục trong vòng 20 năm sắp tới).
Do đó, để Vinfast có thể thành công bắt buộc kinh tế VN phải bứt lên thành công thành nước kinh tế phát triển. Điều ngược lại thì có thể chưa chắc đúng.