Các cụ trên này đa số là trẻ tuổi nên có cái may mắn là không được biết đến thành phần xuất thân trong lý lịch nó kinh khủng đến mức nào....Những năm sau 1954, và nhất là khi cuộc chiến bắt đầu căng thẳng (từ 1964) thì trong quân đội có những cuộc thanh lọc trong tất cả các cấp và khá đa dạng. Có những người thì "được" điều chuyển đến những bộ phận đỡ nhạy cảm như cơ sở đào tạo, không may hơn thì về văn phòng vô thưởng vô phạt ngồi, tệ hơn nữa thì cho xuất ngũ. Thời đó tướng Song Hào Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có 1 câu khá nổi tiếng về phong quân hàm: "1 ngày không phải là sớm, mà 10 năm cũng chưa phải là muộn!"; chiến tranh mà! Không phải như bây giờ, tằng tằng 3 năm lên 1 cấp!
Rất nhiều sỹ quan tướng lĩnh trong quân đội từ khi được phong quân hàm lần đầu (năm 1958) cho tới khi rời quân ngũ về hưu cũng vẫn chỉ cấp/quân hàm đó, bọn em hay nói vụng là đeo đến mốc cả sao. Em sẽ ko nói đích danh cụ nào vì kính trọng các cụ tiền bối. Em chỉ nói rằng trong các cụ đó có ông già em. Nguyên là giáo viên tiểu học, ông già tham gia tiền khởi nghĩa 45, Nam tiến rồi cũng học và dạy ở Lục Quân Quảng Ngãi (như cụ Việt), sau đó chiến nhau với quân Pháp vùng Ninh Bình trong biên chế Trung đoàn 46. Năm 1958 khi phong quân hàm toàn quân thì đã là Đại úy. Chỉ vì lý lịch là tiểu tư sản, ông nội lại là "cụ tiên chỉ" trong làng nên ông già em không "ngóc đầu lên nổi"(!), từ khi chống Mỹ là bị đẩy về trường làm giáo viên chính trị cho đến khi về hưu, chính thức ngay khi về mới cho lên 1 bậc lương, trên thực tế thì vẫn là chàng Đại úy đeo quân hàm đến mốc cả sao!
Thời thế trong chiến tranh nó khổ như vậy các cụ ạ! Chỉ buồn một nỗi là đến thời bình thì người xưa đã bị rơi vào quên lãng...