Chủ đề này rất thú vị. Báo chí cũng như xuất bản đang đi qua một giai đoạn quan trọng để hoặc là thay đổi/ hoặc là đóng cửa.
Em có đọc cuốn bài học tương lai của Harari, có một chương hoặc mục nói về dòng chảy thông tin trong tương lai. Quan điểm trong đó là tiên đoán (và ủng hộ) việc công dân sẽ trả tiền cho các thông tin có giá trị.
Về thông tin có giá trị như thế nào có thể còn bàn tiếp, chỗ này như thế này, chỗ kia thế khác, ... nhưng lờ mờ em nghĩ nó sẽ đi theo vài chuẩn mực nhất định.
**
Theo em, sẽ có hai tiêu chí cơ bản để thông tin thực sự có giá trị trong tương lai gần: Một là tính chuyên sâu, hai là tính trí tuệ. Đôi khi việc bám theo các giá trị hiện tại như nhanh, nhạy, chính xác chính là một rào cản cực kỳ lớn của các Tòa báo trong việc đổi mới và đã không thay đổi theo đúng phát triển của xã hội.
NHANH: Mọi thứ đã thay đổi khi có Internet và Smartphone. giống như Euro, em toàn xem trực tiếp từ uefa.com, các facts thì báo chí không còn nhiều vai trò đưa tin. Năm 2021 rồi mà báo chí vẫn làm lối mòn: Tin nhanh EURO 2021, trong khi điều phải làm đó là Tin đặc biệt 2021. Phải làm được bài viết đặc sắc mà không nơi nào có được.
NHẠY: Là cái cần đẩy lên để nó thành tri thức thực sự, như là câu chuyện dẫn đường hoặc chí ít là gợi mở.
CHÍNH XÁC: Cái này chỉ là điều phải có, cũng như fair play trong bóng đá. Không nên coi đó là tiêu chuẩn để tạo ra sự xuất sắc được.
Ngoài ra, không đặt trong tương quan cạnh tranh, các báo giờ đi vào sự bình thường một cách đại trà. Giống như cả tháng nay, Top 05 bài đầu toàn là sáng nay, trưa nay bao nhiêu người mặc Covid, truy vết F1, ca tử vong... với nội dung gần như hệt nhau. Làm vậy là trả giá quá thấp cho thời gian của độc giả, và Tòa soạn cũng không thực sự quyết liệt động não. Làm như vậy thì không chết mới là lạ.
**
Đã đến lúc báo chí cân nhắc rút mình trong cuộc đua lấy ranking và traffic hút độc giả vì đổi lại của quảng cáo, trong đó có cả bán mình qua bài viết đặt hàng, đều đi ngược lại lợi ích của người đọc - nếu coi đó là nguồn sống và khách hàng của mình. Làm vậy rồi sẽ dẫn đến lụi tàn cũng như ngay trước mắt, không thể lại được các cỗ máy quảng cáo và Social Media.
Em chắc là một trong vài chục người đọc đầu tiên ở Hn trả phí cho một tạp chí kinh doanh giấy. Em biết được điều này vì thời đầu mỗi tuần em đều đến chỗ phát hành lấy báo. Thậm chí năm nào họ cũng có quà cho độc giả. Món quà cho độc giả trung thành còn giá trị hơn cả tiền đặt báo cả năm. Song từ lúc em nhận thấy họ không còn phân biệt giữa bài viết Doanh nghiệp quảng cáo & Bài viết doanh nghiệp đặt hàng, em đã không còn mặn mà và giở xem dẫu đã đặt mua theo năm từ hàng chục năm nay. Đó là một cách dễ dàng để đánh mất độc giả.
Cũng như Social một dạo rộ lên mô hình dùng KOLs để quảng bá sản phẩm, thực là một cuộc xâm lấn kinh dị, vì nó chẳng liên hệ gì với nhu cầu và bảo chứng chất lượng của sản phẩm, nhưng vì tiền, hứa hẹn doanh thu, những nhà cung cấp sẵn sàng làm.
**
Bây giờ thu phí sẽ là một mô hình đúng đắn. Cũng chẳng phải đột phá gì, tất cả những tạp chí, báo uy tín các nước, các lĩnh vực đều đã như vậy rồi. Vấn đề bao nhiêu cũng không phải là việc ưu tiên cần cân nhắc nhất. Vấn đề cơ bản nhất lúc này là làm sao để bài viết có tính trí tuệ, và phần nào đó là chuyên sâu (mà thực ra sẽ do các tạp chí/ nhà xuất bản thiên kiểu khoa học nghiên cứu sẽ có lợi thế hơn). Có cái đó thì sự tồn tại và doanh thu sẽ tự tìm tới.
Độc giả thì không nên lo. Họ rất thông minh. Họ sẽ tự tìm thấy cái xứng đáng để rút ví ra.
**
Thỉnh thoảng độc giả hay trêu nhà báo khối C, nền tảng xuất phát điểm thấp... Thực ra điều đó môi trường làm báo chí rất cần và luôn có cơ hội thay đổi. Cũng như làm giáo viên hay bất kỳ lĩnh vực nào, đã gọi là đặc thù, người ta luôn sẽ có cách để thu hút những người năng khiếu nhất, giỏi nhất sau khi tốt nghiệp đại học. Em nói báo chí có cơ hội vì nó có tính hấp dẫn của nó. Bằng chứng là rất nhiều người giỏi trong xã hội, bằng cách này hay cách khác, họ tự viết hoặc cộng tác rất chất lượng với báo chí mà ta đều biết.