Làm sao phân biệt cảnh sát thật hay giả, tại Mỹ (hiệu quả của đường dây 911)
Copy từ link sau, để các cụ đọc cho vui.
http://www.viendongdaily.com/lam-sao-phan-biet-canh-sat-that-hay-gia-IMghom47.html
------
(VienDongDaily.Com - 25/03/2011)
Trong cuộc sống vàng thau lẫn lộn, thực khó cho chúng ta phân biệt của thật với của giả, nhất là khi đang lái xe mà có một chiếc xe theo sau ra dấu cho mình phải táp vào lề.
Đây là một cảnh sát viên thực sự, muốn chặn mình lại vì một vi phạm nào đó? Hay đây là một kẻ giả mạo cảnh sát, muốn chặn tài xế qua đường để thực hiện một hành vi ám muội?
Đáng tiếc thay, những trường hợp mạo danh cảnh sát không phải là ít xảy ra, và việc phân biệt thiệt giả có thể nói là thực sự khó khăn, nhất là khi người tài xế trong cuộc đang lo lắng bối rối. Chúng ta có thể nêu lên 3 tiêu chuẩn sau đây để xét định một cách tương đối:
Mình có phạm lỗi gì không? Trong đa số các trường hợp, chúng ta có thể đoán ra điều sai quấy của mình. Các lỗi thông thường nhất là vượt đèn đỏ (run red light), chạy quá tốc độ qui định (overspeeding), không ngừng hẳn tại bảng Stop Sign (run stop sign), vòng chữ U ở một nơi không được phép (illegal U-turn)…. Nhưng nếu hết sức tra vấn lương tâm mà vẫn không đoán được mình phạm lỗi gì, thì các chuyên gia về an toàn, và chính những cảnh sát viên thực sự cũng cho đây là dấu hiệu đầu tiên bạn phải cảnh giác với cái người đang đuổi theo xe của mình. Nhất là khi bạn là một phụ nữ, đang lái xe một mình trên xa lộ vắng người vào ban đêm. Khi đó bạn nên bình tĩnh tìm một nơi sáng đèn trước khi táp vào lề, và gọi 911 để xác minh.
Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, có những lỗi mà chúng ta thực sự không ý thức được, thí dụ: Hệ thống đèn chung quanh xe bị cháy mất một bóng nào đó. Trong khi chung quanh cái xe có biết bao nhiêu bóng đèn – đèn trước, đèn sau, đèn thắng, đèn rẽ… – thì làm sao người tài xế hay được một cái nào đó bị cháy trong khi xe đang lăn bánh trên đường, nhất là một cái bóng ở đuôi xe? Hoặc cái ống bô nhả quá nhiều khói… mù mịt đường phố, gây khó chịu bất thường cho những tài xế chung quanh. Đó đều là những vi phạm khiến nhân viên công lực có thể chặn xe mà tài xế không thể đoán biết lỗi của mình là gì! Như vậy, chúng ta phải xem đến tiêu chuẩn thứ hai:
Cái xe của người đang đi theo mình có huy hiệu cảnh sát hay không? Có hụ còi? Có nháng đèn hay không? Nếu không có các dấu chỉ ấy thì đó lại thêm một bằng chứng khiến bạn phải cảnh giác. Cũng có những trường hợp cảnh sát viên thực thụ mặc thường phục và lái những cái xe không huy hiệu, đó là những viên cảnh sát chìm. Khi phát giác ra sự vi phạm, họ có thể đuổi theo bạn nhưng không ra mặt mà thông báo cho một cảnh sát viên sắc phục (uniform) đến hụ còi chặn bạn lại. Vì thế, ĐỪNG BAO GIỜ dừng lại khi một chiếc xe không dấu hiệu làm ra vẻ như một xe cảnh sát đang đuổi theo bạn. Chúng ta không buộc phải chấp hành lệnh lạc của những người mặc thường phục lái những cái xe không dấu hiệu, cho dù họ có là “thứ thiệt” đi chăng nữa.
Nhưng vấn đề gây nhức đầu ở chỗ là: Kẻ gian cũng có thể vẽ huy hiệu trên xe của mình gần giống như xe cảnh sát, có thể lắp một vật gì đó giống như đèn cấp cứu để đánh lừa những người lái xe hiền lương. Gặp trường hợp này, thì chúng ta phải xét tới tiêu chuẩn thứ ba:
Xem huy hiệu, đồng phục và nhất là hỏi thẻ hành sự của viên cảnh sát: Đó là khi đã tiếp cận với cái người tự xưng là nhân viên công lực mà bạn vẫn chưa hẳn tin nơi lý lịch của y. Không hiểu đối với người bản xứ thì sao, chứ còn đại đa số người di dân với vốn tiếng Mỹ ăn đong như chúng ta, quay sang hỏi thẻ hành sự (ID) của cảnh sát quả là điều khó khăn. Có thể vì sợ, có thể vì không đủ ngôn ngữ giao tiếp. Nhưng xin biết cho rằng, việc hỏi ID cảnh sát là quyền hạn của người dân. Và viên cảnh sát nào cũng vậy – nếu được huấn luyện chính thức – sẽ hiểu rằng, y có bổn phận chấp hành yêu cầu đó. Với phong thái lịch sự chuyên nghiệp, y sẽ trình ngay cái thẻ hành sự của mình trước khi hỏi thẻ người dân. Chỉ có những viên cảnh sát kém cỏi, không được học hành đúng mức, và những tên “cảnh sát” giả hiệu mới tỏ ra mất bình tĩnh khi bị hỏi ngược lại như vậy mà thôi.
Thực tế, có rất nhiều người dân nhờ vậy mà thoát nạn: Khi bị hỏi ngược lại về giấy tờ, viên “cảnh sát” đã hoảng hốt bỏ chạy!
Trong trường hợp nào chăng nữa, một khi thấy đèn hiệu nháng lên ở đằng sau, chúng ta chỉ việc đánh signal rẽ phải, chạy chậm lại và tìm chỗ an toàn bên lề đường để táp vào. Gặp trường hợp khả nghi, chúng ta cần gọi 911 để báo cho tổng đài về tình trạng của mình. Tổng đài sẽ xác minh xem đó có phải là cảnh sát thật hay không. Nếu là thật, người đó sẽ kiên nhẫn chờ đợi để được xác minh. Nếu là giả, nhiều phần y ta sẽ bỏ chạy hoặc chùn tay trước khi thi hành gian ý.
Haosmith@yahoo.com