Xiêm La thực lục chép:
" ... Vào tháng năm (lịch Xiêm, khoảng tháng 3 dương lịch) của năm Thìn (1785) nhà vua sai cháu là Chaofa Kromluang Thepharirak chỉ huy một đội chiến thuyền và năm ngàn quân, với lệnh là tấn công và tái chiếm - không được thất bại - lãnh thổ Saigon cho Ong Chiang Su (Nguyễn Ánh). Nhà vua cũng cho phép đích thân Ong Chiang Su đi theo với đoàn quân. Một toán quân đường bộ do Phraya Wichinarong chỉ huy được lệnh tiến theo đường Cam Bốt và điều động thêm một đoàn quân Cao Miên. Chaophraya Aphaiphubet tuyển thêm một lực lượng 5000 quân Cam Bốt để đi cùng quân Thái. Phraya Wichinarong đưa đạo quân Thái - Cam Bốt tấn công vào Piamchopsadaek (Sa Đéc).
Tại một địa điểm có tên là Phraek Phrayaman (Nha Mân) họ đụng độ và đánh với quân Tây Sơn vài trận. Quân Việt chống không nổi phải rút lui. Phraya Wichinarong liền tiến lên về phía Piambarai và tấn công vào những vị trí đóng quân tại huyện Ban Payung. Cháu của vua là Chaofa Kromluang Thepharirak, cùng với các tướng lãnh cao cấp cùng Ong Chiang Su từ biệt nhà vua và đưa chiến thuyền đi ra thẳng tiến theo hướng biển đến Banteay Meas (Hà Tiên)
Quân tại Banteay Meas dưới quyền của Phraya Rachasetthi và Phraya Thatsada được điều động để tăng viện. Liên quân tiến vào sông Bassac và dừng lại tại rạch Wamanao.”
Đại Nam Thực Lục chép:
"... Mùa hạ, tháng 6, vua từ nước Xiêm đem quân về Gia Định. Vua Xiêm sai cháu là Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem 2 vạn thuỷ quân và 300 chiến thuyền để giúp. Vua lấy Chu Văn Tiếp làm Bình Tây đại đô đốc, điều bát các quân. Ngày Nhâm thìn (25-7-1784), xuất phát từ thành Vọng Các, đi ra cửa biển Bắc Nôm.
Mùa thu, tháng 7, quân ta tiến đánh được đạo Kiên Giang, phá được Đô đốc giặc là Nguyễn Hoá ở sông Trấn Giang, rồi thẳng đến xứ Ba Xắc, Trà Ôn, Mân Thít, Sa Đéc, chia quân đóng đồn. Lấy Mạc Tử Sinh làm Tham tướng trấn Hà Tiên, quản lý binh dân sự vụ...”
Tài liệu các nhà truyền giáo chép:
“... Bấy giờ vua Xiêm lại đãi vua An Nam cách lịch sự, cùng bảo giao nghĩa với nhau và quyết đánh quân Tây Sơn.
...
Vua Xiêm sai nhiều binh sĩ sang đánh giặc cho, chia thành hai toán: một toán đi bộ, một toán đi thuỷ. Cháu đồng tông vua , tên Triều Cẩn, thì làm quan đại tướng quân cai các toán ấy. Vua An Nam thì cũng có quan tướng An Nam, tên là ông Thê( Châu Văn Tiếp) , vua đã tình cờ gặp trong thành Băng Cốc.”