Cái món này ở VN hình như không có nơi nào dạy nghe đâu ông nhá. Ở Tây thì có lẽ có. Việc nghe là việc có cũng được mà không có cũng không chết như việc ăn, cho nên ai no rồi thì cứ nghe, nghe mãi cũng nâng cấp level lên, còn đang đói thì cứ ăn đã chưa cần nghe. Nhưng nếu lại không phải là đói vì ăn, mà đói tinh thần, thì tất nhiên ta lại phải nghe. Đói tinh thần là động lực tốt nhất để ta tự tìm món ta cần, hơn là chờ người khác dạy ta phải đi tìm món như thế nào. Trong quá trình tự tìm, ta sẽ được mở rộng ra nhiều thứ hơn là cái ta tưởng đã biết đủ.
Tinh thần đói đến mức nào thì lại do độ sâu của nó, nếu tinh thần đơn giản thì chỉ đói ít thôi nghe vài thứ dễ hiểu là no rồi. Nếu tinh thần phong phú phức tạp thì lại phải xơi loại nặng đô mới đủ no. Tinh thần đơn giản hay phức tạp thì khởi đầu bằng bản năng nguyên thủy, sau đó là trải nghiệm và kiến thức, sẽ dẫn đến hình thành kinh nghiệm thẩm mỹ. Thời của tôi may mắn được radio mậu dịch phát chương trình giáo dục âm nhạc cổ điển mỗi chiều Chủ Nhật, bây giờ thì hết rồi, thật đáng tiếc.
Nôm na như dân ta ai cũng ăn mắm tôm thịt chó, nhưng để biết ăn sao cho ngon đúng kiểu lại phải học thì mới được như lão Nguyễn Tuân. Thế rồi bây giờ ta lại uống diệu vang trứng cá đen thì cứ xơi cũng là ăn nhưng lại phải học thì mới biết thưởng thức. Học thì muôn nơi và chủ yếu là tự học (trừ những người được đào tạo trong trường), đúng như lão Nin hói đã phát biểu. Thế thôi ông nhá. Nhạc cổ điển hay nhạc gì thì cũng chỉ như diệu vang trứng cá và mắm tôm mà thôi, đạt đến độ tinh tế của nó thì món gì cũng đều là ngon cả
.