Recomposed là một series của hãng đĩa Deutsche Grammophon với những tác phẩm cổ điển “recompose” - sáng tác lại, hay nói chính xác hơn là thoả hiệp với trường phái modern classical đang nổi lên và hâu tối giản (sử dụng âm nhạc điện tử). Nói chung, nó cũng là một chiến dịch PR của DG thu hút được rất nhiều các nhà soạn nhạc nhưng không có một tác phẩm nào để lại dấu ấn ngoại trừ 4 Seasons.
Max Richter rất "máu lửa" khi chọn bản 4 mùa của Vivaldi. Tính khoa học, chuẩn mực của các tác phầm thời kỳ Barouqe làm giảm không gian sáng tạo, thêm thắt và sự nổi tiếng của 4 Mùa làm người nghe khó tiếp thu bất kỳ sự "đổi mới" nào. Tuy nhiên, Max đã thành công khi làm nổi bật cái tôi - chủ nghĩa cá nhân - để đưa một tác phẩm hoành tráng, sang trọng đến gần người nghe phổ thông hơn. Max đã loại bỏ khoảng 3/4 bản nhạc gốc của Vivaldi, thay thế bằng âm nhạc của mình với chủ yếu là các nhạc cụ điện tử và chủ yếu tạo ra không gian có "mầu sắc điện ảnh" dễ tiếp cận công chúng. Dĩ nhiên, classical hiện đại hay hậu tối giản đều có cái nhìn u ám, đen tối về thế giới nên nó ảnh hưởng đến tinh thần của 4 Seasons rất nhiều.
Spring 1 vốn là những thanh âm rộn rã của cây cối đâm chồi nảy lộc và sau đó là tiếng chim hót vui vẻ. Nhưng Max lại hoàn toàn bỏ qua đoạn điệp khúc nổi tiếng ấy và thêm hẳn vào Sprring 0 vốn ko có trong tác phẩm gốc. Đoạn miết dây của dàn String dài chỉ 40s (thực chất là sử dụng âm thanh điện tử), nghe như tiếng nhạc công căn chỉnh dây trước buổi diễn, tạo cảm giác khá nặng nề, mông lung mà Max nói là "a dubby clound" để rồi chuyển tiếp khéo léo sang Spring 1. Max chỉ sử dụng phần solo của Violon rồi nhanh chóng "chồng" lên phần hoà âm dầy dặn của dàn string và thay vì âm thanh rộn rã của mùa xuân, ta lại thấy cuộc chiến sinh tồn của những mầm cây đang mạnh mẽ nảy mầm, vươn lên khỏi mặt đất lạnh lẽo của mùa đông. Tuy nhiên, đây là cách nghe/ cảm nhận theo hướng tích cực và chắc chỉ xuất hiện trong phiên bản của Daniel Hope năm 2012 (do Richter trực tiếp chỉ đạo) và rõ nét nhất trong phiên bản do Humphreys chơi năm 2019.
Với Summer cũng vậy, Max lược bỏ khá nhiều đoạn điệp khúc để đi thẳng vào vấn đề chính với phần cuối Summer 1 được đẩy lên cao, tiếng violon chính đanh thép và chói gắt như để chuẩn bị cho cơn bão của Summer 3. Cơn bão mùa hè của Max dữ dội, mãnh liệt hơn nhiều so với bản gốc. Nó tạo ra cảm xúc mê đắm, mạnh mẽ với người nghe nhưng lại thiếu đi vẻ đẹp tổng thể của nghệ thuật hội hoạ. Max không kết thúc cơn bão đột ngột như Vivaldi mà sử dụng âm nhạc điện tử để tạo một kết chương u ám không có trong bản gốc. Âm nhạc Baroque vốn tươi sáng, đẹp đẽ nên không chấp nhận hậu quả đau thương của cơn bão chăng !!?? Khung cảnh hoang tàn sau cơn bão dễ dàng cảm nhận với âm thanh điện tử của trường phái hậu tối giản.
.... Autumn và Winter cũng không ngoại lệ ...
Phiên bản do Daniel Hope chơi năm 2012 gần như tuân thủ các yêu cầu của âm nhạc classical và được chăm chút khá kỹ lưỡng. Nó đã thu được thành công ngoài sức tưởng tượng kể cả trong giới hâm mộ âm nhạc classical lẫn công chúng POP. Trên nền tảng của ánh hào quang đó, Richter đã ngay lập tức muốn thể hiện cái tôi của mình - tách khỏi Vivaldi - bằng cách xuất bản ngay biên bản làm lại năm 2013. Âm nhạc điện tử được đẩy lên cao/ nhiều hơn và lối chơi của Daniel Hope cũng thiên hướng sang pop hơn. Lúc này, ta không còn thấy cuộc chiến sinh tồn, vươn lên mạnh mẽ của tự nhiên. Tiếng chim hót vui vẻ mở đầu "mùa xuân" của Vivaldi chỉ còn nổi lên như những mảnh vỡ của bản gốc và được hỗ trợ bởi bè trầm của nhạc cụ điện tử đầy "tâm trạng". Âm nhạc điện ảnh !!!!
10 năm sau, 4 Seasons recomposed đã góp phần lớn làm lên tên tuổi của Max Richter trong giới modern classcal và Max lại đào nó lên một lần nữa trong phiên bản mới. Lần này, Max không còn coi trọng vẻ đẹp của âm nhạc classical mà đẩy cái tôi, sự mâu thuẫn u ám và những tuyên ngôn của "nghê thuật đương đại" lên tầm cao mới. Các nhạc cụ được sử dụng đều "nguyên bản", tức là những cây violin được chế tạo như cách đây hơn 300 năm với dây đàn làm bằng ruột động vật. Bộ mixer analog hiệu Moog sản xuất từ những năm 1970s. Dàn nhạc Chineke! Orchestra của các nghệ sỹ da màu và/hoặc gốc châu Á. Trên hết, Max yêu cầu các nhạc công suy nghĩ và chơi tự do theo cảm nhận của họ ... Vâng ! Nghệ thuật "đương đại".
Tất nhiên, nếu ai đó nhìn vào những nét vẽ nghệch ngoạc, những mảng màu loang lổ ... của hội hoạ "đương đại" mà thấy đẹp thì cũng nghe/ cảm được vẻ đẹp của phiên bản 4 Mùa "đương đại" này.