Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An
Người Hà Nội xưa, Người Hà Nội nay
14-04-2012 | 06:18
(Nguoiduatin.vn) - Những câu chuyện bố tôi kể đa phần chỉ toàn về chuyện ăn uống, về trang phục và cách giao tiếp của người Hà Nội, tuy sơ sài và ít ỏi nhưng với tôi thật có ý nghĩa.
...Ngày nay, trong cách giao tiếp của người ở Thủ đô có nhiều thay đổi quá. Rất ít khi ta gặp được sự đối nhân xử thế lịch sự giữa đường. Hơi tý là văng tục, chửi bậy. Lời qua tiếng lại một chút nữa là choảng nhau, có khi thù hằn đến giết nhau, chỉ vì một cái nhìn đểu, một lời nói khích bác sĩ diện chẳng đâu vào đâu.
Đôi khi, trong cuộc sống hiện đại, gấp gáp, để chê một Hà Nội hiện nay có nhiều cái kém cỏi, chướng tai gai mắt, người ta thường so sánh: “Ngày xưa ấy à”, hay: "Ngày xưa thế này, ngày xưa thế nọ đến nỗi có một câu mong ước cửa miệng của không ít người nuối tiếc về một thời: "Bao giờ cho đến ngày xưa”...
...Nhờ những câu chuyện cụ thể có thật ấy, mà tôi hiểu được câu ca: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" khác nhau thế nào, và là khi nào? Trong bài viết này, tôi chỉ xin nói đến Hà Nội ngày xưa của hơn 30 năm trước và Hà Nội nay.
Thực ra, tôi không phải là người Hà Nội gốc, mà đúng hơn mới chỉ là dân Hà Nội", nhưng may mắn là từ bé, tôi được bố - một người đạp xe xích lô ở Hà Nội hơn 20 năm trời, kể cho nghe những câu chuyện về người Hà Nội. Trong con mắt và ấn tượng của cha tôi, phong thái, cốt cách của người Hà Nội thật nho nhã, thật đẹp, thật đáng ngợi khen.
Những câu chuyện bố tôi kể đa phần chỉ toàn về chuyện ăn uống, về trang phục và cách giao tiếp của người Hà Nội, tuy sơ sài và ít ỏi nhưng với tôi thật có ý nghĩa. Trước hết, xin nói về chuyện ăn uống của người Hà Nội xưa và nay. Người Hà Nội xưa ăn uống ra sao thì trong sách vở, trên báo chí đều đã ghi nhận cái hay cái tốt, tôi không cần nói lại.
Mục đích tôi muốn nói là những ví dụ nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, như trong cách ăn chẳng hạn. Ngày xưa, người Hà Nội quan niệm rằng: "Thịt thái không vuông vắn thì không ăn, chiếu trải không ngay ngắn thì không ngồi". Xem ra đó là phong cách ăn uống của người Hà Nội, điềm đạm mà từ tốn.
Điều này hoàn toàn khác với cách ăn uống của một số người ở Hà Nội hiện nay như ăn chuối thì bóc cả quả. Ăn thịt thì cứ "nhằm miếng to, so miếng bé", ăn uống nhồm nhoàm, ồn ào, vừa ăn vừa văng tục, nói phét. Chỗ ngồi ăn thì chao ôi, trên bàn xương xẩu, dưới đất giấy ăn trắng xóa, trông rác rưởi, bề bộn, mất vệ sinh. Mà người ta như không cảm giác e ngại, cứ điềm nhiên ngồi chén trên một đống rác.
Đúng là chỉ vì sự thiếu ý thức của một bộ phận người mà bây giờ ở Thủ đô, bất cứ có sự kiện phản văn hóa nào là người ta lại mỉa mai người Hà Nội thế này, người Hà Nội thế kia gây tiếng xấu cho người Hà Nội.
Thứ hai là chuyện ăn mặc. Người Hà Nội xưa theo cha tôi kể thì ăn mặc giản dị và thanh nhã lắm. Khi ra đường hoặc khi có khách đến nhà, đàn ông thường mặc áo sơ mi (thay cho áo cánh), âu phục thay cho áo dài, khăn xếp truyền thống ở những dịp lễ trọng. Đàn bà thì mặc áo dài nền nã, mà kín đáo.
Ngày nay thì khác, ngoài phố không thiếu những người cởi trần, mặc quần đùi hoặc ăn mặc hở hang, phản cảm, đi xe máy rất nghênh ngang, dương dương tự đắc, như trên đời này chẳng có ai ngoài ta. Đáng chê hơn, một bộ phận giới trẻ 9X, 10X hiện nay còn chạy theo xu hướng đua đòi, bắt chước cách ăn mặc của các ngôi sao màn bạc vừa tốn kém tiền của cha mẹ, vừa tạo ra sự lố bịch, lai căng...
Hà Nội xưa, dẫu là người nghèo, áo rách nhưng miếng vá rất ngay ngắn, đúng màu vải, màu chỉ và luôn sạch sẽ. Thế nên mới có câu " áo rách khéo vá hơn lành vụng may" và "Đói cho sạch, rách cho thơm". Đem đối chứng cách ăn mặc ấy với cách ăn mặc của người nghèo ngày xưa, xem chừng cũng khác nhau "một trời một vực" về bản chất. Còn cách ăn mặc của giới trẻ ngày nay thì không phải vì nghèo nên áo rách, mà vì nhiều người cố tình xé rách áo và quần để tạo "mốt" và khẳng định "đẳng cấp", "cá tính".
Thứ ba là chuyện giao tiếp. Người Hà Nội xưa có tài ăn nói thanh lịch, tế nhị, không xô bồ, không vội vàng và nóng nảy. Giọng nói nhẹ nhàng, từ ngữ thanh tao, gần gũi kết hợp với dáng đi vững, và chuyển động nhịp nhàng của cơ thể, đã tạo nên một tư thế chủ động cho người Hà Nội trong cách giao tiếp, ứng xử. Điều đó rất có sức hấp dẫn, thu hút người tiếp chuyện. Hãy cùng ngẫm về những từ ngữ "cảm ơn, xin lỗi" như đã trở thành câu cửa miệng của người Hà Nội: "Xin lỗi, bác cho cháu hỏi đường X đi đường nào ạ?"; "Xin lỗi, bác có thể cho phép tôi hút điếu thuốc được không? "Xin cảm ơn bác."
Ngày nay, trong cách giao tiếp của người ở Thủ đô có nhiều thay đổi quá. Rất ít khi ta gặp được sự đối nhân xử thế lịch sự giữa đường. Hơi tý là văng tục, chửi bậy. Lời qua tiếng lại một chút nữa là choảng nhau, có khi thù hằn đến giết nhau, chỉ vì một cái nhìn đểu vu vơ, một lời nói khích bác sĩ diện chẳng đâu vào đâu.
Một phần của hiện tượng đó, do có sự dung hợp, sự xâm nhập và đồng hóa lẫn nhau bởi thói quen luộm thuộm, dung tục trong giao tiếp của một bộ phận người lao động không có điều kiện học hành, rèn giũa đến nơi đến chốn. Một phần vì những định hướng văn hóa về lối sống trong xã hội với con người dường như chẳng có mấy sức thuyết phục. Một phần vì giáo dục của nhà trường, yếu tố dạy người kém cỏi quá. Một phần nữa do sự tác động của những văn hóa phẩm lai căng, thô thiển, thô lậu mà tiếc thay, người ta cứ ảo tưởng đó mới là văn minh, hiện đại...
Những thanh lịch, nho nhã, những giao tiếp, ứng xử lịch sự của người Hà Nội vì thế giờ đây đang ngày càng trở thành quý, hiếm.
Ôi, người Hà Nội xưa, người Hà Nội nay.
Mạnh ai nấy phá
21g ngày 31-12-2008, phần lễ kết thúc. Ống kính truyền hình trực tiếp đóng lại. Các quan chức ra về. Bộ phận công an làm nhiệm vụ bảo vệ tháo dây giăng xung quanh khán đài, cho bà con vui hội có thể vào lễ đài thưởng thức những nét kiêu hãnh và tinh tế của đôi rồng chầu dưới chân tượng vua Lý Thái Tổ, do nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng kỳ công làm suốt hơn một tháng trời. Tấn thảm kịch bắt đầu. Mạnh ai nấy vặt. Những vảy rồng được kết bằng những cánh hồng môn tơi tả. Cạnh đó, những chậu hoa cảnh bày trên sân khấu bị những con người ăn mặc rất thanh lịch thản nhiên... bê đi.
“Làm sao chúng tôi dám làm...”
Phố hoa Hà Nội không phải chỉ của nghệ nhân. Nó là tấm lòng của người yêu Hà Nội với thành phố của mình. Nhưng tình yêu không được đón nhận đúng mức mà còn bị hủy hoại thì tất yếu nó phải bị thui chột.
Một thành viên ban tổ chức giọng khản đặc nói với chúng tôi qua điện thoại vào sáng 1-1-2009: “Thành phố ghi nhận thành công của phố hoa và yêu cầu chúng tôi giữ phố hoa thêm hai ngày, tức kéo dài đến 6-1 thay vì 4-1. Còn đề nghị chúng tôi làm phố hoa cả tết âm lịch. Nhưng như thế này thì làm sao chúng tôi dám làm, còn nhiệt huyết đâu nữa mà làm...”.
Những chiếc chuông gió, lồng chim... đang được cầm trên tay nhân viên ban tổ chức cũng bị cướp một cách rất thản nhiên. Một nhân viên bảo vệ phẫn nộ quá văng tục, người đàn ông vừa cướp chậu hoa rất đạo đức quay lại mắng: "Ăn nói vô văn hóa thế à!". Người bảo vệ trẻ nghẹn ngào: "Anh mới là người vô văn hóa, anh dẫn con theo mà vẫn ăn cướp hoa giữa đường thế à?". Người đàn ông thản nhiên ôm chậu hoa dắt con đi thẳng.
Không một bóng dáng công an mặc sắc phục nào. Họ đã tản đi từ khi kết thúc phần lễ khai mạc. Chúng tôi hỏi ban tổ chức thì được biết: "Ðã có hợp đồng bảo vệ với công an thành phố nhưng họ bảo chỉ bảo vệ an ninh trật tự, còn các nghệ nhân và ban tổ chức phải tự bảo vệ lấy tài sản của mình".
Bên kia đường dãy phố Ðinh Tiên Hoàng sát bờ hồ Hoàn Kiếm, 300 nhân viên bảo vệ của Công ty bảo vệ Trường Sơn đang căng hết từng dây thần kinh để đối phó với những bàn tay vô tình cứ điềm nhiên thò ra vặt, ngắt, bẻ. Những bàn chân cứ hồn nhiên giẫm đạp để tìm một thế đứng đẹp, mong có một kiểu ảnh độc đáo đêm cuối năm.
Cả một rừng lau trắng vừa mới phơ phất trước đó không đầy một giờ, chỉ sơ sểnh vài phút quay lại đã lưa thưa xơ xác. Cả một gánh hàng hoa bị nhấc gọn bởi một gia đình nào đó gồm đủ bố, mẹ, hai con nhỏ. Có cây trị giá đến 20 triệu đồng bị vặt không còn một cái lá. Những giá nến lung linh giữa phố bị thổi tắt và cướp sạch từng cây một. Thảm cỏ nhung mịn màng làm nền cho dãy phố gốm bị xéo nát...
Chưa hết, đến nửa đêm, cả ban tổ chức và toàn đội vệ sĩ hú hồn vì người dân quanh hồ đốt... thiên đăng, đèn bay lên rồi rơi xuống đúng vào mái lá của một shop hoa. Vệ sĩ ra sức dập lửa rồi báo công an quận ngay gần đó. Công an trả lời: không có luật nào cấm dân đốt đèn. Chiếc đèn được trả lại cho các chủ nhân vô tư của nó ngay sau đó.
Trắng đêm thức cùng hoa
Cửa hàng hoa lụa này phải phủ bạt và cử người trông vì sợ “hoa tặc” tấn công - Ảnh: Cù Zap
Ðêm 27-12-2008, hơn 40 thợ của làng nghề Pháp Vân đã phải đi bộ hơn 15km để khiêng hai con rồng từ làng mình đến chân tượng đài Lý Thái Tổ, họ lặng lẽ đi từ 12 giờ đêm đến tận 4 giờ sáng mới đến nơi.
Ðêm 28-12-2008, không ai trong số các nghệ nhân được chợp mắt vì tất cả phải cùng bà con họ hàng, bạn bè trân mình ra ôm lấy những chậu hoa, cành hoa cùng với cốt của những con rồng, con phượng mà mình vừa dựng xong trước cơn cuồng phong của hàng chục vạn người hâm mộ bóng đá đổ ra đường mừng đội tuyển VN chiến thắng. Hoa và cây đã bị hỏng đáng kể nhưng họ âm thầm làm lại, tự bỏ tiền ra mua thêm hoa, thêm cây, cái nào hỏng đến mức không sửa được thì làm mới. Tất cả cho một ngày hội đẹp đẽ của Hà Nội.
Và đến đêm 31-12... Chủ shop hoa Sáo - một trong những shop hoa nổi tiếng nhất Hà Nội về hoa cưới - cho biết chị đã từ chối hàng chục hợp đồng làm hoa cưới, trong đó có cả hợp đồng 150 triệu đồng ở khách sạn Melia, chỉ để toàn tâm toàn lực cho phố hoa, nhưng nhìn sự tàn phá này chị chịu không nổi. Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng mặt mày hốc hác vì năm đêm không ngủ, nhìn đôi rồng bị bóc vảy tả tơi, ứa nước mắt: "Sao người ta có thể đối xử với hoa như thế!".
Dù có bảo vệ nhưng nhiều bạn trẻ vẫn giẫm đạp lên hoa để tìm lối đi cho riêng mình - Ảnh: Cù ZapBuồn như vậy, chán như vậy nhưng tất cả các nghệ nhân, các chủ hàng hoa lại gọi điện cho các mối cung cấp hoa mang hoa đến ngay trong đêm để "hàn gắn" lại những vết thương nham nhở của phố hoa. Ban tổ chức cho biết dù đã dự phòng kinh phí thay hoa tươi hằng ngày khoảng 10 triệu đồng/ngày, nhưng với sự tàn phá như đêm 31-12-2008 chắc chắn kinh phí mua hoa mới sẽ tăng ít nhất gấp đôi vì còn phải thay bông lau mới, cỏ nhung mới, nến mới... Ngoài ra còn có những thiệt hại không làm lại được như việc bê trộm các gánh hàng hoa, vặt trụi các cây thế quý...
Ðêm rất khuya, chúng tôi ra về trong khi dòng người vẫn nườm nượp chảy qua phố hoa. Ða số đi thưởng lãm hoa, nhiều lời trầm trồ khen ngợi. Nhưng cũng không ít bàn chân vô tình và những bàn tay tham lam chỉ chực thò ra bẻ, ngắt, phá...
Sáng năm mới hàng vạn người lại đổ về bờ hồ chiêm ngưỡng phố hoa. Có ai biết những người yêu hoa vừa trải qua một đêm bão táp. Hoa Hà Nội vì thế vẫn cần lắm tấm lòng của những công dân có ý thức.
THU HÀ
Ý kiến bạn đọc:
* Sự tan hoang đó không chỉ ở những tác phẩm nghệ thuật hoa bị tàn phá chỉ sau lễ hội chính thức khoảng mươi phút. Sự tan hoang còn ở những ánh nhìn, những suy nghĩ “trầm cảm” trước hành vi cướp, phá, đạp, bứt tàn hại của đám đông dự hội lễ văn hóa đó. Sự tan hoang còn ở ánh nhìn thảng thốt, hốt hoảng của những người nước ngoài vô tình bị đẩy vào hội lễ, nhìn công dân thủ đô đang chuẩn bị kỷ niệm ngàn năm văn hiến của mình hành xử không có chút gì gọi là văn minh đô thị, văn hóa cộng đồng.
Tôi nhớ lại những tan hoang trước đó không bị nghiêm trị một cách thích đáng từ lễ hội hoa anh đào, từ việc bẻ lộc tết nguyên đán năm nào...
Tôi lại nhớ miên man sang những "phở quát", "miến chửi", "xôi chém"... mà người Hà thành dành cho nhau.
Đau đớn nhất là hình ảnh một ông bố ăn vận lịch sự thản nhiên cướp hoa trước mắt con mình, còn quay sang cao giọng sửa lưng người mắng: ăn nói mất văn hóa thế à? mà quên mất mình vừa nêu tấm gương “cướp bóc” trước mặt con...
Nghĩ và nghĩ để chạnh lòng với câu cách ngôn: Không gì tệ hại hơn làm hành động xấu đi kèm với những lời khuyên tốt...
Bắt đầu từ chỗ khi chờ văn hóa ngấm từ từ vào mạch máu người dân, trước mắt hãy nghiêm khắc với những hành động tàn hại văn hóa hơn nữa. Luật bất nghiêm thì pháp bất thành, lẽ đó tự ngàn xưa đã vậy...
Lâm Minh Trang (mapminh2006@...)
* Còn nhớ cách đây không lâu, báo Tuổi Trẻ cũng đã viết bài về việc "bứt hoa bẻ cành" ở lễ hội hoa anh đào. Và bây giờ, hiện tượng này lại tiếp diễn, ở cùng một thành phố. Tôi phẫn nộ thì ít, mà buồn thì nhiều hơn. Đến bao giờ chúng ta mới tôn trọng và thôi lấy cái chung làm cái riêng? Và đứa con của "người đàn ông vừa cướp chậu hoa rất đạo đức" trong bài viết sẽ lại như bố nó trong một lễ hội nào đó? Tất cả đều bắt nguồn từ ý thức của mọi người. Lúc ý thức chưa được đặt đúng chỗ thì những chuyện như thế này vẫn xảy ra.
Tôi thiết nghĩ, khi mà lời kêu gọi như giọt muối bỏ biển, sự can thiệp của chính quyền là cần thiết để đưa ý thức về đúng nơi cần. Khi người ta "sợ", sự tự giác sẽ hình thành.
Nguyễn Long -ongwdf@...
* Đọc xong bài trên tôi thật sự bất bình vì không ngờ một số người dân thiếu ý thức của Hà Nội - thành phố 999 năm tuổi - những người Tràng An thanh lịch - thể hiện những hành động rất không đẹp như vậy.
Từ những năm mẫu giáo đến giờ tôi vẫn nhớ bài hát thiếu nhi có câu: "... Nhưng cô dặn đừng nên hái, vì hoa này là của chung...".
Hoa là tài sản, là tâm sức của các nghệ nhân hết lòng vì thủ đô nhằm tô điểm thêm vẻ đẹp chung của đô thị, nhưng những người được gọi là "hoa tặc" lại muốn sở hữu cái chung đó làm cái đẹp riêng cho mình. Chẳng lẽ cả một lễ hội hoa như thế không đẹp hơn một vài cánh hoa mà người ta "cướp" được rồi cầm chúng trên tay mình hay sao!? Tôi thật sự rất bất bình vì chuyện này!
Nguyễn Văn Qui Nhơn (quinhon1989@...)
* Tôi thật sự rất kinh ngạc và phẫn nộ khi đọc được bài viết về cảnh những người dân tàn phá phố hoa Hà Nội không thương tiếc như thế! Lòng tham hay sự thiếu văn hóa và ý thức xã hội đã khiến người ta làm như vậy?
Người dân thủ đô vốn là những con người lịch lãm, luôn coi trọng lễ nghĩa, coi trọng những nét đẹp tinh thần, nhưng qua những vấn đề như thế này chúng ta cần phải suy nghĩ lại về việc giáo dục ý thức công dân, ý thức cộng đồng cho những công dân trong thời đại mới.
Phạm Tuân (commit_obey@...)
* Đã có quá nhiều trường hợp như thế xảy ra, nào là ở đường hoa Nguyễn Huệ, lễ hội hoa anh đào... và giờ là đường hoa Hà Nội. Cái đẹp ai cũng thích ngắm nhìn nhưng không phải ai cũng có ý thức giữ gìn nó. Không hiểu tại sao trong thời gian qua tình trạng này diễn ra ngày càng tệ như thế. Các nghệ nhân nói sợ không dám tiếp tục làm nữa, còn với tôi, một công dân trẻ, tôi sợ nhìn thấy hình ảnh các bạn trẻ trong những hoàn cảnh ấy.
Mong sao mỗi người đều biết nâng niu cái đẹp, biết quý công sức của những người đã làm cuộc sống của chúng ta đẹp hơn, phong phú hơn. Và một điều ước nho nhỏ, khi đón tết âm lịch sẽ không có cảnh tàn phá như thế ở tất cả công trình làm đẹp phố phường, chào đón năm mới.
Lâm Thị Thanh Mai (linmei_134@...)
Vô tư bẻ hoa - Ảnh: Tiền Phong
* Tôi là người Việt Nam và có nhiều cơ hội công tác ở nước ngoài, khi đọc bài viết phản ánh về một số người thiếu ý thức trong lễ hội phố hoa Hà Nội, tôi nghĩ rằng muốn công dân Việt Nam thay đổi nhận thức nơi công cộng, Bộ Giáo dục - đào tạo phải có chương trình giáo dục tại nhà trường về nhận thức nơi công cộng, ý thức văn hóa, bảo vệ hoàn cảnh vệ sinh môi trường từ lớp mẫu giáo khi bắt đầu tiếp xúc với cách sống sinh hoạt tập thể, xem việc này như một bộ môn trong trương trình giáo dục.
Hi vọng mỗi công dân Việt Nam sẽ là người ý thức văn hóa trong thời đại văn minh.
Nguyen Ngoc Nga (chunju66@...)
* Nhìn những hình đăng tải trên báo trong vài ngày qua, chúng tôi thật phẫn nộ, chỉ muốn nói với những ai đã nhẫn tâm phá hoại lễ hội hoa là họ không xứng đáng là dân thủ đô, họ là những người thiếu văn hóa, thiếu giáo dục và thiếu cả lòng tự trọng...
Biết bao thành phố trong cả nước ước ao được có một lễ hội văn hóa như thế mà không được. Đã được thưởng lãm một lễ hội hoa độc đáo như vậy mà sao lại có thể cư xử thiếu văn minh đến thế, họ không xứng đáng được hưởng thành quả lao động của biết bao nghệ nhân hàng đầu cả nước tạo ra.
TIỂU QUYÊN
* Đọc bài này xong tôi thấy rất thất vọng về ý thức của một bộ phận người dân, trong đó có những bạn trẻ là những người có học. 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sắp đến, đây là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức lễ hội phố hoa và có thể nói đây là 1 lễ hội đã được đầu tư rất công phu, vậy mà...
Không hiểu các bạn trẻ họ có nghĩ được rằng những hành động vô ý thức của họ đã vô tình xúc phạm đến những nhà tổ chức, những người dân chưa đi xem không?
Thiết nghĩ nếu lần sau tổ chức lễ hội hoa các nhà tổ chức cần tuyên truyền ý thức cho người dân đi kèm với giới thiệu lễ hội.
Nguyen Thi Minh Hang (minh_hang882007@...)
Phố hoa Hà Nội được trang trí lộng lẫy dọc theo bờ Hồ Gươm với sự đóng góp công sức của nhiều người: nghệ nhân, công nhân Công ty Cây xanh, ban tổ chức... Ảnh: Tuổi Trẻ
* Nếu ai cũng không có ý thức như thế thì nước Việt Nam mình làm sao khá được. Từ việc nhỏ đến việc lớn nếu ko có ý thức và luôn nghĩ cho bản thân mình thì nước ta có đến 1.000 năm nữa cũng không thể cùng sánh vai với các nước bạn được.
Tôi thấy buồn vì một số những người dân Hà Nội được vinh dự hơn những người dân ở những tỉnh thành khác, được sống trên đất Thăng Long ngày xưa, được tận hưởng một lễ hội hoa đẹp như thế mà không biết quý thì ai còn dám tổ chức, ai dám bỏ nhiều tiền của để dân chúng có thể thưởng lãm và nâng cao tầm nhìn về cái đẹp. Thật thất vọng.
Nguyễn Thị Thùy Giang (thuygiang2611@...)
* Tôi là một trong cả ngàn người đổ về hồ Gươm đêm 31-12-2008 và phải nói rằng thất vọng với cả hai phía: Bên tổ chức và bên thưởng lãm!
Dân mình nhiều người ý thức quá kém. Rất nhiều người không buồn ngắm bằng mắt, họ phải sờ bằng được một cái mới thỏa. Bị bảo vệ huýt còi (huýt đến thủng cả phổi) thì họ hồn nhiên nói: "Sờ một cái thì có sao đâu!!!???".
Tiêu biểu nhất là đám bông lau. Tôi thật sự thấy mình bất lực khi nhìn thấy một thanh niên bẻ nghéo một phát, hồ hởi mang chiến lợi phẩm chạy mất khi bảo vệ đang tá hỏa lo đối phó với một đám khác!
Ban tổ chức thật sự không lường trước được những chuyện này hay sao? Họ có thể làm nhiều việc đơn giản hòng đối phó với không ít người thiếu văn hóa như thế. Đơn giản nhất là hãy căng dây cách 1m xung quanh các tác phẩm, cắt cử thêm bảo vệ, phân luồng người vào khu triển lãm hoa và chặn các phương tiện giao thông từ Tràng Tiền Plaza. Tôi chỉ thấy đúng một khu trưng bày hoa (lớn nhất) là giăng được cái dây lên, nhờ thế mà nó bảo toàn nguyên vẹn được tới sau giao thừa. Nghĩ lại, tôi thấy thật sự thất vọng và tiếc cho những đóa hoa đẹp không được bảo vệ và thưởng lãm đúng cách.
Hoàng Hà (hoanghamt@...)
Tiến Thành (VB
Chỉ Hà Nội mới có "văn hóa chửi"
- “Tôi cũng may mắn được đi đến nhiều nơi cả trong nước và nước ngoài. Được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, tôi chưa thấy ở đâu có văn hóa chửi như Hà Nội”. Đó là nhận xét của PGS.TS, nhà văn Văn Giá về hiện tượng “Ăn hàng Hà Nội. Miệng nhai tai nghe chửi”.
Từ bún cháo "chửi" nghĩ đến văn hóa lạ lùng của Hà Nội
Choáng váng với lẩu chuột, bún "phân" gián
Sốc với phở "gián", bún "thạch sùng" ở Hà Nội
Văn hóa chửi xuất phát từ dân trí thấp
Tự nhận là một người may mắn và có khuôn mặt hiền lành, PGS.TS Văn Giá cho biết: “Tôi may mắn chưa bị vào ăn ở những quán mắng, cháo chửi ở Hà Nội”. Tuy nhiên, nhà văn cũng thừa nhận, đây là một hiện trạng đáng buồn biểu hiện cho sự xuống cấp văn hóa của một bộ phận người Hà Nội mới. Ngày nay, Hà Nội là nơi pha tạp của hàng trăm thứ dân, họ đem theo nền văn hóa hòa lẫn với nền văn hóa đẹp của người Hà Nội xưa.
Nhà văn Văn Giá chia sẻ những bức xúc về sự xuống cấp văn hóa của người Hà Nội.
Theo nhà văn, sự xuất hiện của văn hóa chửi từ việc đi ăn ở các hàng quán xá, đi chơi, đi du lịch hay đi đường thậm chí là đến cơ quan… cũng bị chửi là một nghịch lý. Nhà văn cho biết “thượng đế ngày nay đi ăn mất tiền mà cứ như đi xin bát cơm, bát cháo rồi hứng chịu đủ lời tục tĩu chửi bới của người chủ quán”.
PGS.TS Văn Giá cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến “văn hóa chửi” của người Hà Nội là đó là dân trí thấp, người dân còn nghèo, học ít nên khi mở quán kinh doanh lại được tiếp xúc với đủ loại người từ người có học thức cho đến những du côn đầu đường xó chợ, cướp, người mới ra tù…Đúng theo định nghĩa “thuốc bắc ngấm lâu” dần dần những chủ hàng quán này cũng phải thích nghi với môi trường kinh doanh nghĩa là trở thành du côn hóa, sẵn sàng gây chiến tại chỗ. Đây chỉ là cách để tự bảo vệ họ giữa thủ đô thôi.
Tuy nhiên, vì sao bún mắng, cháo chửi vẫn đông nghịt khách ra vào mặc dù cách hành xử với khách hàng của người chủ quán vô cùng lỗ mãng, tục tĩu thậm chí chửi mắng, đánh nhau với khách khi họ lỡ phàn nàn về đồ ăn của quán. Giải thích về điều đó, PGS.TS cho rằng đó là do Hà Nội bây giờ đông quá, một thủ đô rộng lớn với cả chục triệu người, không có người này ăn, người kia lại đến “trăm người bán vạn người mua”.
Nói về nguy cơ xâm chiếm của văn hóa chửi vào văn hóa của người Hà Nội, nhà văn Văn Giá trấn an: “Không cần lo lắng quá cho Hà Nội đâu! Hà Nội là nơi tụ hội văn hóa bốn phương có tính tinh lọc văn hóa, tôi tin rằng Hà Nội đủ sức đề kháng để miễn dịch với thứ văn hóa chửi bới, quát mắng thượng đế này”.
Người Hà Nội mơ ước văn hóa Sài Gòn
Là người đã từng được đi nhiều nơi cả trong nước và trên thế giới, nhà văn Văn Giá nhận xét: “Chỉ Hà Nội mới có thứ văn hóa chửi. Người nước ngoài họ lịch sự, nhiệt tình đón khách chứ không như người dân nước mình tìm mọi cách chèo kéo bắt chẹt khách cốt sao đầy túi tiền”.
Ảnh minh họa
Ngay cả giữa văn hóa của người Hà Nội và người Sài Gòn cũng có nhiều cái khác biệt. Nhà văn cho biết người Sài Gòn có văn hóa phục vụ khách hàng mà người Hà Nội phải mơ ước.
Họ ngọt ngào, chu đáo và tận tình, sẵn sàng xin lỗi và đền bù thiệt hại cho khách nếu như xảy ra sự cố. Còn một bộ phận người Hà Nội bây giờ đánh mắng, chửi khách xơi xơi , người phục vụ thái độ cau có, nhăn mặt khi khách hàng ý kiến, đặc biệt nhiều chủ hàng còn cho phép nhân viên của mình chửi khách, hàng quán đã bẩn, thái độ phục vụ cũng không khá hơn.
Có một điều đáng chú ý là khi đi ăn ở Sài Gòn khách hàng luôn được miễn phí nước uống còn ở Hà Nội tất cả đều phải dùng tiền và mua mới có. Vài điểm khác biệt để thấy “người Hà Nội bây giờ phải học người Sài Gòn nhiều lắm, từ cái ăn uống hàng ngày đến các tiêu chí phục vụ niềm nở với khách hàng”…
Nhà văn Văn Giá rất ủng hộ phong trào tẩy chay các hàng quán bẩn, ứng xử vô văn hóa với khách hàng và cho rằng: “Đây là một cách rất hay, một khi không còn khách hàng nữa các hàng quán này buộc phải thay đổi cách hành xử với thượng đế nếu như không muốn đóng cửa”.
Đồng thời nhà văn cũng cho biết trên thế giới có rất có rất nhiều các nước, như Singapore, Trung Quốc… đã thực hiện các chiến dịch truyền thông lớn để tuyên truyền, bài trừ các thói ứng xử xấu của con người. Đó là điều mà Việt Nam nên học tập để tiến bộ.
Theo nhà văn để “văn hóa chửi chết mòn” thì truyền thông, báo chí phải đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thông rộng rãi, tổ chức sự kiện tuyên truyền đồng thời các cơ quan công quyền cần quan tâm và xử phạt thật nặng những hàng quán vi phạm việc niêm yết giá, mở các hội, diễn đàn trên facebook để mọi người quan tâm, chia sẻ các quán ăn bẩn rồi mọi người cùng tẩy chay. Mặc dù rất yêu văn hóa quán xá, quán cóc vỉa hè của Hà Nội xưa nhưng “về lâu dài tôi ủng hộ việc dẹp bỏ các hàng quán vỉa hè, gánh hàng rong ở Hà Nội vì đây là cái nơi mà văn hóa chửi loạn nhất”- nhà văn chia sẻ.
Huệ Bạch (ghi)