Báo cáo các cụ, thớt lại có mặt.
Hôm nay hầu các cụ những câu chuyện thực về giới giang hồ. Tên các nhân vật đã được thay đổi, địa chỉ có thể cũng thế. Mong các cụ uống cà phê ngon và bình luận tiếp.
Sự thật trần trụi phía sau cái gọi là "đạo nghĩa" của giới giang hồ:
"Người trong giang hồ" rất hay nhắc đến những từ "đạo nghĩa", "anh em", "sống chết"... Một bộ phận thanh thiếu niên ngày nay đang mù quáng trước những mỹ từ đẹp đẽ đó. Nhiều người trẻ tập tành bước chân vào thế giới của quyền lực "đen", lần đầu gặp và vô cùng ngưỡng mộ những đàn anh, những đại ca xã hội đen mở miệng là nói những lời có cánh, mà đâu biết phía trước cạm bẫy chực chờ.
Giang hồ khu vực quận Hai Bà Trưng vẫn còn nhắc đến cái tên Đ "khểnh" với vụ hòa giải mâu thuẫn sặc mùi dao búa. Đ "khểnh" sinh khoảng năm 1958, sống ở phố L.N.H, vốn là một tay anh chị rất nổi tiếng trong giới giang hồ Hà Thành. Câu chuyện xảy ra khoảng năm 1993, khi một băng nhóm ở tận Thanh Trì kéo đến với ý định thanh toán vài người sống gần nhà Đ "khểnh". Thấy thanh thế của băng Thanh Trì quá mạnh, những người có mâu thuẫn phải chạy sang cầu cứu Đ. Sau khi hỏi han kỹ càng, biết chỉ là việc nợ nần tiền bạc dẫn đến to tiếng cãi vã, thách thức nhau, Đnhận lời giải quyết.
Xuất hiện giữa vòng vây hàng chục gã tay dao tay búa, Đ vẫn bình thản hỏi "Tôi là Đ "khểnh", anh em đã từng nghe tên tôi chưa". Người cầm đầu băng Thanh Trì bước ra, xác nhận rằng có biết. Bấy giờ Đ mới nói đại ý rằng thay mặt những người đang bị truy sát xin lỗi băng Thanh Trì và hứa sẽ đốc thúc trả nợ đầy đủ. Gã cầm đầu tỏ vẻ không hài lòng vì theo gã, đám con nợ kia đã có những lời nói thách thức, xúc phạm đến băng Thanh Trì. Nghe thế, Đ "khểnh" cười nhạt và bảo "Anh em bước chân ra đường kiếm ăn cần nhất là làm được việc, đòi nợ quan trọng nhất là đòi được tiền. Bị xúc phạm thì đã có lời xin lỗi của Đ "khểnh" này. Nếu vẫn chưa đủ, tôi xin ngồi đây cho anh em đâm chém để hả giận. Kêu than một câu thì không phải là Đ "khểnh"". Dứt lời, Đ điềm nhiên ngồi xuống giữa vòng vây của băng Thanh Trì. Vốn đã biết tiếng, giờ chứng kiến phong thái "đại ca" của Đ, bằng Thanh Trì nể phục, chấp nhận nhận tiền rồi rút êm. Sau vụ việc này, tiếng tăm của Đ "khểnh" càng nổi như cồn.
Một tay anh chị già nhận xét rằng "Giang hồ cũ thuộc thế hệ sinh vào những năm 1960 còn nói đến đạo nghĩa, còn biết phân biệt đâu là trên đâu là dưới. Đ khểnh là tay anh chị có số má, vì thế lời nói của gã có giá trị, khi đã đứng ra dàn hòa thì tên tuổi của gã đã là sự đảm bảo bằng "vàng". Nếu vào thời bây giờ, dù một Đ khểnh chứ mười Đ khểnh cũng không thể giải quyết vụ việc chỉ bằng lời nói như thế". Theo tay anh chị này, giới giang hồ cũ phân biệt ngôi thứ bằng duy nhất một thứ: bản lĩnhđâm chém trên đường phố. Nếu là đại ca thì thành tích đâm chém phải hơn đàn em, phải tạo dựng số má thông qua các phi vụ thanh toán. "Nói cách khác, đạo nghĩa giữa đàn anh đàn em chính là sự nể phục sức mạnh của quả đấm, ai có thể đánh ngã được đối phương thì người đó là kẻ mạnh. Với sự rạch ròi ấy, giang hồ thế hệ cũ chân phương hơn chứ không sặc mùi tiền như đám trẻ bây giờ", tay anh chị chia sẻ.
Nhân chứng kể lại vụ thanh toán chấn động những năm 1990 ở ngõ chợ K.T, nay đã là phố Chợ. Bấy giờ hai đại ca của hai băng nhóm trong khu vực này là K. “hấp” và D. “cụt”, mâu thuẫn nhau trong việc làm ăn, đã quyết định dàn "quân" quyết chiến trong ngõ. Khi hai nhóm chạm mặt nhau, lực lượng cả hai bên lên tới gần trăm người. Hai gã đại ca đứng đối diện nhau, một gã bỗng nói "Mâu thuẫn chỉ là giữa tao với mày, nay kéo anh em đến đông thế này, nếu đánh nhau thì sẽ có nhiều người chết lắm". Hiểu ý, gã kia trả lời "Được, tao với mày đấu tay đôi, bất cứ đàn em bên nào cũng không được can thiệp. Sống còn chết bỏ". Thế là hai gã đại ca với 2 con lê AK lao vào nhau quyết tử, hai nhóm đàn em ở hai bên hò reo cổ vũ như đi xem đấu võ đài. Kết cục vụ thanh toán, hai gã đại ca đều trọng thương nhưng đám đàn em thì đã tránh được một trận "tắm máu" thường thấy khi xảy ra va chạm giữa các băng nhóm.
Trả "nợ ân tình" lãng xẹt
Những câu chuyện về những gã đại ca thuộc diện "của hiếm" như thế cứ được kể mãi, kể đi kể lại, khiến cho những kẻ mới bước chân vào giang hồ lầm tưởng về một thế giới quyền lực "đen" nhưng sống với nhau bằng tình nghĩa. Họ đâu biết rằng đa phần các đại ca thường dùng những cái gọi là "nợ ân tình" để trói buộc những kẻ dài tay óc ngắn, đẩy đàn em vào con đường phạm tội.
Vụ án giết người xảy ra khoảng năm 1986 ở ngõ 21 phố L.Đ (quận Hai Bà Trưng) khi được cơ quan điều tra làm rõ thì cũng có nguồn gốc từ trả nợ ân tình của giới giang hồ. Sự việc bắt đầu chỉ là việc tranh chấp nhỏ nhoi giữa hai nhà sát vách, hoàn toàn có thể dùng tình làng nghĩa xóm để hóa giải. Nhưng H. "trâu" sinh khoảng năm 1960 vốn là giang hồ cộm cán trong khu vực nên lại muốn giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Nhà hàng xóm có tới 4, 5 người con trai, không dễ dàng gì để H có thể "khơi khơi" xông vào mà cà khịa. Lúc ấy, gã đã nhớ đến một đàn em vừa mới ra tù.
Người đó là Nghiêm Đức H sinh khoảng năm 1963 ngụ ở khu M.Đ cùng quận. H chỉ là loại giang hồ "tiểu yêu", kiếm sống chủ yếu bằng nghề trộm cắp. Trước đó vài năm, H bị bắt và phải đi cải tạo cùng trại với H "trâu". Vào môi trường trại giam trong khi chẳng có số má gì, H bị đám "đại bàng" chèn ép đủ đường. Giữa lúc đang khổ sở, chật vật ấy, gã được H "trâu" đỡ đầu vì là người cùng quận. Đang từ cảnh nhục nhã, xểnh ra là bị đám "đại bàng" bắt lỗi, đánh đập, giờ được đỡ đầu nên có thể thoải mái đi lại, ăn uống đầy đủ hơn, Hùng cảm cái ơn của đại ca lắm. Món nợ ân tình hình thành từ lúc ấy.
Trở lại câu chuyện, vừa mới ra tù còn chưa kịp ở nhà lấy vài ngày, nghe đại ca nói có việc cần, H vội vàng lao đến. Rồi khi nghe H "trâu" than rằng "có cái gai trong mắt" thì H cũng lập tức nhận trách nhiệm "nhổ cái gai" đó. Chỉ một câu nói của đại ca, để trả "nợ ân tình", đêm đó H đã tước đoạt sinh mệnh một con người bằng 5 nhát dao.
Sau khi gây án, H trốn lên một vùng thuộc tỉnh Phú Thọ, lấy vợ sinh con ở đó. Vụ án nhanh chóng được làm sáng tỏ, H "trâu" dù đổ hết tội trạng cho đàn em nhưng vẫn phải trả giá bằng 20 năm tù. Sau gần 12 năm trốn truy nã, khoảng năm 1997 thì Nghiêm Đức H bị bắt. Người vợ dại, đứa con thơ của H không thể ngờ người chồng, người cha có vẻ ngoài rất hiền lành, lại là một sát thủ đang bị luật pháp truy đuổi gắt gao. Ngày xử án, món nợ ân tình với đại ca đã lấy đi cả cuộc đời gã. Phạm tội giết người với nhiều tình tiết tăng nặng, H phải nhận án tử hình.
Các du đãng già nhận xét "Giang hồ thế hệ cũ có nhiều chuyện "trả nợ" lãng xẹt như thế. Như những con thiêu thân, họ mù quáng vì cái đạo nghĩa giang hồ hão huyền theo kiểu đàn anh bảo thì đàn em phải nghe. Cộng với thói quen giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực lại coi thường luật pháp, họ đã gây nên nhiều vụ việc nghiêm trọng. Nhưng chỉ sau đó ít năm, "đồng tiền" đã làm thay đổi bộ mặt của giang hồ. Với những tay anh chị thế hệ sau, nói chuyện "đạo nghĩa" cũng phải dựa trên giá trị của đồng tiền..."
(Còn tiếp)