@ cụ Bò Ma
Em xin gửi cụ và các cụ/ mợ quan tâm bức thư em mới nhận đc của một đệ tử thầy Viên Minh có gửi cho em. Nội dung tóm tắt bài nói của thầy về Hạnh phúc.
HẠNH PHÚC LÀ GÌ?
Thầy Viên Minh giảng
- Cần biết đủ (trong điều kiện sẵn có của mình) là đủ, đó chínhlà hạnh phúc.
- Chi ít hơn thu thì thấy dư, chi nhiều hơn thu thì thấy thiếu. Luôn thấy thiếu thì mới là nghèo khổ.
- Một trong những yếu tố của đau khổ là đối kháng. Đối kháng nghĩa là không vừa lòng với những gì đã và đang có. Đặt càng nhiều điều kiện cho mình càng nhiều đau khổ, ngay cả người tu cũng vậy, sai lầm của họ là đặt cho mình tiêu chuẩn để đạt đến, tu là để đạt một sở đắc. Nhưng đạt được hay không đều là đau khổ.
- Điều quan trọng là phải thấy được chính mình. Chính vì không thấy rõ chân tướng, không thấy rõ bản chất của đời sống nên con người thường hay có nhiều ước muốn, tham vọng, và khi không toại ý họ dễ sinh ra đau khổ.
- Khi một người bị lệ thuộc vào điều kiện bên ngoài (cả không gian lẫn thời gian) thì người đó không thể nào có được sự an lạc.
- Không có khả năng thích ứng với hoàn cảnh, đó là đau khổ. Bởi vì hạnh phúc không phải là sự thỏa mãn mọi ước mơ của cá nhân mình, mà là khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
- Hạnh phúc không tính bằng tiền tài hay danh vọng, mà HẠNH PHÚC LÀ KHẢ NĂNG CÓ THỂ SỐNG TỰ TẠI TRONG BẤT CỨ HOÀN CẢNH NÀO.
- Đừng bao giờ đặt cho mình một tiêu chuẩn sống, mà hãy đủ bản lãnh để sống với tất cả mọi tình huống của cuộc đời.
- Khi bản ngã đầu hàng thì lúc đó CHÂN LÝ mới hiện ra. HẠNH PHÚC là khi không còn nguyên nhân nào gây ra đau khổ (cho chính mình) nữa.
- Nền móng của tương lai chính là những giây phút thực tại. Nếu hiện tại anh đi vững chắc thì đích tới là chuyện đương nhiên, còn nếu trong hiện tại anh vấp té hoặc đi không vững thì dĩ nhiên tương lai chỉ là những ước vọng xa vời và không thực, nên hãy chú tâm vào hiện tại.
- Trong cuộc sống luôn có 2 mặt tĩnh và động, người tu là ng biết cách để quân bình cả 2 mặt đó:
+ Khi động thì tùy duyên mà chú tâm, thận trọng, quan sát
+ Khi tĩnh thì thì buông xả cho thân tâm nghỉ ngơi vô sự, để tâm được sáng suốt, định tĩnh, trong lắng, đừng để bản ngã sinh khởi.
Tóm lại, người con Phật dù trong tĩnh hay động luôn có 3 pháp phải làm là: Thận trọng, Chú tâm và Quan sát. Nếu sống hoàn toàn trong 3 pháp đó có nghĩa người đó luôn có sự sáng suốt, định tĩnh và trong lành.
Nghĩa là người Phật tử phải biết cách sống tùy thuận pháp:
+ Sống theo sự vận hành hoàn toàn của Pháp.
+ Cái biết sáng suốt.
Như vậy thì dù tĩnh hay động thì người đó cũng đã “Niết Bàn” rồi.
Vì: Thận trọng với lời nói, hành động là chánh ngữ, chánh mạng, chánh nghiệp.
Chú tâm trọn vẹn là chánh định, chánh niệm, chánh tinh tấn.
Quan sát rõ là chánh tư duy, chánh kiến.
Khi hiểu và hành được như vậy tức là Phật tử đã hành đúng theo lời dạy của Đức Phật.
Sống thuận Pháp cũng có nghĩa cần tuân theo 2 điều:
+ Sự giản dị trong cuộc sống (bản chất của cuộc sống đích thực): biết rõ những gì chính đáng cần có, những gì không cần thiết. (Vd: đói thì ăn, khát thì uống,…những gì không cần thiết hoặc đòi hỏi quá mức, quá tầm tay thì ko nên chạy theo)
+ Thuận theo những quy định của xã hội mình đang sống
ĐỪNG SỢ KHÓ KHĂN TRONG CUỘC ĐỜI MÀ XEM TRONG KHÓ KHĂN ĐÓ MÌNH HỌC (NHẬN RA) ĐƯỢC GÌ.
Tóm lược ý bài thầy giảng ngày 30/05, 2010 tại cốc của Thầy ở Chùa Bửu Long, Q9, TP.HCMC (Thầy Viên Minh, Trụ trì Tổ đình Bửu Long giảng cho các Phật Tử)
Cầu chúc người hữu duyên nhận được bài này luôn bình an và hạnh phúc.
PS: cụ Bò ma, thầy Viên Minh sẽ ra HN ngày 2/4 và ở lại đây 10 ngày.