Các cụ đọc và tham khảo thêm
Không thể phạt oan người dân
LTS: Vụ kiện hành chính qua hai cấp xét xử của toà án ở Hà Nội - nguyên đơn là một công dân, bị đơn là cơ quan hành pháp - Công an quận Cầu Giấy. Nguyên đơn thua kiện chỉ vì hội đồng xét xử cũng bó tay chỉ vì không xác định nổi đó có phải là ngã ba không.
Luật và thực tế có khoảng cách khiến cả những người cầm cân nảy mực cũng lúng túng, mà nguyên nhân là do sự tắc trách của Sở GTVT Hà Nội. Phản hồi của bạn đọc gửi về toà soạn bày tỏ ý kiến không đồng tình với phán quyết của toà. Cơ quan chức năng sai thì phải sửa, không thể đẩy hết cái sai về người dân.
Bạn đọc
quangtm@yahoo.com viết: Tuy không trực tiếp theo dõi phiên toà, nhưng qua báo Lao Động, bài “Ngã ba hay ngã gì - toà cũng bó tay”, tôi không ngờ cả hội đồng xét xử (HĐXX) lại không thể xác định được đó là ngã gì, trong khi “Từ điển tiếng Việt” định nghĩa rất rõ về ngã ba là chỗ một con đường đi ra ba ngã hoặc từ chỗ ngoặt đi theo một hướng khác.
Và thực tế đoạn giao tiếp của đường Phan Văn Trường với đường Xuân Thủy là ngã ba - ai cũng rõ. Thế nhưng cả CA, Viện KSND và TA đều không xác định được - thật không thể hiểu nổi. Nếu cả CA quận Cầu Giấy và HĐXX đều cho rằng vì không có biển báo (theo Luật GTĐB) thì không được gọi là ngã ba, tôi cho rằng đó chỉ là sự ngụy biện, hiểu và áp dụng luật một cách máy móc không phù hợp thực tế.
Tôi xin hỏi, sau khi phát hiện ngã ba này không có biển báo thì CA quận Cầu Giấy có thông báo với Sở GTVT Hà Nội hay không? Đến thời điểm Toà phúc thẩm đi thực địa cũng không thấy có biển báo. Như vậy, CA quận Cầu Giấy chưa làm hết trách nhiệm của mình với người dân. Nếu không thì rõ ràng ngã ba này vẫn tiếp tục là một cái bẫy với người dân.
Bạn đọc Nguyễn Tấn Vinh (tổ 50 phường Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) thắc mắc khi thấy Luật GTĐB quy định rõ về việc cắm biển báo, đi thực tế, toà không thấy có biển báo, công an lại viện dẫn có cắm biển báo mới xác định đó là ngã ba. Vậy tại sao HĐXX không mời cơ quan có quyền lợi và nghĩa vụ là Sở GTVT Hà Nội đến toà để làm rõ đoạn đường giao tiếp giữa đường Phan Văn Trường và Xuân Thủy có phải là ngã ba hay không. Để rồi tuyên một bản án mà chính quan toà cũng không xác định được đó có phải là ngã ba hay không. Nếu không phải là ngã ba thì là ngã gì. Câu hỏi này của người dân chắc toà cũng không trả lời nổi.
Ý kiến của bạn đọc
minhhatran@gmail.com: Khi bị CA phạt, ông Đông đã trình bày rất rõ là không thấy có biển báo như Luật GTĐB quy định. Là cơ quan hành pháp, giám sát việc thực thi pháp luật thì chính CA quận Cầu Giấy phải phát hiện ra sai sót, mà sai sót này thuộc về trách nhiệm của Sở GTVT Hà Nội. Một cơ quan hành pháp mà trước toà lại trả lời đó không phải là ngã ba, đã là ngã ba thì phải có biển báo, đó là ngã gì CA quận Cầu Giấy cũng không biết. Trả lời như thế liệu có nhận được sự chia sẻ của dư luận và xã hội?
Thấy sai thì phải sửa. Ý kiến bạn đọc Huỳnh Bửu Sơn (phường Vĩnh Ninh - TP.Huế) bày tỏ như vậy với lãnh đạo CA quận Cầu Giấy. Đọc bài báo về vụ kiện hành chính này trên báo Lao Động ra ngày 17.9 với tên bài “Ngã ba hay ngã gì - toà cũng bó tay?”. Câu hỏi của bài báo đã rõ. Vụ việc hết sức đơn giản, chẳng lẽ đoạn giao cắt của đường Phan Văn Trường và Xuân Thủy lại khó đến mức không xác định nổi đó có phải là ngã ba hay không? Thành viên HĐXX có lẽ phải rất nhớ rằng, khi tuyên án bao giờ HĐXX cũng phải “Nhân danh nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đừng vì sợ phải sửa sai mà càng lún sâu vào cái sai theo hệ thống.
L.H tổng hợp
http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Khong-the-phat-oan-nguoi-dan/58891