Vụ án... ngã ba đường
18/09/2011 2:09
Như Thanh Niên đã thông tin, TAND TP Hà Nội vừa mở phiên xử phúc thẩm vụ án hành chính một công dân khởi kiện CSGT và đã tuyên xử y án sơ thẩm, bác đơn kháng cáo. Song, những tình huống pháp lý gây tranh cãi tại phiên tòa không khiến người dân “tâm phục khẩu phục”.
Bên khởi kiện trong vụ án này là ông Nguyễn Đức Đông, có hộ khẩu tại huyện Từ Liêm, TP Hà Nội. Bên bị kiện là Công an Q.Cầu Giấy do ông Nguyễn Quang Khải, Đội phó Đội CSGT - trật tự, phản ứng nhanh đại diện.
Theo hồ sơ vụ án, chiều ngày 15.11.2010, ông Đông điều khiển xe ô tô từ đường Phan Văn Trường ra đường Xuân Thủy, khi đến nhà số 61-63 Xuân Thủy, ông dừng và đỗ xe dưới lề đường thì bị CSGT - trật tự - phản ứng nhanh của Q.Cầu Giấy lập biên bản và xử phạt 800.000 đồng, tạm giữ giấy phép lái xe trong thời gian 30 ngày với lý do đỗ xe trên tuyến phố bị cấm. Sau hai lần khiếu nại không được chấp nhận, ông Đông đâm đơn khởi kiện ra tòa, đề nghị Hội đồng xét xử buộc Công an Q.Cầu Giấy hủy quyết định xử phạt, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại 6 triệu đồng.
Bên khởi kiện (áo trắng) và đại diện bên bị kiện (Công an Q.Cầu Giấy) trước tòa - Ảnh: Thái Sơn
“Đông-ki-sốt”
Ông Đông là thành viên của diễn đàn Otofun, một trang web chuyên dành cho những người yêu ô tô xe máy. Sau khi ông Đông quyết định khởi kiện Công an Q.Cầu Giấy, đã có hàng chục ngàn ý kiến của cộng đồng mạng động viên, góp ý, thậm chí không ít người còn kêu gọi đóng góp tài chính giúp đỡ ông trên đường “đi tìm công lý”.
Tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, phòng xử án cũng luôn chật ních các thành viên của Otofun. Chỉ hai ngày sau khi phiên xử phúc thẩm kết thúc, các bài viết về phiên tòa này trên diễn đàn Otofun đã có tới 5.000 ý kiến và hầu hết đều bày tỏ không đồng tình với phán quyết của tòa. Và cộng đồng mạng cũng đặt cho phía khởi kiện cái tên mới là “Đông-ki-sốt”.
Ông Đông cho rằng, quá trình điều khiển xe ô tô đã quan sát kỹ, không thấy có biển cấm thì mới đỗ xe. Trong khi đó, đại diện cho bên bị kiện cho rằng công an đã làm đúng luật vì tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy nằm trong số 56 tuyến phố văn minh cấm để xe đạp, xe máy, ô tô trên hè phố, lòng đường theo quyết định của UBND TP Hà Nội. Mặt khác, đầu đường Xuân Thủy đã cắm biển cấm đỗ xe nên việc ông Đông đỗ trong khu vực không cắm biển cũng là vi phạm.
Không phải ngã ba thì là cái gì?
Trao đổi với Thanh Niên sau phiên tòa, luật sư Phạm Ngọc Minh bức xúc: “Từ điển tiếng Việt thì định nghĩa ngã ba là chỗ một con đường đi ra ba ngã hoặc chỗ ngoặt đi theo một hướng khác. Đây là một khái niệm phổ thông mà bất cứ người Việt Nam bình thường nào cũng đều nhận thức rõ. Chúng tôi không thể hiểu điểm giao Phan Văn Trường - Xuân Thủy khác với định nghĩa này ở chỗ nào. Mặt khác theo Luật Giao thông đường bộ, cả hai con đường này đều được coi là đường bộ, giao nhau giữa 2 đường này không phải ngã ba thì là cái gì?”.
Rắc rối... ngã ba
Tham gia bảo vệ quyền lợi cho ông Đông, luật sư Phạm Ngọc Minh cũng phân tích rằng, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của biển báo giao thông. Đối với đường phải thi hành biển cấm thì tại các ngã ba, ngã tư có xe đi vào đoạn đường ấy thì các biển cấm phải được đặt nhắc lại. Luật sư Minh cũng đề nghị làm rõ điểm giao giữa 2 đường Phan Văn Trường và Xuân Thủy có phải ngã ba hay không? Trả lời vấn đề này, đại diện Công an Q.Cầu Giấy nói đây không phải là ngã ba, bởi “không thấy Sở GTVT cắm biển cấm”. Khi bị hỏi “thế nào được gọi là ngã ba” thì vị này không chịu trả lời.
HĐXX phúc thẩm xác định đường Xuân Thủy cấm đỗ xe trên toàn tuyến. Từ đầu đường đã có cắm biển cấm, từ đó đến khu vực ông Đông đỗ xe không cần phải có biển nhắc lại bởi không có ngã ba. Đối với đoạn giao cắt giữa đường Xuân Thủy - Phan Văn Trường, HĐXX cho rằng, người khởi kiện đã nhầm lẫn khi nhận thức đây là ngã ba. Do đó, HĐXX giữ nguyên quyết định của án sơ thẩm, bác toàn bộ nội dung kháng cáo của ông Đông.
Trả lời Thanh Niên sau phiên tòa, luật sư Minh nói Công an Q.Cầu Giấy một mực cho rằng “đây không phải ngã ba” nhưng lại không thể đưa ra bất cứ giải thích hoặc căn cứ pháp luật nào chứng minh cho điều đó. “Điều đáng tiếc là quan điểm ấy lại được chấp nhận của cả TAND và Viện Kiểm sát cấp sơ thẩm lẫn phúc thẩm, khiến chúng tôi bức xúc”, ông Minh bày tỏ.
Với tư cách người khởi kiện, ông Đông cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại đến các cấp, các ngành có liên quan. “Gần một năm trời theo đuổi vụ việc, tốn rất nhiều thời gian, công sức nhưng mục đích của tôi không phải là vài đồng bồi thường hay nhằm thỏa mãn mục tiêu cá nhân mà chỉ mong muốn pháp luật được thực thi công bằng, nghiêm minh”, ông Đông chia sẻ.
Thái Sơn