Các cụ tranh luận về trường QT vs các trường khác rôm rả, đặc biệt có cụ hỏi tốn tiền thế rút cục sản phẩm trường QT là cái gì làm em hoang mang quá. Thôi đã chém thì chém cho chót. Ở ngoài em cực kỳ hạn chế nói về trường học của con với người xung quanh, ai hỏi con học ở đâu cũng ngại trả lời, trừ những người có con cùng học. Với người không thích trường QT thì họ nghĩ mình trọc phú, khoe con học QT cho oai, hoặc đơn giản cũng là bất đồng ý kiến. Với người muốn nhưng không có khả năng thì mình nói về việc con mình học QT bla bla thành ra vô duyên.
Em không phải đại gia gì, là người làm công ăn lương, làm cho 1 công ty đa quốc gia ở Việt Nam. Em biết đến trường QT là do con sếp người nước ngoài của em học ở đấy. Em mơ ước con em cũng được học ở đó vì những lý do em nói dưới đây. Nghĩ là làm dù lúc đó em là nhân viên mới có mấy năm kinh nghiệm. Chồng có thu nhập cao hơn nhưng năm đầu tiên con đi học, học phí hàng tháng của đứa con đầu lòng 3 tuổi của em chiếm hơn 1/3 thu nhập của cả 2 vợ chồng. Khi đó chắc nhiều người nghĩ bọn em điên, rất ít người cho con học trường QT, kể cả các sếp người Việt Nam trong công ty (kể cả các sếp ở SG) giàu hơn em tỉ lần thời đó cũng không cho con học như vậy. Cho nên mới có chuyện sau này con các sếp đang học cấp 2, cấp 3 trường công tốt (ví dụ Lê Hồng Phong) dần chuyển sang trường QT trong khi em là đứa nhân viên quèn thì con học QT từ mẫu giáo. Trình bày dài dòng như vậy để các cụ hiểu cho là em đúng là ít tiền nhưng không phải a dua theo mọi người mà thuộc loại đi tiên phong cho con học trường QT.
Con em không học trường Việt Nam ngày nào nên em không hiểu rõ để mà so sánh chính xác. Hầu hết nguyên nhân em chọn cho con học trường QT là từ trải nghiệm của bản thân em khi học phổ thông và đại học trường công ở Việt Nam (ngày đó rất ít trường tư), và sau đó học master ở nước ngoài. Có thể bây giờ trường công đã khác xưa rất nhiều. Ngược lại, trường QT có thể vẫn có những vấn đề tồn tại, nhưng ít.
- Lý do đầu tiên là sự trung thực. Có thể em là 1 đứa đầy lỗi lầm, nhưng vẫn muốn giáo dục con trung thực. Em rất muốn một môi trường mà học sinh không quay cóp bài, không có plagiarism, không chép văn mẫu, giáo viên không giảng trước bài khi có dự giờ, không xin điểm cho điểm…
- Thứ 2 là chương trình học. Học phổ thông trường QT con học cả lịch sử, triết học và 1 số môn xã hội khác, nhưng những môn học này không bị ảnh hưởng bởi tư tưởng đang duy nhất lãnh đạo ở Việt Nam. Nếu chọn học thêm ngôn ngữ là tiếng Việt ở trường hoặc học riêng gia sư tiếng Việt, con cũng được học lịch sử Việt Nam theo sách giáo khoa Việt Nam, nhưng khi đó con vẫn có nguồn thông tin đa dạng khác nhờ chương trình học quốc tế và tự con đánh giá được. Ý em là em không muốn con bị nhồi sọ, lý do hơi nhạy cảm ạ.
- Thứ 3 là phương pháp học, thảo luận nhiều, đọc chép ít. Con không học vẹt, có critical thingking, tư duy phản biện. Các con phải đọc rất nhiều và có văn hoá đọc.
- Con được thực sự tôn trọng, lắng nghe, không bị áp đặt, không bạo hành, không bị so sánh, không bị chê bai, được nói điều con nghĩ. Trường bảo vệ học sinh, những vấn đề như bắt nạt, phân biệt chủng tộc, pb giới tính… là những vấn đề rất nghiêm trọng, thường xuyên được giáo dục và vi phạm thì bị phạt nghiêm khắc. Em không thiên tả, thậm chí còn sợ phong trào metoo, BLM thái quá ở các trường đại học Mỹ, nhưng những tiêu chuẩn cơ bản về bình đẳng văn minh em rất cổ vũ con theo.
- Cha mẹ không cần phải làm thân, quan hệ, biếu xén thầy cô.
- Ngoại ngữ tốt. Ở trường con em, chắc 100% các con học từ mẫu giáo nói tiếng Anh không bị accent, điều mà rất ít các bé không học trường QT có được. Điều này giúp các con cực kỳ thuận lợi và tự tin khi đi du học.
- Muốn con có cơ hội sống và làm việc ở đâu con muốn, kể cả những nước phương Tây. Để được như vậy, thuận lợi nhất là con sống ở môi trường nước ngoài từ nhỏ. Nhưng em không muốn xa con và cũng không có khả năng tìm được việc tốt ở nước ngoài, cho nên con ở Việt Nam với em và em lựa chọn cho con học trường QT, lên đại học mới đi du học không cần đi du học khi còn quá nhỏ.
- Ngôi trường tiện nghi và đẹp, sạch sẽ vệ sinh.
Với con em, thực sự không có chuyện học nhàn hạ. Nhỏ thì học tiếng Việt ở ngoài, giữa giữa là liên miên các hoạt động ngoại khoá thể thao, nghệ thuật, lớn cũng ôn luyện SAT và viết luận để apply đại học. Em vẫn là bà mẹ châu Á điển hình, luôn nhắc các con là chăm chỉ mới thành công
Em cũng đồng hành cùng con, đưa đón tham gia đủ thứ, làm các công việc tình nguyện cho phụ huynh ở trường (trường có nhiều hoạt động yêu cầu phụ huynh phải làm với con, trường cũng “tận dụng” sức của phụ huynh làm việc tình nguyện).
Cậu cả tốt nghiệp năm nay và ở lại làm việc. Đứa thứ hai mới hết năm nhất đại học. Cả 2 ra nước ngoài học và làm tốt, không bỡ ngỡ gì. Sản phẩm của em bình thường như nhiều bé học các trường khác dù đi những con đường khác nhau. Nếu có cụ tính toán rằng ôi giời tốn 1 đống tiền rồi cũng chỉ được như người khác thì phí quá. Em không nghĩ như vậy, với em đầu tư cho con học hành không phải để thu lời. Và em rất hài lòng về lựa chọn của mình.