Đâu là cơ sở pháp lý để Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam năm 2017?
Vào cuối tháng 8/2017, thông tin ông Trịnh Vĩnh Bình tái khởi kiện chính phủ Việt Nam ở một tòa trọng tài quốc tế khác được nhanh chóng lan tỏa trong và ngoài nước.
Theo đó, ông Bình đã nộp đơn tại Tòa Trọng tài của Phòng Thương mại Quốc tế ICC (International Chamber of Commerce – International Arbitration Court) có trụ sở tại Paris, Pháp, và cáo buộc chính phủ Việt Nam đã vi phạm Thỏa thuận 2006, cũng như yêu cầu được bồi thường 1,25 tỷ đô-la Mỹ.
Năm 2003, ông Bình đã dựa vào điều khoản của Hiệp định song phương về bảo hộ đầu tư để kiện chính phủ Việt Nam. Nhưng đối với vụ việc năm 2017, ông đã dùng chính Thỏa thuận 2006 làm cơ sở pháp lý cho đơn kiện của mình.
Ở đây, ông Trịnh Vĩnh Bình đã cáo buộc phía chính phủ Việt Nam đã ký Thỏa thuận 2006 mà không thi hành toàn bộ nghĩa vụ chiếu theo đó, nên bắt buộc ông phải nộp đơn kiện.
Cũng như bất kỳ một bản hợp đồng dân sự nào, hai phía của Thỏa thuận 2006 đã tình nguyện ký kết và đồng ý thực hiện các nghĩa vụ của mình. Vì vậy, khi một bên cho rằng phía bên kia đã vi phạm hợp đồng thì họ có thể khởi kiện để đòi bồi thường hoặc yêu cầu tòa án ra lệnh thực thi hợp đồng.
Tại sao ở vụ kiện thứ hai này một toà trọng tài ở Paris lại có thẩm quyền giải quyết?
Vì các luật sư của ông Bình trong vụ kiện năm 2017 đã mở hồ sơ tại Tòa Trọng tài ICC, nên chúng ta có thể dùng điều luật của chính tổ chức tài phán này để suy luận về thẩm quyền thụ lý hồ sơ của toà.
Theo luật của Tòa Trọng tài ICC thì hội đồng trọng tài (arbitral tribunal) của họ chỉ giải quyết những tranh chấp nào mà các bên liên quan đã thiết lập điều khoản về việc sử dụng Tòa ICC làm tòa trọng tài (arbitration court) và đưa vào hợp đồng hoặc thỏa thuận của họ từ trước đó. Thông tin này thường nằm trong điều khoản đồng ý sử dụng tòa trọng tài làm phương pháp giải quyết khi xảy ra tranh chấp – arbitration clause – của nhiều hợp đồng, thỏa thuận dân sự.
Nếu bản hợp đồng hoặc thỏa thuận trước đó của hai bên không có điều khoản này, thì cả hai đều phải đồng ý (consent) với việc sử dụng Tòa Trọng tài ICC khi tranh chấp xảy ra.
Do Tòa Trọng tài ICC đã thụ lý hồ sơ của ông Trịnh Vĩnh Bình và mở phiên tòa xét xử vào ngày 21/8/2017, chúng ta có thể nhận định rằng hoặc Thỏa thuận 2006 có ghi rõ điều khoản đồng ý sử dụng Tòa ICC để giải quyết tranh chấp, hoặc chính phủ Việt Nam đã đồng ý dùng tổ chức tài phán này sau khi đơn kiện được nộp.
Tuy nhiên, khả năng Thoả thuận 2006 có ghi rõ điều khoản này là cao hơn, vì lý do án phí.
Án phí của Tòa ICC là khá cao (gần 700 nghìn đô-la nếu chỉ sử dụng một trọng tài viên và 1,78 triệu đô-la nếu sử dụng hội đồng trọng tài với ba thẩm phán cho một hồ sơ yêu cầu 1,25 tỷ đô-la tiền bồi thường như của ông Bình), và cả hai phe đều phải tự ứng ra trước một nửa.
Án phí của Tòa trọng tài ICC tỉ lệ thuận với số tiền bồi thường mà nguyên đơn yêu cầu. Yêu cầu càng nhiều tiền bồi thường, án phí sẽ càng cao.
Thế nên, có lẽ lập luận thiên về phía Thỏa thuận 2006 đã có sẵn điều khoản này có phần nhỉnh hơn, vì khó mà thuyết phục một bên đồng ý trả một số tiền án phí lớn như vậy sau khi đơn kiện đã được nộp, trong khi họ có thể thương thảo để sử dụng một tòa trọng tài khác.
Khi nào Toà ICC Paris mới ra phán quyết?
Sau một tuần tổ chức xét xử, hội đồng trọng tài của Tòa ICC đã kết thúc phần nghe thẩm vào cuối tháng 8/2017. Nếu không xảy ra tình huống đặc biệt – ví dụ như hội đồng này yêu cầu thêm thời gian xử lý – thì trong vòng tối đa sáu tháng, một phán quyết sẽ được công bố.
Có thể dự đoán được kết quả vụ việc hay không?
Trở lại hồ sơ của vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình năm 2017. Vì lý do bảo mật, công chúng hầu như không có bất kỳ thông tin gì về các đơn kiện, đơn phúc đáp hay về diễn biến của phiên xử cuối tháng 8/2017 tại Tòa Trọng tài ICC.
Vậy nên, sẽ rất khó để phán đoán ai thắng ai thua lúc này khi không đủ dữ liệu nghiên cứu để đưa ra kết luận. Ngay cả khi phán quyết được đưa ra thì rất có thể chỉ được biết bên nào là bên thắng cuộc mà không thể biết được số tiền bồi thường chính xác nếu có yêu cầu giữ kín thông tin đó.
Như đã nói ở trên, án phí của vụ kiện này có thể lên đến 1,78 triệu Mỹ kim, và mỗi bên đều phải nộp trước một nửa để tòa thụ lý. Bên thua cuộc có thể sẽ phải chịu toàn bộ án phí cho bên thắng cuộc. Một suy đoán hợp lý là, sẽ không có cá nhân nào bỏ ra một khoản án phí lớn như vậy (chưa kể chi phí cho luật sư), nếu không nghĩ rằng mình nắm hơn 50% khả năng thắng kiện. Cũng như, không ai lại đòi mức bồi thường cao như thế để phải trả một số tiền án phí tương xứng nếu họ không có cơ sở pháp lý vững chắc cho con số 1,25 tỷ đô-la.
Tuy nhiên, trước khi Toà Trọng tài ra phán quyết, hai bên vẫn có thể thoả thuận với nhau ngoài toà và yêu cầu toà công nhận thoả thuận đó. Ngoài ra, như mọi vụ kiện dân sự khác, ông Bình hoàn toàn có thể rút đơn tuỳ ý.