Trong phần mô tả, lịch sử ngành đường sắt Việt Nam có thời gian hình thành và phát triển sớm và khá rực rỡ ở những năm đầu khi đất nước hoàn toàn giải phóng. So với thế giới, tuyến đường sắt đầu tiên được xây dựng ở Anh vào năm 1825 sử dụng động cơ hơi nước thì 56 năm sau (1881) người Pháp đã xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên ở Việt Nam (Sài Gòn – Mỹ Tho). Và cũng chỉ mất 55 năm sau, người Pháp đã xây dựng một hệ thống đường sắt dài 2600km trải dài khắp Việt Nam. Trải qua thời gian, qua các giai đoạn lịch sử ngành đường sắt phát triển rực rỡ ở Việt Nam những năm đầu sau giải phóng. Đường sắt là phương tiện được đa số người dân lựa chọn là để đi lại lúc bấy giờ (từ 1975 – 1995), một phần do các hệ thống giao thông khác chưa phát triển. Phần khác do những năm sau 1975 vẫn còn bao cấp nên ngành này chưa mở bán vé, mọi người muốn đi tàu thì chỉ cần lên tàu và tìm chỗ ngồi (đa số là đứng). Lúc đó đường sắt được tách riêng ra một mảng tương đương cấp Bộ (còn oách hơn cả Bộ GTVT lúc bấy giờ) có tên là Tổng cục Đường Sắt VN. Mãi cho đến năm 1990, ngành này mới được đưa về dưới sự quản lý của Bộ GTVT.
Cũng từ những năm 1990 trở đi, khi nền kinh tế VN chính thức mở cửa các hệ thống giao thông khác bắt đầu khởi sắc. Giao thông đường bộ bắt đầu phát triển khi tuyến QL1A bắt đầu được sử dụng, những ai đã từng xuôi ngược Bắc-Nam những năm 1990 chắc sẽ rõ, nếu đi từ HN vào đến SG bằng ô tô phải đi mất 3 ngày 3 đêm, còn đi tàu chỉ mất hơn 2 ngày. Thời gian di chuyển và chất lượng phương tiện cũng giúp ngành đường sắt ở giai đoạn này khởi sắc. Thế nhưng, có lẽ ngành này đã ngủ quên khá lâu trên đỉnh vinh quang, đúng là đi ngang là đi xuống. Ngành này bắt đầu phân tách ra thành những doanh nghiệp quản lý theo cấp địa phương với mục đích để dễ dàng quản lý và vận hành hơn. Đồng nghĩa với việc bộ máy vận hành của ngành này trở nên cồng kềnh và tiêu tốn một lượng lớn ngân sách, các bác nên chú ý hiện nay ngành đường sắt vẫn đang là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Suốt từ những năm 1999 cho đến nay, các hệ thống giao thông đường bộ (các tuyến cao tốc trải dài khắp cả nước) giao thông hàng không (có đến 4 hãng hàng không với vài trăm đường bay trong nước), giao thông đường thủy phát triển như vũ bão bằng việc mở cửa, mở chính sách tạo điều kiện cho tư nhân có điều kiện tham gia vận hành và mở rộng kinh doanh. Chính vì thế các mảng giao thông khác đã hoàn toàn lấn át và đè bẹp ‘đứa con cưng’ ngày xưa là ngành Đường Sắt VN. Liệu có phải đường sắt đã lỗi thời? Hoàn toàn không, đường sắt vẫn là một mảng ngành phát triển của hệ thống giao thông của những nước phát triển điển hình như Mỹ, Nga và xa xa là Trung Quốc. Đường sắt ở những nước này ngoài những tuyến chính do nhà nước quản lý thì họ đã mời các doanh nghiệp tư nhân vào để cùng mở rộng hạ tầng, mở rộng tuyến để phủ mạng lưới đường sắt đến các địa phương. Còn ở ta, đường sắt cũng đã có nhiều phát triển nhưng như thế là chưa đủ cho yêu cầu của khách hàng. Hãy làm một bảng so sánh nhẹ, quãng đường từ HN vào SG (tính ở mức trung bình) như sau:
| Đường sắt | Đường bộ | Hàng không |
Giá | 1,2 triệu | 1 triệu | 1 triệu |
Thời gian | 31 tiếng | 37 tiếng | 2 tiếng |
Chất lượng dịch vụ (thang 10) | 6 | 5 | 7 |
Vị trí các nhà ga so với trung tâm | Trung tâm | Gần trung tâm | Xa trung tâm |
Phương thức mua vé (thang 10) | 6 | 9 | 8 |
Mức độ hài lòng sau chuyến đi | 7 | 6 | 9 |
Với một bảng thống kê đơn giản như trên, nếu di chuyển cùng tuyến HN-SG các bác sẽ chọn loại hình giao thông nào?
Ngành đường sắt đang kiến nghị lên Thủ Tướng về nguy cơ phá sản khi từ 2020 Bộ GTVT đã phê duyệt cho đơn vị này tự chủ thu chi. Nhưng thu làm sao bù nổi chi khi bộ máy quá cồng kềnh mà hoạt động không hiệu quả. Đường sắt vẫn là một loại hình vận tải hàng hóa khá hiệu quả nhé các bác.
Vậy theo các bác thì tương lai của ngành này vài năm nữa sẽ như thế nào và Chính Phủ có chính sách gì để gồng gánh ngành này qua giai đoạn khó khăn?