Nhà cháu ủng hộ phương án nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại thành đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa khai thác chung tàu khách và tàu hàng có tốc độ 200 km/h. Với tốc độ này, đi Hà Nội -TP.HCM chỉ mất 8 giờ, lâu hơn một chút so với đi máy bay. Nếu giá vé bằng hoặc thậm chí cao hơn chút đỉnh so với máy bay thì em vẫn sẽ chọn đi bằng tàu. Bộ KH&ĐT tính toán tổng chi phí để triển khai phương án này rơi vào khoảng 26-28 tỷ USD, giảm được 30 tỷ USD so với làm đường sắt cao tốc 320km/h (khoảng 56-58 tỷ USD).
Nhà cháu cũng đồng tình rằng với số vốn lớn như thế thì không thể huy động làm một lèo được mà phải phân kỳ đầu tư. Giai đoạn 1 từ 2030-2038 thực hiện đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM; Giai đoạn 2040-2050 thực hiện đầu tư nốt đoạn Vinh - Nha Trang, thông toàn tuyến.
Tại sao lại bắt đầu từ 2030 vì cần phải chuẩn bị thóc, nhà đang nghèo, cần phải tích lũy chứ đi vay (mà chắc chắn là vay được) để đầu tư ngay thì gánh nặng nợ công sẽ khủng khiếp, lùi lại 10 năm thì khi đó quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng khá, lúc đó khả năng trả nợ mới ổn.
Năm 2018, Việt Nam đạt mức GDP/người là 6.676 USD (PPP), tương đương với Hàn Quốc năm 1984 (thua kém 34 năm); Malaysia năm 1978 (thua kém 40 năm) và Trung Quốc 2006 (thua kém 12 năm). Nếu Việt Nam duy trì mức tăng trưởng GDP khoảng 6%/năm, thì GDP/người (PPP) của Việt Nam: Năm 2030 đạt 11.989USD, tương đương với Hàn Quốc 1990, Malaysia 1992, Trung Quốc 2013. Năm 2045 đạt 24.925USD, tương đương với Hàn Quốc 2004, Malaysia 2015, Trung Quốc 2026.