Để hội nghị có thêm thông tin, em mô tả sơ lược đường sắt Bắc - Nam theo các quy hoạch như thế nào
1. Tại Quyết định số 06/2002/QĐ-TTg ngày 07/01/2002 về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt VN đến năm 2020.
“Hoàn thành việc nâng cấp các tuyến đường sắt để đạt cấp kỹ thuật quốc gia và khu vực, xây dựng thêm một đường để thành đường đôi và điện khí hoá các tuyến Hà Nội -Vinh, Sài Gòn - Nha Trang, tiếp tục xây dựng các tuyến đường sắt mới để tạo thành mạng đường sắt đồng bộ, hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn hiện đại. Trên trục Bắc - Nam, ngoài tuyến đường sắt Thống Nhất hiện có cần xây dựng thêm một tuyến đường đôi riêng biệt chạy tầu khách cao tốc Bắc - Nam khổ đường 1.435mm để giảm thời gian chạy tàu từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh xuống dưới 10 giờ và có khả năng kết nối với đường sắt liên vận quốc tế.”.
Nhận xét: Lúc này ở bước sơ khởi, mới hình thành ý tưởng xây dựng thêm một tuyến mới và xác định 2 mục tiêu: vận chuyển khách HN-TP.HCM xuống dưới 10h và kết nối liên vận quốc tế.
2. Tại Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 10/9/2009 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
“Đến năm 2020, hoàn thành xây dựng một số đoạn tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Đến năm 2030, hoàn thành xây dựng những đoạn tuyến còn lại trong mạng đường sắt cao tốc Bắc Nam”
“Phần E Phụ lục: Đường sắt cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn 2011-2020 hoàn thiện đường sắt cao tốc Vct = 350km/h, giai đoạn đến năm 2030 hoàn thiện đường sắt cao tốc Vct=350km/h”.
Nhận xét: Đề bài đã xác định tốc độ thiết kế 350km/h, nhưng không hề đề cập đến việc kết nối liên vận???
3. Tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 24/8/2015 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
“Triển khai xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160km/h đến dưới 200km/h), đường đôi khổ 1435mm, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350km/h trong tương lai, ưu tiên xây dựng trước những đoạn có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam theo khả năng huy động vốn”.
Nhận xét: Lần này thì cái định hướng khá ngộ nghĩnh, xây phục vụ 350km/h nhưng chỉ cho chạy 160km/h đến 200km/h => Cái này thì em phân tích từ lâu rồi, chẳng ai làm như vậy cả.
Cũng không đề cập đến kết nối liên vận.
Tuy nhiên em phát hiện ra với đề bài như vậy, cái BCNCTKT mà 3 ông tedi-tedisouth-tricc lập cũng sai nốt. Tốc độ khai thác 350km/h thì tương ứng phải thiết kế cho tuyến 400km/h (giống như tuyến BK-TH), chứ tốc độ thiết kế chỉ 350km/h và khai thác 320km/h như BCNCTKT kia vẫn chưa đúng đề bài này.
4. Tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 về phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
“Đến năm 2030 hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam,…
Tầm nhìn đến năm 2050 hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam”
Quyết định 1769 này còn có thêm nội dung quan trọng, chỉ rõ 3 điểm kết nối quốc tế: Kết nối với Trung Quốc qua 2 tuyến HN-Đồng Đăng và HN-Lào Cai; Kết nối với Lào qua tuyến Vũng Ánh-Mụ Giạ và Mỹ Thủy-Lao Bảo; Kết nối với Campuchia qua tuyến TP.HCM-Lộc Ninh.
Nhận xét: Đề bài không xác định tốc độ thiết kế. Tuy nhiên, với mục tiêu hoàn thành 2050 thì chỉ có phương án của Bộ KHĐT mới đáp ứng được. Nội dung phương án như thế nào thì em post trên này rồi.
Và với việc chỉ rõ mấy điểm kết nối quốc tế như trên, ngầm hiểu phải có một tuyến khổ 1435 chạy dọc Bắc Nam và chở hàng.
Tóm lại, em nhận xét đề bài tại các Quyết định 1436 năm 2008 và Quyết định 1468 năm 2015 yêu cầu tốc độ khai thác 350km/h, nhưng hồ sơ BCNCTKT do Bộ GTVT trình vẫn chưa đúng đề bài, và hiện tại các Quyết định trên đã bị thay thế. Tại các Quyết định 06 năm 2002 và Quyết định 1769 năm 2021 đều hướng về đường sắt tốc độ cao và cho phép hỗn hợp tàu khách và tàu hàng, và như vậy ý kiến của Bộ KHĐT tuân thủ đề bài nhất.