Tranh cãi giữa các cụ đang thể hiện cách hiểu khác nhau về lạm phát.
Định nghĩa cụ trích của giáo sư google kia là định nghĩa của các nhà kinh tế học và phù hợp với các nhà làm chính sách khi xem xét việc sử dụng chính sách tài khóa, tiền tệ để can thiệp lạm phát. Theo đó, lạm phát là sự tăng giá liên tục trong một thời gian dài, loại trừ các tăng giá do các hiện tượng ngắn hạn, do thiếu cung, cầu nhất thời. Theo cách này thì tăng giá do thay đổi giá điện, tăng giá xăng nhất thời, do điều chỉnh học phí, viện phí, ...không phải là lạm phát và không cần can thiệp. Theo mình hiểu thì định nghĩa này gần với cái gọi là lạm phát cơ bản (core inflation). Các nhà kinh tế và điều hành tính cái lạm phát cơ bản đã loại trừ những biến động nhất thời, biến động quá mức. Lạm phát cơ bản sẽ thể hiện tương quan thay đổi của tổng cầu, tổng cung và là cơ sở để nhà nước can thiệp.
Tuy nhiên, một cách hiểu khác về lạm phát đang sử dụng rộng rãi là sự thay đổi giá cả hàng tháng, hàng quý, hàng năm, bất kể do lý do gì. Các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), công bố hàng tháng, hàng năm đều tính sự thay đổi của hàng hóa trong giỏ, bất kể do lý do gì, và đa số mọi người đều coi đó sự thay đổi CPI là thước đo lạm phát, cả ở Tây và ta nhé. Các mục tiêu lạm phát hàng năm thường là dùng chỉ tiêu này. Lạm phát đo lường theo cách này phản ảnh đúng tác động của giá đến đời sống và nền kinh tế, nhưng không cho biết lạm phát này có xu hướng kéo dài hay chỉ nhất thời, do bản chất thay đổi của tổng cung - tổng cầu hay do hiệu ứng tâm lý hoặc một sự kiện nhất định và có cần can thiệp bằng chính sách tài khóa, tiền tệ hay không.