Em đã từng tham gia điều tra, giám định vụ tai nạn máy bay của VNA tại sân bay Phnompenh. Tổ bay đã quá chủ quan vì tin tưởng vào kinh nghiệm của mình, cho rằng đã quá quen thuộc với sân bay này vì đã từng hạ cánh ở sân bay này hàng trăm lần, thuộc địa hình sân bay như trong lòng bàn tay. Do vậy khi tầm nhìn bị hạn chế, không nhìn thâý sân bay, đường băng do mưa to, tổ bay vẫn tiếp tục cố tình hạ độ cao để hạ cánh với sự tự tin rằng xuống thấp tí nữa chắc chắn họ sẽ nhìn thấy đường băng phía dưới. Khi xuống tới độ cao tối thiểu cho phép, vẫn không nhìn thấy đường băng nhưng tổ bay vẫn tiếp tục hạ độ cao và tin rằng phía trước là đường băng. 2 giây sau, khi nhận ra đường băng không ở phía trước máy bay thì đã quá muộn, cơ trưởng chỉ kịp thốt lên câu "chết mẹ rồi!" và kéo cần lái tăng tốc cho máy bay ngóc lên để thực hiện bay lại và khi đầu ngóc lên thì đuôi máy bay bị chìm xuống, va vào ngọn cây thốt nốt ở đầu sân bay.
Kết quả:
- 65 người chết gồm 60 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn, gồm cả cơ trưởng (là bạn bố em).
- 1 thành viên phi hành đoàn (cơ phó, là bố của bạn thân em) sống sót. Chú này, người được tụi em gọi là "người bị trời đánh không chết" hiện vẫn còn sống.
Máy bay bị nổ và vỡ thành nhiều mảnh, xác người văng khắp nơi và rất nhiều người không toàn thây, văng mỗi nơi 1 mẩu, bốc mùi hôi thối và phải cầm xô đi nhặt hoặc bị cháy đen không nhận dạng được, người không bị cháy thì quần áo bung hết... hiện trường tai nạn máy bay rất thảm khốc, ám ảnh. Đúng 1 năm sau em quay lại vị trí xảy ra tai nạn để xây đài tưởng niệm cho các nạn nhân mà vẫn chưa hết ám ảnh về những gì đã thấy ở hiện trường tai nạn, thật thảm khốc và kinh hoàng.
Đời em đến nay đã chứng kiến 2 vụ tai nạn máy bay và đều phải xách xô đi nhặt từng mẩu thịt, mẩu xương nên mỗi khi được thông báo máy bay bị chậm chuyến vì lý do thời tiết thì em lại thấy mừng và may mắn, đồng thời thầm cảm ơn người phi công đã kiên quyết từ chối bay/ hạ khi thời tiết quá xấu. Vì em hiểu: đừng có cố khi thời tiết không cho phép, sai 1 ly đi cả cuộc sống đấy.