Bến xe, ga tàu ở Sài Gòn đìu hiu
Bến xe, ga tàu tại TP HCM vắng người "chưa từng thấy" so với cao điểm đi lại dịp Tết các năm trước vì người dân lo lây nhiễm Covid-19, thay đổi kế hoạch về quê, trả vé.
Giờ xe khởi hành từ
bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) về bến Thượng Lý (Hải Phòng) tối 6/2 (25 Tết) nhưng đến trưa, ông Tây Đô (53 tuổi, quản lý nhà xe Thành Nhân) nói vẫn chưa có một khách nào đặt chuyến. Trước đây mỗi tháng, nhà xe chạy 3-4 chuyến qua lại giữa TP HCM và Hải Phòng, chở khoảng 20 khách mỗi xe cùng hàng hoá. "Còn dịp Tết luôn kín chỗ, xe quay đầu không kịp. Năm nay, 25 Tết vẫn không có khách dù xe đã chờ mấy ngày", ông Đô nói và cho biết giờ chỉ hy vọng có người thuê chở hàng để phần nào gỡ vốn, do "mỗi chuyến xe chi phí khoảng 30 triệu đồng".
Phía trong bến xe Miền Đông cũng là cảnh thưa người. Trên các dãy ghế, người chờ xe, mua vé không chen chúc như dịp Tết những năm trước. Ở nhiều quầy vé, nhân viên liên tục gọi khách do nhiều xe sắp đến giờ khởi hành nhưng chỉ bán được vài vé. Hàng trăm ôtô xếp hàng ở bãi đậu phía sau cũng chỉ lác đác khách qua lại. Phần lớn người về các tuyến thuộc khu vực Tây Nguyên hoặc miền Trung với những tỉnh gần TP HCM như Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Tại khu vực xe về Huế trở ra các tỉnh thành miền Bắc - nơi thường nghẹt người những ngày giáp Tết giờ đìu hiu, vắng vẻ.
Cũng như ông Đô, xe 50 chỗ của hãng Phi Long về Huế lịch trình rời bến chiều tối 6/2 nhưng từ hai hôm trước, anh Cảnh Vinh (43 tuổi, tài xế) đã vào đợi khách. Trước khởi hành 3 tiếng, chuyến xe chưa đến chục người đặt vé. "Nếu như năm ngoái, 25 Tết xe đã chạy được vài chuyến đến Huế rồi quay đầu về TP HCM thì năm nay, từ đầu mùa Tết phải nằm chờ. Tình hình này sau Tết không biết ra sao, càng chạy càng lỗ", anh Vinh ngao ngán.
Lượng khách giảm mạnh từ sau dịch bùng phát hôm 28/1, tập trung ở một số tỉnh thành phía Bắc. Trong đó hai ổ dịch lớn nhất tại
Hải Dương và Quảng Ninh. Điều này khiến nhiều người thay đổi kế hoạch về nghỉ Tết do lo lây nhiễm hoặc cách ly, sau Tết không thể quay lại TP HCM như dự định. "Về Thanh Hoá ngày 27 Tết nhưng dịch phức tạp nên tôi đã trả vé, chịu mất phí và ở lại Sài Gòn", Phương Anh, 24 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh nói.
Ông Đỗ Phú Đạt, Phó giám đốc bến xe Miền Đông cho biết ngày 5/2 (24 tháng chạp), tại bến gần 1.400 xe khởi hành chở hơn 33.400 khách về các địa phương. So với kế hoạch, khách giảm gần 12.000 người. Trước đó từ ngày 2 đến 4/2 (21 đến 23 tháng chạp), khách qua bến cũng không đạt như kỳ vọng. "Dịch bùng phát khiến nhiều người bỏ ý định về quê hoặc đổi lịch trình đi lại. Những ngày qua, tại bến cũng có khoảng 10.000 vé bị trả", ông Đạt nói nhưng cho biết bến vẫn đề nghị các doanh nghiệp hỗ trợ hoàn vé cho khách.
Một nguyên nhân khác khiến lượng khách không như kỳ vọng, lãnh đạo bến xe Miền Đông cho biết ngoài các tuyến về Hải Dương, Quảng Ninh ngưng hoạt động từ lúc dịch bùng phát, hiện xe đi hai huyện Krông Pa và thị xã Ayunpa (Gia Lai) cũng mới ngưng chạy sau khi có các ca bệnh. Các tuyến này ngày thường trung bình có 70 chuyến chở khoảng 3.500 khách từ bến xe Miền Đông đến Gia Lai và ngược lại. Ngày Tết, nhu cầu tăng cao nên xe ngưng hoạt động cũng làm tổng lượng khách giảm.
Tương tự tại
bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) đặc thù các tuyến ngắn nên khách thường tập trung thời gian giáp Tết mới về quê. Nhưng so với những năm trước, người đến bến cũng vắng hơn. "Dịch bùng phát đúng thời điểm gần Tết khiến nhiều người không muốn tập trung đông. Vài ngày gần đây, dù sinh viên được nghỉ sớm nhưng đến bến xe cũng thấp hơn hẳn mọi năm", anh Phong, chạy tuyến bến xe Miền Tây - Cần Thơ nói và cho biết nhiều người hiện muốn tự chạy xe về quê hơn do chặng đường không xa, thay vì đi xe khách.
Đường sắt cũng đìu hiu không kém. Tại ga Sài Gòn (quận 3) trưa 6/2, dù người đến đổi,
trả vé tàu không còn nhiều, chủ yếu đi tàu nhưng cũng vắng vẻ. Chuyến tàu SE22 khởi hành lúc 11h40 nhưng trước đó chừng 15 phút chỉ vài nhóm khách đứng chờ. Điều này trái ngược nhiều năm vào dịp Tết, khi sân ga luôn nhộn nhịp, khách xếp hàng chờ tàu. "Mấy hôm nay, tàu dù giảm chuyến nhưng vẫn vắng người", nữ nhân viên nhà ga nói và cho biết lần đầu cô cảm nhận tại ga Sài Gòn như "không có không khí Tết".
Từ khi dịch bùng phát, đến nay hàng chục ngàn vé tàu được trả lại. Phần lớn khách trả vé tại ga Sài Gòn và Dĩ An (Bình Dương) cho các chặng từ Nam ra Bắc trước Tết và ngược lại sau Tết. Nhu cầu đi lại giảm mạnh nên ngành đường sắt hủy nhiều đoàn tàu dự định bổ sung dịp Tết như: tàu SE30, SE16, SE10 xuất phát từ ga Sài Gòn các ngày 10, 19, 20, 27, 28/2. Tại Hà Nội, tàu SE29 các ngày 21, 22/2. Tại ga Vinh có tàu SE15 cũng bị huỷ hai ngày 20, 21/2... Khách có vé các chuyến tàu bị dừng được đổi miễn phí qua các tàu khác để tiếp tục hành trình hoặc muốn trả vé được hoàn tiền sau 3 tháng, chịu phí 30%.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), Covid-19 cũng khiến khách giảm so với Tết năm ngoái. Ước tính mỗi ngày, tại sân bay có hơn 90.000 khách đi và đến, với 730 chuyến bay. Cao điểm nhất trước Tết dự báo hôm 10/2 (29/12 âm lịch) với 836 chuyến bay; sau Tết ngày 16/2 (5/1 âm lịch), có 874 chuyến.
Sau ca dương tính nCoV là nhân viên làm việc tại sân bay ("bệnh nhân 1979"), lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết việc
phục vụ đi lại Tết vẫn được tập trung. Các công tác phòng dịch được duy trì và thắt chặt, dưới sự kiểm soát của nhiều bên để vừa đảm bảo không cho dịch lây lan, vừa không ảnh hưởng hoạt động sân bay.
Bến xe, ga tàu tại TP HCM vắng người "chưa từng thấy" so với cao điểm đi lại dịp Tết các năm trước vì người dân lo lây nhiễm Covid-19, thay đổi kế hoạch về quê, trả vé.
vnexpress.net