Gần 26.000 doanh nghiệp đóng cửa trong một tháng
Số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong tháng đầu năm 2021 tăng 36% so với cùng kỳ, lên đến 25.750 doanh nghiệp.
Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong số này có hơn 18.000 doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn, phần còn lại là ngừng hoạt động chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng, lượng doanh nghiệp ngừng kinh doanh tăng cao so với cùng kỳ cho thấy sự ảnh hưởng rộng và lâu dài của Covid-19. Một nguyên nhân khác là các doanh nghiệp thường chờ đợi sang năm mới để tìm hướng đi, mặt hàng, đối tác phù hợp... rồi mới triển khai kế hoạch kinh doanh tiếp theo.
Bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến - chế tạo, xây dựng, dịch vụ việc làm... là những ngành có lượng doanh nghiệp rời thị trường lớn nhất. Phần lớn đều có quy mô nhỏ và được thành lập chưa lâu. "Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động từ những cú sốc bên ngoài", báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh viết.
Theo Cục này, để giảm số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì ngoài cải thiện môi trường đầu tư, Chính phủ và các bộ cần hoạch định các chính sách thúc đẩy sự phục hồi và phát triển cho nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ. Đồng thời, gia hạn các gói hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ở chiều ngược lại, trong tháng 1 cũng có hơn 10.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường, tăng gần 22% so với cùng kỳ. Có 13 trong số 17 ngành nghề ghi nhận số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng, nhiều nhất là sản xuất, phân phối điện – nước – gas; khai khoáng, y tế, xây dựng... một phần vì đây là những ngành nghề kinh doanh thiết yếu. Nguyên nhân khác đến từ sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh từ các ngành bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh sang những ngành ít rủi ro hơn, đón đầu làn sóng giải ngân vốn đầu tư công.
Số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong tháng đầu năm 2021 tăng 36% so với cùng kỳ, lên đến 25.750 doanh nghiệp.
vnexpress.net