trong khi đợi cụ chủ thớt xuất hiện , cháu tương một đoạn từ trên WTT của thuyền trưởng Hook các cụ nhấm nháp tạm cho đỡ vã ;
II. NHỮNG PHẨM CHẤT CỦA NGƯỜI KINH DOANH HAY ĐÂU LÀ ĐIỂM KHÁC NHAU GIỮA MỘT NHÀ KINH DOANH THÀNH CÔNG VÀ MỘT NHÀ NGHIÊN CỨU KINH TẾ GIỎI
Em gái tôi có một cậu bạn học rất giỏi, làm tiến sĩ kinh tế ở Úc, sau đó về Việt nam giảng dạy và nhanh chóng gây dựng được danh tiếng. Ngoài dạy ở trường, cậu ta hay được mời đào tạo cho các công ty lớn và trường dạy doanh nhân, riêng thu nhập từ việc đi dạy và viết bài đã đủ để mua nhà mua xe và có một khoảnh tích luỹ kha khá.
Năm 33 tuổi cậu ta lấy vợ (cũng muộn gần như tôi!). Gia đình nhà vợ tương đối khá giả, rất hãnh diện vì anh con rể tài giỏi và cổ vũ cậu bạn tôi ra ngoài tự kinh doanh, cái lý của ông bố vợ cậu ta lúc ấy là “nó dạy được giám đốc thì thừa sức làm giám đốc”. Cậu bạn em tôi xin nghỉ không lương ở trường, ra ngoài lập công ty và sau gần 3 năm thì đốt sạch số tiền tiết kiệm của mình thêm một khoản không nhỏ của nhà vợ, cuối cùng cậu ta quay lại trường và bây giờ thì đã yên tâm giảng dạy. Thật may là hai vợ chồng vẫn rất hạnh phúc.
Trường hợp cậu bạn em tôi ở trên là một trong số rất nhiều minh chứng cho sự thật là, kiến thức kinh tế dù sâu dày đến mấy cũng hoàn toàn không phải là đảm bảo cho kinh doanh thành công. Ở chiều ngược lại chúng ta cũng có thể thấy không ít người, mặc dù không được đào tạo bài bản về kinh tế nhưng lại là những nhà kinh doanh đại tài. Đặc biệt ở vùng Đại Trung Hoa (Trung Quốc, Hồng Kông, Đài loan) và cả Hàn Quốc, phần lớn các nhà kinh doanh thế hệ trước đều không có điều kiện học hành tử tế, trong đó không ít người thậm chí không học hết phổ thông. Những hạn chế đó không ngăn cản họ trở thành các doanh nhân vĩ đại sau này với các công ty nổi tiếng như Huttchinson (Li Ka Shing), Foxconn (Terry Gou), kể cả Hyundai và Samsung cũng vậy.
Nếu lấy cả các nhà kinh doanh trí thức (như phần lớn các công ty phương Tây ngày nay) ra xem xét thì cũng luôn luôn có một câu hỏi: cho dù các doanh nhân đó là cử nhân, thạc sĩ hay thậm chí tiến sĩ thì cũng có vô số cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ khác cũng giỏi như họ và cũng ôm mộng giàu sang không kém họ, tại sao chỉ có một số ít người thành công? Rõ ràng, ngoài kiến thức ra còn có một điều gì đó rất quan trọng với sự thành công của các doanh nhân mà nếu thiếu nó, kiến thức nhiều đến mấy cũng không đủ.
Tôi chắc rằng đã có không ít các cuốn sách, bài báo nói về vấn đề này. Người ra đã liệt kê rất nhiều yếu tố như sự chăm chỉ, dám làm hay vận may vv… Tuy nhiên theo quan sát của tôi, yếu tố quan trọng nhất làm nên một nhà kinh doanh thành công lại nằm ở một đặc tính khác (mà tôi rất ngạc nhiên không hiểu sao không thấy ai nói tới), đó chính là KHẢ NĂNG NHÌN THẤY TIỀN TỪ TRƯỚC KHI NÓ ĐƯỢC LÀM RA, khác với đại đa số người trong xã hội, kể cả các nhà nghiên cứu kinh tế là họ chỉ nhìn thấy tiền SAU KHI NÓ ĐÃ ĐƯỢC LÀM RA RỒI.
Để cho rõ hơn, hãy lấy ví dụ một bài thơ: Nhà thơ trong một phút xuất thần viết ra một bài thơ hay, nhà phê bình văn học sau đó có thể phân tích bài thơ ở đủ mọi khía cạnh, đến mức bảo nhà thơ tự phân tích cũng không thể được như vậy, nhưng nếu bảo nhà phê bình văn học đi sáng tác thơ thì chắc chắn ông ta không sáng tác được.
Quay lại chủ đề chính, tôi muốn nói rằng nhà kinh doanh cũng đóng vai trò sáng tạo: anh ta phải có khả năng nhìn ra tiền ở nơi mà người khác chưa nhìn ra rồi biến khả năng đó thành hiện thực. Khả năng đó, theo tôi, là khả năng quan trọng nhất quyết định một người có thể trở thành nhà kinh doanh hay không, còn quan trọng hơn cả sự chăm chỉ hay may mắn. Bởi nếu không có khả năng “nhìn ra tiền” thì chăm chỉ đến mấy cũng chỉ là sự chăm chỉ mù quáng, và cũng không thể nhìn ra cơ hội khi có hội đến trong tay.
Mặc dù hơi thô nhưng tôi thấy có một cách hình dung tốt nhất để diễn đạt đặc tính quan trọng này, đó là nhà kinh doanh phải có cái mũi thính đủ để NGỬI RA TIỀN một khi có tiền ở đâu đó trong tầm tay. Năng khiếu này là bẩm sinh, hầu như không thể học hỏi, đào tạo hay tập luyện được. Tính chất “bẩm sinh” của năng khiếu “ngửi ra tiền” giải thích tại sao có những người chỉ tốt nghiệp cấp 2 mà kinh doanh rất giỏi, kể cả trong những lĩnh vực hoàn toàn vượt quá sự đào tạo của họ (tất nhiên họ phải dùng các nhân viên phù hợp). Trong khi không ít thạc sĩ hay tiến sĩ, mặc dù vận dụng đủ mọi mô hình, điều tra và phương pháp, cuối cùng cũng chỉ là ném tiền qua cửa sổ.
Đây là thông điệp, mặc dù có hơi buồn, mà tôi muốn gửi cho các bạn: Vì khả năng ngửi ra tiền là một năng khiếu bẩm sinh nên không phải ai cũng có thể trở thành nhà kinh doanh, hoặc cũng có thể nói phần lớn chúng ta đều không kinh doanh được vì bẩm sinh không có năng khiếu này. Tất nhiên, việc không có khả năng “ngửi ra tiền” không hề là rào cản để các bạn không tham gia vào đời sống kinh tế, mà bạn nên nhận định chính xác về năng khiếu của mình để có lựa chọn thích hợp vì trong các tổ chức kinh tế, không hiếm các vị trí (kể cả các vị trí cao) không cần bạn phải có năng khiếu nhìn ra tiền.
Lại một vấn đề đặt ra ở đây là: làm sao để một người biết mình có năng khiếu kinh doanh hay không? Không hề có một thiết bị hay một phương pháp trắc nghiệm nào có thể chỉ ra được điều đó. Trong đa số trường hợp, một người chỉ nhận ra mình không có năng khiếu kinh doanh sau khi đã đốt rất nhiều tiền của bản thân và gia đình, và tiêu tốn không ít năm tuổi trẻ. Trong các bài viết sau, tôi hy vọng chỉ ra được một nguyên tắc đại loại để bạn có thể tự nhận xét bản thân trước khi quyết định đầu tư vào một công việc nào đó. Việc biết mình không có năng khiếu và không sa đà vào kinh doanh cũng quan trọng không kém việc biết nên kinh doanh như thế nào (với những người có năng khiếu kinh doanh).
Nếu bạn ra bất cứ một hiệu sách nào, bạn cũng có thể thấy vô số sách dạy kinh doanh và dạy làm giàu. Tôi đã xem qua một số trong đó và ấn tượng thực sự không được tốt lắm. Có mấy kiểu như sau: khá nhiều sách nói về làm giàu như một việc tương đối dễ dàng, ai cũng làm được. Một số sách khác thì thuật lại con đường làm giàu của các nhà kinh doanh nổi tiếng thậm chí rất chi tiết, nhưng rốt cuộc lại không hề rút ra những chỉ dẫn hoặc nguyên tắc nào cho độc giả. Một số sách dịch khác cũng có nói đến các nguyên tắc nhưng nói chung lại không phù hợp với Việt nam, cuối cùng cũng chỉ là “đọc để biết vậy” (chẳng hạn như cuốn Tôn Tử binh pháp trong kinh doanh, nghe thì hay nhưng thực sự không vận dụng được).
Trở lại với chủ đề bài viết, đâu là những phẩm chất làm nên một nhà kinh doanh thành công? Như đã nói ở trên, tôi cho rằng năng khiếu “nhìn ra tiền” hay “ngửi ra tiền” là yếu tố quan trọng nhất quyết định một người CÓ THỂ trở thành nhà kinh doanh hay không. Tất nhiên đó mới là điều kiện cần, bởi nếu muốn biến cơ hội thành hiện thực, nhà kinh doanh cần có thêm một số những phẩm chất khác.
Trang điện tử vnexpress cách đây mấy hôm có đăng một bài dịch “Người giàu thành công nhờ đâu” trong đó có nêu những yếu tố mà những người kinh doanh giàu có ở Mỹ cho là quyết định để họ thành công, theo thứ tự là: 1. Chăm chỉ (quyết định nhất); 2. Giáo dục; 3. Chấp nhận rủi ro; 4. Tiết kiệm; 5. May mắn. Chiếu theo liệt kê này thì hình như chúng ta ai cũng có thể kinh doanh thành công được vì yếu tố bất định nhất là may mắn lại xếp ở tận thứ năm, nghĩa là không có vai trò quá lớn.
Rất tiếc là dù ở Mỹ hay Việt nam thì đều không phải như vậy. Mặc dù hầu hết chúng ta đều chăm chỉ, có giáo dục. sẵn sàng chấp nhận rủi ro và hết sức tiết kiệm thì số người kinh doanh thành công vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong xã hội. Vì vậy tôi có thể nói chắc với các bạn rằng liệt kê ở trên không sai hoàn toàn nhưng cũng hoàn toàn không đúng. Theo tôi thì vì lý do ngoại giao nên những người giàu ở Mỹ mới đưa ra một liệt kê như vậy, chứ theo tôi thì ngài Warren Buffet chẳng hạn chỉ cần nói một cách đơn giản “Tôi giàu, vì tôi giỏi hơn các vị!” Ở đây tôi sẽ đưa ra một liệt kê khác, dựa trên kinh nghiệm của chính tôi. Các bạn có thể tin rằng liệt kê của tôi là đúng vì tôi không cần ngoại giao, cũng không có ý định động viên ai, bởi quan điểm của tôi rất rõ ràng: Chỉ một số trong chúng ta có năng khiếu kinh doanh.
(còn tiếp)