NGÀY 2 - NHỮNG TƯỢNG ĐÀI BẤT TỬ
Hôm nay, em vẫn giữ nguyên nếp sinh hoạt dậy sớm như hôm qua. Tối qua trước khi đi ngủ, đoàn đã thông báo về dress-code là áo phông nền đỏ sao vàng, quần dài...
Em lên boong dạo sớm, chụp vài tấm hình đón bình minh xin up ở dưới đây hầu các cụ các mợ
View attachment 7867548
View attachment 7867545
View attachment 7867546
View attachment 7867547
Những tấm hình này được em chụp khoảng 3h trước thời điểm dừng chân đầu tiên của chuyến hải trình sau 33h lênh đênh. Cccm nhìn hình trên chắc đã đoán ra phần nào địa điểm đó.
Sáng nay mọi người ăn sáng trong không khí trầm lắng và hồi hộp. Dù không nói nhiều nhưng mọi người cố gắng chỉnh trang quần áo, giày dép gọn gàng. #9:00 tàu thả neo gần đảo Len Đao để thực hiện nghi lễ tưởng niệm các ANh hùng Liệt sỹ đã hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ biển đảo quê hương - Trận chiến Gạc Ma năm 1988
Phần 1 - Lễ Tưởng niệm
Tất cả các thành viên của đoàn công tác đều có mặt trên boong dạo, vòng hoa và lễ vật đã chuẩn bị xong, nhiều người tranh thủ chụp hình gần nơi đặt lễ.
Theo hướng dẫn của các đồng chí sỹ quan hải quân, đoàn công tác xếp thành 8 hàng ngang trước mặt ban lễ. Phần nghi lễ gồm những phần chính sau:
- triển khai tiêu binh.
- giới thiệu thành phần đoàn công tác (không vỗ tay).
- đọc lời tưởng niệm những AHLS đã hy sinh trên quần đảo TRường Sa: đại diện đoàn công tác thực hiện.
- 1 phút mặc niệm.
- dâng hương: toàn bộ thành viên đoàn.
- nghi lễ thả vòng hoa + lễ vật: lãnh đạo đoàn. Các thành viên còn lại nhận hoa tươi và hạc giấy để thả xuống biển.
Mọi bước đều diễn ra trong không khí trang nghiêm và xúc động, đâu đó có những tiếng xụt sịt của ai đó đã không kìm được xúc động.
Em mang kính đen, nên giấu được đôi mắt mình. U50 rồi mà cũng chẳng kìm được cảm xúc. Nói sao nhỉ, mất mát nhiều quá, bao người mẹ, người vợ mất đi người con, người chồng mình. Bao người cha ở vào cảnh kẻ đầu bạc khóc người đầu xanh, bao đứa trẻ lớn lên chỉ biết cha mình trên khung ảnh thờ. Mất mát nhiều quá trên mảnh đất chữ S này. Từ Điện Biên Phủ 1954 đến Mậu Thân 1968, Quảng Trị 1972 Đại Thắng Mùa Xuân 1975 Biên giới Tây Nam 1979-1989, Biên giới Phía Bắc 1979-1990 rồi Trường Sa 1988. Bao lớp cha anh đã dâng hiến thanh xuân của mình cho vẹn toàn của đất nước, cho độc lập của dân tộc. Họ đâu có toan tính gì và đâu có hỏi Tổ quốc đã làm gì cho mình. Mong các anh hiểu, những hy sinh đó không bao giờ là vô nghĩa, không ai, không thế lực nào có thể phủ nhận được vai trò của các anh trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Xin biết ơn các anh.
Vì không thuộc bài thơ nào về Trường Sa nên em lẩm nhẩm trong lòng khổ thơ của CCB Lê Bá Dương về thành cổ Quảng Trị
Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ.
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước.
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.
Em đăng một số hình về buổi lễ này
Lễ vật dâng lên các AHLS: vòng hoa, xôi gà, bia, nước ngọt và tất nhiên không thể thiếu thuốc là và quần áo hải quân (vàng mã)...
View attachment 7867603
TIêu binh đây nhé:
View attachment 7867604
Thắp hương cho các AHLS
View attachment 7867605
Thả lễ (em đứng hàng 2 nên chỉ chụp sau lưng)
View attachment 7867606
Thả hạc giấy và hoa
View attachment 7867607
View attachment 7867608
View attachment 7867609
View attachment 7867611
View attachment 7867613
Để nói sâu hơn về những cảm xúc này, em xin phép bổ sung thêm phần viết của một thành viên đoàn, đăng trên VNQĐ (bản điện tử, đã xin phép tác giả).
---------
Tổ quốc màu tím sẫm
Thứ Sáu, 26/05/2023 16:08
Email
Tôi thấy mắt mình nhòe dần, nhòe dần… Tôi đã khóc cùng mọi người, những giọt nước mắt nóng hổi lại chảy tràn giữa nơi chốn thiêng liêng của Tổ quốc. Tổ quốc của tôi, mấy ngàn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ, hôm nay có một màu tím nhớ thương chan chứa gụi gần mà thiêng liêng đến ngần nào…Trường Sa thương nhớ của tôi ơi!
Khi Chuẩn Đô đốc Đoàn Văn Chiều, Anh hùng Lao động Nguyễn Hùng Dũng cùng lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Kho bạc Nhà nước Việt Nam, các chiến sĩ hải quân của tàu 571 thuộc Lữ đoàn 955 và các thành viên của Đoàn công tác số 13 cùng nhau thả vòng hoa xuống vùng biển Trường Sa, nơi 64 Anh hùng Liệt sĩ đã hi sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, những giọt nước mắt bắt đầu tuôn rơi không kìm nén. Mỗi người trong đoàn công tác, ai cũng có một bông cúc vàng và một con hạc giấy, ai cũng kính cẩn chắp tay thành kính cúi đầu trước khi thả xuống biển, mang lời khấn nguyện an bình và thanh thản gửi tới các anh. Mồ hôi giữa trưa nắng tháng năm quyện với những giọt nước mắt của những phụ nữ trong đoàn xen lẫn những tiếc nấc nghẹn ngào, mồ hôi chảy tràn trên những khuôn mặt góc cạnh, sạm đen nắng gió của những người đàn ông trên boong. Chuyến ca-nô cuối cùng chở đoàn đại biểu thăm đảo rời Len Đao, các chiến sĩ hải quân sắp thành hàng dài trên cầu tàu, đứng nghiêm giơ tay chào mọi người, những cái vẫy tay đầy lưu luyến, những lời chào tạm biệt nghẹn ngào, và nước mắt, nước mắt lại tuôn rơi hòa nước biển.
Tôi nhìn thấy hôm nay, Tổ quốc tôi mang màu tím sẫm!
Tím màu nước biển ở độ sâu mấy nghìn mét, nơi xa xôi nhất của Tổ quốc thân yêu, là da thịt máu xương của con Lạc cháu Hồng.
Tím một màu nhớ thương quay quắt của mẹ già đứng sau bậu cửa chờ ngày con hoàn thành sứ mệnh với Tổ quốc để trở về.
Tím màu nhớ nhung của người con gái ngày ra đi khóc ướt đầm vai áo.
Tím màu khắc khoải của người vợ đang mong nhớ chờ trông, của tiếng ríu rít ngây thơ: Ba ơi, ba đi đâu lâu thế? Ba sắp về với con chưa?
Tím cả những ánh mắt đêm thâu đau đáu nỗi niềm về một phần biên cương Tổ quốc…
Đã được xem, nghe, đọc, kể rất nhiều, nhưng khi đặt chân lên mảnh đất xa xôi mà tràn đầy thương nhớ của Tổ quốc, tôi mới thấy thấm thía, cảm phục tầm nhìn xa dài rộng của cha ông, mới thấy khâm phục tự hào công sức khổ lao của tổ tiên đồng bào, mới thấy thêm trân trọng nâng niu cuộc sống yên bình thường nhật đến thế nào.
Đúng 9 giờ 30 phút tối ngày 21/5/2023, con tàu Trường Sa 571 thu neo từ từ rời cầu cảng đảo Trường Sa lớn, ra khơi để tiếp tục chặng cuối của cuộc hành trình. Như mỗi lần rời đảo khác, các chiến sĩ hải quân cùng nhân dân trên đảo đứng sát cầu tàu lưu luyến vẫy chào. Để không khí đỡ trầm lắng, và đúng khí chất sôi nổi của tuổi trẻ các anh lần lượt hát lên những bài quân ca hùng tráng, những bài hát ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi tình yêu và niềm tin chứa chan về những ngày mai tươi sáng, yên bình. Trong cuộc đời, ai cũng đã từng được khóc và phải khóc. Tiếng khóc và những giọt nước mắt tràn ứa tuôn trào từ niềm hạnh phúc hay nỗi đắng cay, từ niềm vui, mất mát hay nhớ thương... Tôi cũng vậy. Nhưng đêm nay, trên con tàu Trường Sa 571 chuẩn bị rời đảo Trường Sa, khi ánh sáng trên đảo quyện ánh trăng hạ tuần và những ánh sao đêm giữa trùng dương mênh mông chớp tắt phủ lên trời biển, nhắm đôi mắt mọng nước, phút chốc tôi nhìn thấy Tổ quốc một màu tím sẫm.
Trường Sa vì Tổ quốc!
Tổ quốc vì Trường Sa!
Trường Sa yêu Tổ quốc!
Tổ quốc yêu Trường Sa!
Cứ mỗi lời trên cầu cảng cất lên, lại một lời đáp từ tầu, rền vang, nghẹn ngào mà day dứt nhớ thương.
Có những tình yêu thương tha thiết nhưng bắt buộc phải dời đi.
Có những miền đất nhớ thương khắc khoải cồn cào, nhưng có lẽ chỉ được đến duy nhất một lần trong đời.
Là Trường Sa đó, yêu tha thiết nhưng đành phải chia xa…
Có lẽ chuyến hải trình này sẽ là lần đến Trường Sa duy nhất với chúng tôi, vì còn bao nhiêu đồng bào khắp Trung - Nam - Bắc suốt dải đất hình chữ S cũng đang khao khát một lần được may mắn đến nơi đây như chúng tôi tại phút giây này…
Con tàu rúc lên ba hồi còi chào đảo. Tôi thấy tai mình như ù đi, nghe đâu đây như vẳng tiếng Bà Triệu hào hùng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông Hải…”. Nghe đâu đây như tiếng sóng gầm thét, tiếng quân reo của những trận thủy chiến kinh thiên động địa từ Bạch Đằng giang, Hàm Tử quan đến Nhật Lệ; từ Rạch Gầm Xoài Mút đến Nhật Tảo… để bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ giang san kiêu dũng của cha ông từ hàng trăm năm trước vọng về.
Tôi thấy mắt mình nhòe dần, nhòe dần….
Tôi đã khóc cùng mọi người, những giọt nước mắt nóng hổi lại chảy tràn giữa nơi chốn thiêng liêng của Tổ quốc.
Tổ quốc của tôi, mấy ngàn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ, hôm nay có một màu tím nhớ thương chan chứa gụi gần mà thiêng liêng đến ngần nào…
Trường Sa thương nhớ của tôi ơi!
(Ghi nhanh trên đảo Trường Sa, đêm 21/5/2023)
--------
Phần 2 - Len Đao