Ủa. Dậy là sao ? Mấy cụ trên này vẫn rêu rao là cả thế giới chống lại Nga mà sao lại kéo đàn kéo lũ đến gặp anh Tin thế này.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS với sự tham gia của nhiều quốc gia là tín hiệu cho thấy ông Putin không hề đơn độc dù phương Tây muốn cô lập Nga.
vtcnews.vn
(VTC News) - Hội nghị thượng đỉnh BRICS với sự tham gia của nhiều quốc gia là tín hiệu cho thấy ông Putin không hề đơn độc dù phương Tây muốn cô lập Nga.
Gần ba năm sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine khiến Moskva nhận chỉ trích từ nhiều nước phương Tây, Tổng thống Vladimir Putin tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024 với hơn mười nhà lãnh đạo thế giới. Tín hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Nga rõ ràng không hề đơn độc, mà còn có một liên minh các quốc gia đang nổi lên ủng hộ ông.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự cuộc họp báo trước thềm BRICS tại Moskva, Nga ngày 18/10. (Ảnh: Reuters)
Hội nghị thượng đỉnh BRICS kéo dài 3 ngày bắt đầu từ 22/10 tại thành phố Kazan ở phía tây nam nước Nga, là cuộc họp đầu tiên của nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi kể từ khi mở rộng vào đầu năm nay để bao gồm Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ethiopia và Iran.
Các nhà lãnh đạo dự kiến tham dự hội nghị có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva dự kiến tham dự nhưng phải hủy chuyến đi sau khi bị thương ở quê nhà.
Được coi là cuộc gặp gỡ quốc tế lớn nhất mà Tổng thống Nga tổ chức từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, hội nghị thượng đỉnh BRICS tuần này làm nổi bật sự hội tụ ngày càng tăng của các quốc gia hy vọng thấy sự thay đổi trong cán cân quyền lực toàn cầu.
Trong bài phát biểu ngày 18/10, Tổng thống Nga Putin ca ngợi sức mạnh kinh tế và chính trị ngày càng tăng của các nước BRICS là "sự thật không thể phủ nhận", cho biết nếu BRICS và các nước quan tâm hợp tác với nhau, họ "sẽ là yếu tố quan trọng của trật tự thế giới mới". Ông Putin cũng phủ nhận nhóm này là "liên minh chống phương Tây".
Thông điệp của ông Putin tuần này có thể càng sâu sắc hơn khi hội nghị diễn ra chỉ 2 tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, nơi chiến thắng tiềm năng của cựu Tổng thống Donald Trump có thể khiến Mỹ thay đổi sự ủng hộ vững chắc đối với Ukraine và làm căng thẳng mối quan hệ của Washington với các đồng minh truyền thống.
“Hội nghị thượng đỉnh BRICS thực sự là món quà (cho ông Putin)”, Alex Gabuev, giám đốc Trung tâm Carnegie Russia Eurasia tại Berlin, cho biết.
“Thông điệp rõ ràng là làm sao bạn có thể nói về sự cô lập toàn cầu với Nga khi nhiều nhà lãnh đạo đang đến Kazan”.
Gabuev cho biết Nga muốn mô tả BRICS
“là mũi nhọn, là tổ chức mới với tư cách là một cộng đồng toàn cầu dẫn dắt tất cả hướng tới trật tự công bằng hơn”.
Nhưng bất chấp những lời lẽ hùng hồn của Nga, các nhà lãnh đạo họp tại Kazan có nhiều quan điểm và mối quan tâm khác nhau. Đây là thực tế của BRICS mà các nhà quan sát cho rằng hạn chế khả năng truyền tải một thông điệp thống nhất của họ, đặc biệt là thông điệp mà Tổng thống Nga Putin mong muốn.
Khủng hoảng toàn cầu
Năm nay, Tổng thống Nga là người chủ trì hội nghị thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi BRICS tăng gần gấp đôi quy mô, đồng thời diễn ra trong bối cảnh thế giới căng thẳng hơn vì các cuộc xung đột.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trực tuyến trong hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023 tại Johannesburg, Nam Phi. (Ảnh: Getty Images)
BRICS chủ yếu hướng đến hợp tác kinh tế nhưng cuộc họp năm ngoái của khối diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine. Năm nay, cuộc chiến đó vẫn đang diễn ra và thêm cuộc xung đột đang lan rộng ở Trung Đông, những điểm nóng này đều có thể là chủ đề trong cuộc trò chuyện của các nhà lãnh đạo.
Tuần trước, ông Putin xác nhận nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas sẽ tham dự sự kiện. Các nhà quan sát cho rằng, Tổng thống Nga và các quan chức của ông có thể dựa cuộc xung đột ở Trung Đông và sự tức giận trên toàn nam bán cầu đối với Mỹ cũng như sự ủng hộ của Washington với Israel, để thúc đẩy lập luận của ông Putin về một trật tự thế giới mới mà không có Mỹ lãnh đạo.
Trung Quốc và Nga đều kêu gọi ngừng bắn trong cuộc xung đột đang leo thang và chỉ trích hành động của Israel, trong khi Mỹ ủng hộ quyền của Israel trong việc đáp trả các nhóm chiến binh Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon.
Các nhà quan sát cũng sẽ theo dõi liệu Trung Quốc và Brazil có tận dụng cuộc họp này như một diễn đàn để đưa ra đề xuất hòa bình "sáu điểm" về cuộc chiến ở Ukraine hay không, như cách họ làm tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng trước. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích đề xuất này, nói rằng những kế hoạch như vậy sẽ giúp ích cho Moskva.
Ngoài ra, cuộc họp ở Kazan cũng mang đến cho Tổng thống Nga Putin nhiều cơ hội gặp mặt trực tiếp các nhà lãnh đạo BRICS khác và các đối tác thân thiện khác tham dự.
Việc gia nhập BRICS gần đây đưa Iran và Nga - hai đối tác thân cận - xích gần nhau hơn.
CNN đưa tin Iran cung cấp cho Nga hàng trăm máy bay không người lái, cũng như tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Iran phủ nhận sự việc.
Trung Quốc cũng bị Mỹ và các đồng minh cáo buộc hỗ trợ năng lượng cho "nỗ lực chiến tranh" của Nga thông qua việc cung cấp các mặt hàng lưỡng dụng như máy công cụ và vi điện tử. Bắc Kinh cũng phủ nhận, đồng thời bảo vệ “thương mại bình thường” với Nga và khẳng định “trung lập” trong chiến tranh.
Hội nghị tuần này, các nhà lãnh đạo dự kiến thảo luận về nỗ lực giải quyết các khoản thanh toán bên ngoài hệ thống được định giá bằng USD, thông qua việc cách sử dụng các loại tiền tệ và mạng lưới ngân hàng BRICS, một hệ thống có thể mang lại lợi ích kinh tế, nhưng cũng giúp các quốc gia thành viên như Nga tránh được các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Các quốc gia cũng có thể tìm cách thúc đẩy hợp tác kinh tế, công nghệ và tài chính trên nhiều lĩnh vực từ năng lượng đến chia sẻ dữ liệu vệ tinh. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng có thể xuất hiện khúc mắc và chương trình nghị sự khác nhau giữa các quốc gia trong nhóm. Điều này sẽ hạn chế mục tiêu mà BRICS có thể đạt được.
Ví dụ, Ấn Độ và Trung Quốc xung đột biên giới âm ỉ từ lâu, nhưng lại tạo nên hai trụ cột chính của BRICS. Sự chia rẽ của hai nước nổi bật hơn trong những năm gần đây khi Trung Quốc - Mỹ ngày càng căng thẳng, trong khi Ấn Độ và Mỹ trở thành đối tác gần gũi hơn.
Khi BRICS tiếp tục mở rộng, điện Kremlin cho biết có hơn 30 quốc gia nữa quan tâm đến việc gia nhập hoặc hợp tác với khối này, các nhà quan sát nhận định những đường đứt gãy địa chính trị có thể sâu sắc hơn và làm phức tạp thêm bản sắc cũng như định hướng của BRICS.
Hoa Vũ(Nguồn: CNN)