Vai trò chiến lược của Biển Đen
Thứ Hai, 01/04/2024, 10:18
Biển Đen là lối ra phía Tây Nam của Nga với thế giới, qua đó Nga có thể tiến vào Biển Địa Trung Hải và sau đó dẫn tới các đại dương trên thế giới. Biển Đen nối liền Nga với khu vực Đông Âu và Trung Đông, lộ trình từ Nga đến Trung Đông và Bắc Phi nếu thông qua Biển Đen và Địa Trung Hải chính là lộ trình ngắn nhất.
Vị trí địa chiến lược
Biển Đen nằm ở phía Đông Nam lục địa Á - Âu, có diện tích khoảng 424.000 km2 và tổng chiều dài bờ biển là 3.400 km. Có 6 quốc gia giáp Biển Đen: bờ biển phía Bắc và Đông Bắc là Ukraine và Nga, bờ biển phía Đông là Gruzia, bờ biển phía Nam là Thổ Nhĩ Kỳ, bờ biển phía Tây là Bulgaria và Romania. Biển Đen nối liền với Đông Âu, Trung Á, Kavkaz và Địa Trung Hải; lưu vực Biển Đen, khu vực Kavkaz và Balkan cũng là nơi giao thoa của nhiều nền văn minh, với đặc điểm khu vực là đa dạng văn hóa, đa dạng tôn giáo và nhiều thực thể kinh tế. Hiện nay, trong bối cảnh tình hình giữa Nga và Ukraine tiếp tục nóng lên, khu vực Biển Đen một lần nữa trở thành tâm điểm.
Tàu chiến Nga neo đậu tại quân cảng Sevastopol.
Hệ thống sông nội địa chảy ra Biển Azov là huyết mạch giao thông kết nối miền Tây và miền Nam nước Nga, đồng thời cũng là kênh giao thông chiến lược nối với Biển Đen. Biển Đen cũng là huyết mạch của nền kinh tế Nga, luôn là một trong những kênh giao thông chính trong xuất khẩu dầu mỏ, nông sản và trang thiết bị vũ khí sang Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ Latinh, chiếm 30% hoạt động vận chuyển đường biển của Nga.
Trong bối cảnh Nga bị phương Tây trừng phạt, từ tháng 1 đến tháng 9/2022, lượng hàng hóa của Nga vận chuyển qua đường Biển Đen vẫn đạt 191 triệu tấn, tương đương mức trước khủng hoảng Ukraine, năm 2021. Về mặt năng lượng, các đường ống khí đốt tự nhiên Dòng chảy Xanh (Blue Stream) và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Stream) của Nga đi qua Biển Đen để đến Thổ Nhĩ Kỳ, vận chuyển khí đốt đến Đông Nam Âu và Trung Âu, công suất chuyển tải khí đốt hằng năm đạt 47,5 tỷ m3, tức là gần 1/4 trong tổng lượng xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga.
Liên Xô tan rã đã làm suy yếu nghiêm trọng sức mạnh của Nga ở Biển Đen. Sau khi Ukraine tách khỏi liên bang, Nga mất căn cứ hải quân Sevastopol và phải thuê lại của Ukraine. Hai nước đã đạt được thỏa thuận vào năm 1995 về việc phân chia Hạm đội Biển Đen. Nga sở hữu 81,7% số tàu của hạm đội, phần còn lại thuộc về Ukraine. Năm 1997, Nga và Ukraine ký thỏa thuận cho Nga thuê cảng Sevastopol trong thời hạn 20 năm. Sau khi “cách mạng màu” xảy ra ở Ukraine năm 2014, nước này đã nhiều lần từ chối ký thỏa thuận gia hạn hợp đồng cho thuê căn cứ. Khi đó, Mỹ và Anh đi đầu trong việc thâm nhập khu vực Biển Đen, với ý đồ tranh giành tài nguyên thiên nhiên trong khu vực và kiểm soát chuỗi cung ứng năng lượng của Nga ở đây, nhằm cắt đứt tuyến giao thông của Nga tới Địa Trung Hải thông qua Biển Đen.
Bất chấp việc Nga nỗ lực khôi phục vị thế ở Biển Đen, từ đầu thế kỷ, các lực lượng phương Tây bắt đầu đẩy mạnh việc khai phá bờ Tây Biển Đen. Bulgaria và Romania gia nhập NATO vào năm 2004, sau đó Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO năm 1991, 3 trong số 6 quốc gia ven biển trở thành thành viên NATO. Giai đoạn 2003-2005, “các cuộc cách mạng màu” đã nổ ra ở Ukraine - bờ Bắc và Gruzia - bờ Đông. Tháng 4/2008, Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest đề xuất kết nạp Gruzia và Ukraine làm thành viên nhưng do sự can thiệp mạnh mẽ của Nga nên đề xuất này không được thông qua. 4 tháng sau, xung đột nổ ra giữa Gruzia và Nam Ossetia, dẫn đến “Chiến tranh 5 ngày” Nga - Gruzia. Tháng 3/2014, Crimea sáp nhập vào Nga, từ đó Nga giành được quyền kiểm soát eo biển Kerch nối Biển Azov với Biển Đen.
Mỹ vẫn đang tìm kiếm cơ hội thiết lập chỗ đứng lâu dài ở khu vực Biển Đen. Theo “Dự luật An ninh Biển Đen” được Quốc hội Mỹ thông qua tháng 12/2022, Chính phủ Mỹ có kế hoạch thành lập một căn cứ quân sự ở Romania để triển khai lực lượng hải quân và không quân. Dự luật nhấn mạnh Mỹ và NATO phải duy trì “lực lượng hải quân luân phiên ổn định” ở khu vực Biển Đen. Trước những hạn chế của Công ước Montreux đối với tàu chiến nước ngoài khu vực tiến vào Biển Đen, Mỹ đã có ý định để các tàu chiến Mỹ treo cờ Romania. Tháng 11/2023, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến trọng tâm địa chính trị toàn cầu chuyển sang Biển Đen và NATO phải mở rộng hiện diện quân sự ở Biển Đen.
Thổ Nhĩ Kỳ đóng một vai trò quan trọng ở Biển Đen. Trong lịch sử, nước Nga Sa hoàng và Đế quốc Ottoman đã xảy ra hơn 10 cuộc chiến trong hơn 240 năm. Sau cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trở nên mong manh.
Tháng 9/2015, việc Nga điều quân tới Syria đã dẫn đến xung đột giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 11 cùng năm, một máy bay chiến đấu SU-24 của Nga bị tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. Từ năm 2018 đến 2020, Thổ Nhĩ Kỳ đã bán cho Ukraine gần 100 máy bay không người lái Bayraktar TB2. Tháng 2/2022, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine đã ký thỏa thuận cho phép Ukraine lắp ráp loại máy bay không người lái này trong nước. Về phần mình, Nga nỗ lực duy trì quan hệ hữu nghị với Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy sự trung lập của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc khủng hoảng Ukraine, sử dụng Công ước Montreux để ngăn chặn tàu chiến NATO tiến vào Biển Đen. Eo biển Dardanelles và eo biển Bosphorus lần lượt nối liền Địa Trung Hải, Biển Marmara và Biển Đen từ Tây sang Đông.
Theo Công ước Montreux được ký kết tại Thụy Sĩ năm 1936 giữa Anh, Pháp, Hy Lạp và Liên Xô với Thổ Nhĩ Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền kiểm soát 2 eo biển này và có quyền hạn chế việc đi lại của tàu chiến trong chiến tranh hoặc khi bị đe dọa. Kể từ năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối hoặc hoãn một số cuộc tập trận quân sự do các nước NATO lên kế hoạch ở Biển Đen. Cuối năm 2023, Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn từ eo biển Bosphorus 2 tàu quét mìn mà Anh dự định chuyển giao cho Ukraine.
“Vùng trũng” khí tài quân sự
Nga đã mở hành lang đất liền từ Biển Azov đến bờ biển phía Bắc Biển Đen. Tuy nhiên, khả năng kiểm soát phía Bắc Biển Đen của Nga đang suy giảm. Nga đã triển khai một nhóm quân quanh Crimea. Mạng lưới hỏa lực trên bộ, trên biển và trên không hùng mạnh đã được hình thành xung quanh Crimea.
Lính biên phòng Ukraine tuần tra trên bờ biển Odessa.
Vũ khí trên biển bao gồm tên lửa hành trình có tầm bắn 1.500 km; thiết bị chiến đấu trên bộ bao gồm xe tăng T-80 tiên tiến, bệ phóng tên lửa Tornado cải tiến và hệ thống tên lửa chống tăng “hoa cúc vàng” Khrizantema-S; vũ khí phòng không được trang bị hệ thống tên lửa tầm ngắn và tầm trung như Pantsir, Buk-M3, C-300 và C-400; máy bay chiến đấu bao gồm máy bay tiêm kích SU-27CM3, SU-30M2 và máy bay ném bom SU-34, cũng như các máy bay trực thăng mới Ka-52, Mi-35M và Mi-28H. Tuy nhiên, lợi thế mạnh mẽ như vậy không ngăn được Nga hứng chịu hàng loạt tổn thất.
Kể từ tháng 4/2022, tổng cộng 15 tàu mặt nước của hải quân Nga bị Ukraine đánh chìm hoặc làm hư hại, 2 tàu ngầm bị hư hỏng nặng trong xưởng sửa chữa, cầu Crimea bị ném bom 2 lần, trụ sở Hạm đội Biển Đen bị tấn công, bên ngoài cảng Sevastopol bị thủy lôi phong tỏa... Do thiếu tàu mặt nước có khả năng chiến đấu, Hạm đội Biển Đen của Nga không còn khả năng phong tỏa vùng biển phía Bắc và các kênh vận chuyển ngũ cốc của Ukraine. Tháng 1/2024, máy bay cảnh báo sớm A-50U và máy bay chỉ huy trên không Ilyushin Il-22 của Nga bị tấn công ở Biển Azov, cho thấy Biển Azov cũng là khu vực có thể bị tấn công.
Nga hiện đang tạo ra một khu vực kiểm soát mới ở phía Đông Bắc Biển Đen. Nhìn bề ngoài, Hạm đội Biển Đen của Nga đang di chuyển về phía Đông Bắc Biển Đen, nhưng thực tế họ đang triển khai bố cục mới với 2 mục đích. Một là, phân tán lực lượng của hạm đội để tránh các cuộc tấn công tập trung. Các tàu mặt nước và tàu ngầm sẽ được sơ tán đến căn cứ Novorossiysk, nơi được nâng cấp thành cảng quân sự loại 1. Hai là thành lập một căn cứ hải quân mới tại Vịnh Ochamchira ở Abkhazia. Abkhazia là khu vực ly khai của Gruzia, chưa được Gruzia và cộng đồng quốc tế công nhận. Sau khi hoàn thành, căn cứ mới sẽ giúp mở rộng khu vực tác chiến của hải quân Nga về phía Đông Nam hơn 480 km, hình thành khu vực kiểm soát trên biển mới. Vịnh Ochamchila tiếp giáp với Gruzia và cách thành phố Trabzon của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ 287 km.
Biến số
Thành phố Kherson của Ukraine đã trở thành một trong những bàn đạp chính để Ukraine nhắm vào Crimea. Odessa cũng là đại bản doanh của hải quân Ukraine, nơi đây đã triển khai tên lửa chống hạm Neptune với tầm bắn 300 km, thành lập thủy quân lục chiến - Trung tâm Huấn luyện tác chiến đặc biệt và Trung tâm Chỉ huy tàu không người lái, đồng thời lưu trữ số lượng lớn tàu không người lái.
Bắt đầu từ việc Nga rút quân khỏi đảo Rắn vào tháng 6/2022, Ukraine đã dần giành được thế chủ động ở vùng biển phía Bắc và Tây Bắc Biển Đen, đồng thời phát triển về vùng biển phía Nam và phía Đông Crimea. Hiện tại, Hạm đội Biển Đen của Nga đã mất hơn 30% số tàu chiến mặt nước cỡ lớn và hơn 40% tàu đổ bộ cỡ lớn, không thể thực hiện hoạt động đổ bộ quy mô lớn.
Hạm đội Biển Đen của Nga đã bước vào thời kỳ thoái trào và quá trình bổ sung tàu mới sẽ còn rất lâu. Theo thông tin công khai, Hạm đội Biển Đen có khoảng 90 tàu, trong đó có 54 tàu chiến và 36 tàu phụ trợ. Sau khi Liên Xô tan rã, Hạm đội Biển Đen trở thành hạm đội yếu nhất trong 4 hạm đội lớn của hải quân Nga. Số tàu được đưa vào hoạt động sau năm 2000 chỉ chiếm 48%, 52% còn lại là tàu từ những năm 1960-1990.
Tuổi tàu trung bình trên 32 năm, tuổi tàu cũ nhất là 57 năm. Tàu mặt nước lớn nhất hiện tại là tàu hộ tống thuộc Project 11356 có trọng tải 3.800 tấn và cũng chỉ có 2 chiếc. Thiết kế nhiều tàu mới của Nga cũng có vấn đề, trong số đó, tàu tuần tra 22160 không có vũ khí chống ngầm cũng như không có vũ khí phòng không. Trong khi đó, trên bán đảo Crimea và dọc Biển Azov không có công ty đóng tàu quy mô lớn nào, các tuyến đường thủy nội địa không đáp ứng điều kiện tiếp nhận các tàu chiến cỡ lớn, các tàu chiến lớn chỉ có thể vào Biển Đen thông qua đường Địa Trung Hải. Năm 2023, Hạm đội Biển Đen chỉ nhận được 1 tàu tên lửa.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại được đánh giá là biến số không thể biết trước và định hướng chính sách của nước này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình ở khu vực Biển Đen. Thổ Nhĩ Kỳ chọn thái độ trung lập trong cuộc khủng hoảng Ukraine, thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, đồng thời đi đầu trong việc thực hiện thỏa thuận của Liên hợp quốc về vận chuyển ngũ cốc Biển Đen. Thổ Nhĩ Kỳ không những không cùng phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga mà còn giúp Nga vận chuyển dầu và khí đốt tự nhiên, đồng thời lợi dụng mậu dịch chuyển khẩu (mậu dịch trung chuyển qua nước thứ ba) để cung cấp cho Nga các linh kiện điện tử quan trọng.
Tuy nhiên, ngoài việc mới đây chấp thuận cho Thụy Điển gia nhập NATO và được Mỹ bán chiến cơ F-16 thì việc Thổ Nhĩ Kỳ đang xây dựng kênh đào Istanbul nối liền Biển Đen và Biển Marmara nhằm giảm bớt áp lực vận chuyển cho eo biển Bosphorus cũng là một động thái tiềm ẩn. Kênh đào này chính thức được khởi công xây dựng vào tháng 6/2021, có tổng chiều dài 45 km, chiều rộng 150 m, sâu 25 m, tàu sân bay và tàu vận tải lớn đều có thể đi lại.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã xác nhận rằng kênh đào này sẽ không tuân theo Công ước Montreux. Hai động thái này cho thấy, một khi Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi đường lối trung dung thì tình hình khu vực Biển Đen chắc chắn sẽ trở nên mất cân bằng. Ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ chỉ theo đuổi lợi ích kinh tế thì nước này cũng có thể buông lỏng kiểm soát các tàu chiến NATO đi qua Biển Đen và Biển Đen có thể trở thành một Biển Baltic khác.
Biển Đen là lối ra phía Tây Nam của Nga với thế giới, qua đó Nga có thể tiến vào Biển Địa Trung Hải và sau đó dẫn tới các đại dương trên thế giới. Biển Đen nối liền Nga với khu vực Đông Âu và Trung Đông, lộ trình từ Nga đến Trung Đông và Bắc Phi nếu thông qua Biển Đen và Địa Trung Hải chính là...
antg.cand.com.vn