Cuộc đối đầu vũ khí bộ binh giữa Nga và phương Tây ở Ukraine
7:52 PM, 20/05/2024, Views: 20664 | By Nhân Vũ
VietnamDefence - Ukraine được gọi là bãi thử, nơi vũ khí trang bị của Nga và NATO gặp nhau trong thực chiến. Đây là cuộc đua không chỉ của pháo binh và các hệ thống tên lửa - những trận đánh tàn khốc trong đô thị đòi hỏi phải sử dụng tích cực vũ khí bộ binh. Cả hai bên đều sử dụng các kho dự trữ vũ khí Liên Xô, những sản phẩm mới, còn Ukraine còn sử dụng them cả các mẫu vũ khí bộ binh tiên tiến của phương Tây (Mỹ, Czech, Ba Lan). Ta sẽ so sánh các hệ thống vũ khí bộ binh của Nga và NATO và nhìn ra hướng phát triển của vũ khí bộ binh hiện đại.
Không chỉ có súng AK
Không thể thắng một cuộc chiến trong thế kỷ XXI bằng súng trường và tiểu liên - điều đó giờ đây hầu như không cần chứng minh. Trong các cuộc chiến tranh hiện đại, 80% bộ binh chết vì mảnh đạn pháo và mìn, và chỉ 20% - vì “tất cả những thứ khác, bao đồm cả đạn súng bộ binh”, số liệu trên được chuyên gia quân sự, Tổng biên tập tạp chí Arsenal otehestva (Nga) Viktor Murakhovsky đưa ra.
Cuộc xung đột ở Ukraine cũng không ngoại lệ theo nghĩa này: những cánh đồng nham nhở những hố đạn pháo và những đống đổ nát của các tòa nhà cho thấy, các bên đối địch đang trút hàng nghìn tấn đạn pháo vào nhau và phóng hàng trăm tên lửa xuống đầu nhau. Ngay cả ở cấp thấp, các phương tiện mà mới chỉ gần đây có vẻ kỳ quái về mặt kỹ thuật cũng đã được sử dụng: đó là các máy bay không người lái nhỏ gọn (thường là tự chế thủ công) oanh kích các trận địa của đối phương và săn lùng từng người lính đơn lẻ. Vậy, chỗ cho súng máy và tiểu liên là ở đâu?
Tuy nhiên, các bản tin quân sự cho thấy: các trận đánh càng ác liệt thì các bên càng buộc phải sử dụng vũ khí bộ binh thường xuyên hơn, đặc biệt là khi tác chiến trong đô thị. Theo chuyên gia Murakhovsky, ở địa hình đô thị, bộ binh giống như cá gặp nước, và phương tiện chiến đấu tốt nhất với bộ binh địch chính là “bộ binh của ta được trang bị và huấn luyện chất lượng cao”. Suy cho cùng, chỉ những người lính với vũ khí bộ binh mới có thể quét sạch kẻ thù khỏi địa hình và kiểm soát nó.
Điều dễ hiểu là loại vũ khí bộ binh cá nhân phổ biến nhất ở hai phía mặt trận là súng trường tấn công Kalashnikov (AK). Phía Ukraine chủ yếu sử dụng AK-74 cỡ 5,45 mm. Quân đội Nga, các đơn vị của “CHND Lugansk” (LPR) và “CHND Donetsk” (DPR) được trang bị AK-74 cộng với AK-74M cải tiến với báng gấp và thanh ray ở bên má súng để gắn các kính ngắm bổ sung, cũng như súng mới AK-12.
|
Một lính Mỹ với súng carbine M4 lắp ống ngắm Aimpoint CompM2. Quân đội Ukraine sử dụng súng carbine M4 của Mỹ và súng trường tấn công Bren2 của Czech. |
Trong số các mẫu vũ khí nước ngoài, quân đội Ukraine sử dụng các loại súng dựa trên mẫu AR15/M16. Đó là súng carbine M4 của Mỹ, súng trường Ukrop UAR10 và UAR15 (cỡ nòng lần lượt là 7,62 và 5,56 mm) được sản xuất bởi một công ty con của công ty Zbroyar của Ukraine và nhiều mẫu súng thương mại khác. Trong một đoạn video của Nga ghi hình vũ khí chiến lợi phẩm xuất hiện một khẩu súng trường cao cấp của công ty Daniel Defense của Israel. Ngoài ra, các toán biệt kích của quân đội Ukraine, lực lượng đặc nhiệm và lính đánh thuê Đông Âu còn sử dụng súng trường tấn công Bren2 của Czech và MSBS Grot của Ba Lan. Cả hai đều có cấu tạo và thiết kế rất giống súng trường FN SCAR của Bỉ.
Kính ngắm chuẩn trực hoạt động như thế nào?
Các bộ phận chính của kính ngắm chuẩn trực là nguồn bức xạ laser và một thấu kính mờ mà tia laser chiếu vào. Nhìn vào kính ngắm, ta nhìn thấy một điểm sáng (chấm sáng, đốm sáng), đó là phản xạ của tia laser từ thấu kính. Kính ngắm chuẩn trực không phóng to mục tiêu, nhưng cho phép ta ngắm bắn nhanh hơn: ta không cần đặt trùng khe ngắm vào đầu ruồi mà chỉ cần đơng giản là hướng chấm đỏ vào mục tiêu.
Các kính ngắm chuẩn trực chất lượng cao được chế tạo sao cho vị trí của mắt xạ thủ so với kính ngắm không dẫn đến sự dịch chuyển của điểm ngắm. Nhược điểm của kính ngắm chuẩn trực là không thích hợp với tất cả mọi người: những người có thị lực kém (hoặc khiếm thị) có thể nhìn thấy một vết đỏ, một quả dưa chuột thon dài hoặc vệt sáng có đuôi thay vì chấm đỏ.
Hãy giữ im lặng
Ông Ivan Languyev, một chuyên gia vũ khí bộ binh và lãnh đạo ban trọng tài của Liên đoàn Bắn súng tầm xa Nga đánh giá, súng trường tấn công AK-74M là vũ khí tối ưu cho một người lính bình thường. AK-74M tin cậy, đơn giản, có báng gấp và có thể được trang bị kính ngắm chuẩn trực. Điều này là khá đủ cho trận đánh binh chủng hợp thành.
Thực tiễn đã cho thấy rằng, phần lớn các giải pháp “độ súng” thương mại và thể thao được phát triển cho súng AK đều vô nghĩa trong tình huống chiến đấu. Nhiều thành phần của bộ trang bị chiến thuật như báng có thể điều chỉnh, ốp tay có lắp ray Picatinny cho đèn pin và thiết bị chỉ thị mục tiêu, bang phụ phía trước rất hữu ích cho lính đặc nhiệm, nhưng đối với lính bộ binh thường, chúng chỉ là gánh nặng. Một người tham gia chiến đấu chia sẻ kinh nghiệm: “Khi bạn bị ngập bùn đến tai trong chiến hào dưới làn hỏa lực pháo binh, thì nửa ki-lô-gam báng phụ phía trước trên tiểu liên chính là nửa ki-lô-gam trọng lượng không cần thiết”.
Quả thực là có hai bộ phận để “độ” súng tiểu liên mà tính hữu ích của chúng là không thể phủ nhận là các giá đỡ cho kính chuẩn trực/kính ngắm quang và cái gọi là “lon”, cách gọi thông tục của bộ bù giật đầu nòng kiểu kín, chúng cũng chính là bộ giảm thanh chiến thuật, bộ điều âm, bộ triệt lửa đầu nòng, v.v.
Xin lưu ý là thuật ngữ “bộ giảm thanh” ở đây chỉ có tính quy ước. Nhiệm vụ chính của “lon” là loại bỏ chớp lửa và bụi hoặc mây tuyết hình thành khi bắn ở tư thế nằm, làm lộ vị trí xạ thủ. Ngoài ra, “lon” cho phép giảm đôi chút và quan trọng nhất là “làm nhòe” âm thanh của một phát súng - kẻ địch sẽ nghe thấy tiếng bốp, nhưng không hiểu hỏa lực bắn ra chính xác từ đâu. “Lợi ích là không làm ù tai bản thân và đồng đội, còn ở khoảng cách tác chiến bằng súng bộ binh, sẽ nghe thấy rằng, có ai đó đang bắn ở đâu đó, nhưng không rõ ai và ở đâu”, một người sử dụng vũ khí có thiết bị tương tự giải thích. Theo người này, ngay cả những chiếc “lon” nhỏ và đơn giản nhất như một bộ triệt chớp lửa đầu nòng hầu như cũng loại bỏ được chớp lửa, còn tiếng súng thì chỉ có người ở hướng đạn bắn đến mới nghe thấy.
Nhờ các nhà sản xuất tư nhân chuyên “độ súng” mà thị trường Nga hiện nay có một số lượng lớn các bộ triệt chớp lửa đầu nòng, điều âm… đủ kích cỡ và đặc tính. Chính những sản phẩm thương mại này sẽ lọt vào khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt theo những con đường khác nhau. Theo bảng giá của các cửa hàng trực tuyến, một bộ triệt chớp lửa đầu nòng đơn giản có giá 5-6 nghìn rúp, một chiếc “lon” ngon được chế tạo theo kiểu bộ tiêu âm có giá từ 20 nghìn đến 50 nghìn rúp.
Nhìn thấy trước khi bắn
Một xu hướng khác trong các cuộc xung đột quân sự của thế kỷ XXI là sự áp dụng rộng rãi máy ngắm chuẩn trực hoặc máy ngắm quang học. Máy ngắm chuẩn trực hoặc máy kính quang học độ khuếch đại nhỏ trên súng trường tấn công không còn là điều gì xa lạ hay bất chợt nữa mà đã trở thành tiêu chuẩn. Một người lính với máy ngắm hiện đại sẽ có được lợi thế không thể tranh cãi so với người không có máy ngắm đó.
Các thiết bị ngắm phổ biến nhất trong khu vực Chiến dịch quân sự đặc biệt là máy ngắm chuẩn trực vì chúng tương đối rẻ, trọng lượng nhẹ và một số mẫu có thể hoạt động trong nhiều năm chỉ với một viên pin. “Máy ngắm chuẩn trực sẽ cộng thêm một giờ vào buổi sáng và một giờ vào buổi tối vào thời gian ta có thể bắn hiệu quả, - một người tham gia Chiến dịch quân sự đặc biệt chia xẻ thông tin này. - Vào lúc chạng vạng, với máy ngắm cơ khí, ta sẽ chỉ bắn vào những tia chớp lửa, ở đâu đó về hướng đó; ở đó, người ta buộc một sợi dây thun [màu trắng] lấy từ quần lót giữa đầu ruồi và thước ngắm, để trong bóng tối, họ có thể ngắm bắ dọc theo sợi dây thun này”.
Đáng chú ý là bộ trang bị chiến đấu cá nhân Ratnik của Nga bao gồm hệ thống quan sát-ngắm bắn 1PN137 gồm kính ngắm chuẩn trực và kính khuếch đại kiểu gấp có độ phóng đại 3 lần. Trong mấy năm, các thiết bị này thường xuyên thu hút sự chú ý tại các cuộc duyệt binh và triển lãm, nhưng trong khu vực Chiến dịch quân sự đặc biệt chủ yếu sử dụng các thiết bị ngắm Aimpoint của Thụy Điển, EOTech của Mỹ và Holosun rất phổ biến của Trung Quốc vốn giống như Aimpoint, nhưng giá chỉ bằng một nửa.
Kính ngắm thì tốt, nhưng cần phải lắp nó lên một cái gì đó. AK-74M có ray bên - đây không phải là giải pháp tốt nhất, nhưng khá phù hợp với một lính bộ binh bình thường. Nhưng AK-74 thì hoàn toàn không phù hợp với giải pháp này, và ở đây, những cải tiến độc lập xuất hiện để giải cứu. Phương án tin cậy nhất là giá đỡ có ray Picatinny được lắp ở vị trí của khe ngắm tiêu chuẩn vì bệ khe ngắm là một trong những chi tiết cứng nhất của súng AK. Đúng là trong trường hợp này, xạ thủ bị mất đi cơ cấu ngắm cơ khí. Ngoài ra, còn có các ống dẫn khí và lớp lót với ray Picatinny được lắp cứng, còn trên những khẩu súng trường tấn công Ukraine chiến lợi phẩm còn gặp những giá đỡ bên hông được bắt vít giống trên AK-74M.
Các mẫu súng trường tấn công NATO như dòng AR, Bren hoặc Grot thì không gặp vấn đề gì với việc lắp kính ngắm quang học. Tất cả chúng đều có thiết kế kiểu bẻ gập (hộp khóa nòng ở phía trên, cơ cấu cò ở phía dưới) và tất cả đều có ray Picatinny trên hộp khóa nòng. Nó cho phép lắp nhiều loại máy ngắm và hệ thống ngắm. Nga chỉ có súng AK-12 là có ray phía trên tương tự như vậy - ray nằm trên nắp hộp khoá nòng được cố định chắc chắn và đây là điểm nổi bật của loại súng trường tấn công mới của Nga.
Những bí mật của tính mô-đun
Xu hướng quan trọng nhất trong phát triển vũ khí bộ binh hiện đại cùng với các thiết bị ngắm là tính mô-đun - khả năng thay thế dễ dàng các bộ phận chính. Đa số các hệ thống vũ khí bộ binh hiện đại của phương Tây đều có các nòng có độ dài khác nhau dễ tháo lắp và các khối cơ cấu cò riêng biệt. Điều này không có nghĩa là người lính sẽ thay nòng súng trên chiến trường, chỉ là việc sản xuất súng trở nên linh hoạt hơn và bản thân súng cũng trở nên dễ sửa chữa hơn.
Nòng súng hoặc hộp khóa nòng bị hỏng ở súng trường tấn công AK có nghĩa là khẩu súng hết đời, còn trên súng Bren của Czech, M4 của Mỹ hoặc SCAR của Bỉ, bộ phận đó có thể dễ dàng thay thế. Hệ thống súng mô-đun còn dễ áp dụng vật liệu mới hơn như nhôm, nhựa. Các bộ phận chịu tải lớn nhất có thể được làm bằng thép hoặc nhôm, còn cơ cấu có không chịu tải có thể được làm bằng nhựa.
AK và các đối thủ
“Không có sự khác biệt cơ bản nào cho dù bạn đang chiến đấu chống súng AK hay chống họ súng AR. Các loại đạn 5,56 mm và 5,45 mm thuộc cùng một hạng, sự khác biệt giữa chúng rất nhỏ nên không ai cảm nhận được”, một chuyên gia về vũ khí nhỏ cho biết. “Xét về độ nhạy cảm với ô nhiễm và độ tin cậy, các hệ súng AR hiện đại khác rất ít so với AKh: cả hai đều yêu cầu mức độ chăm sóc gần như nhau”.
Một đánh giá thú vị về các hệ súng nước ngoài đã được một huấn luyện viên về bảo dưỡng vũ khí của các nước NATO trong quân đội Ukraine đưa ra trên một kênh YouTube chuyên biệt. Theo anh ta, UAR của Ukraina đã cho thấy là súng trường tin cậy nhất trên nền tảng AR, còn M4 của hãng Colt hoạt động không đáng tin cậy, sợ nhiễm bẩn, yêu cầu cao về bảo trì, loại dầu bôi trơn, v.v.
Anh ta đánh giá cao nhất súng trường tấn công Bren của Czech - tính công thái học tốt, thiết kế tỷ mỷ, chất lượng sản xuất và các vật liệu được sử dụng đã được nêu ra. Không có thông tin về độ tin cậy hoạt động trong điều kiện chiến đấu. Chuyên gia này gọi súng Grot của Ba Lan là vũ khí tốt cho cảnh sát, nhưng không máy phù hợp với chiến tranh. Chỉ bị dây bẩn chút đất sét hoặc đất đen dẫn đến hóc súng khi bắn và nhiều bộ phận “bị rỉ sét với tốc độ thảm khốc”.
Theo Ivan Languev, hệ thống AK không hề thua kém các đối thủ nước ngoài, vấn đề chỉ nằm ở tính công thái học, sự tiện lợi và dễ dàng lắp đặt máy ngắm. Nhiều giải pháp độ súng cho phép đưa tính công thái học của AK lên mức hiện đại khi cần thiết. Bộ đồ độ súng thường được các binh sĩ các đơn vị đặc nhiệm sử dụng (báng có thể điều chỉnh, ốp lót tay súng bằng nhôm có ray, giá đỡ cho máy ngắm) trị giá khoảng 40-60 nghìn rúp, còn trọng lượng của súng AK đã lắp bộ đồ độ là khoảng 4,5 kg, trong khi súng M4 của Mỹ nặng khoảng 3 kg.
Súng máy: súng Nga tin cậy hơn, súng phương Tây chính xác hơn
Trong thế giới súng máy, súng máy đa năng Kalashnikov (PK/PKM) thậm chí còn nổi tiếng hơn AK trong thế giới súng trường tấn công. Trong nhiều thập kỷ, các nhà thiết kế phương Tây đã không thể chế tạo ra một hệ thống súng máy có độ tin cậy và hiệu quả tương tự. Trong cuộc xung đột Ukraine hiện nay, đối đầu với súng PK của Nga là hai mẫu súng máy phương Tây: súng máy đa năng M240, biến thể của FN MAG của Bỉ (cỡ nòng 7,62x51 mm, còn gọi là 7,62 NATO) và súng M249 SAW - biến thể súng FN Minimi của Mỹ bắn đạn xung thấp 5,56x54 mm.
|
Súng máy M240. Trong cuộc xung đột Ukraine, súng máy PK đang đối đầu với M240 (ảnh) và M249 SAW của phương Tây |
Xét về các tính năng cơ bản (độ tin cậy, tính cơ động), PK vượt trội so với các đối thủ. Các chuyên gia phương Tây cũng thừa nhận điều này. Trọng lượng súng máy PK của Nga lắp chân súng là 7,5 kg, trong khi súng trung liên hạng nhẹ M249 nặng 6,85 kg, còn súng máy đa năng thực sự M240 nặng hơn 12 kg! Súng M240 của Mỹ-Bỉ nhạy cảm với nhiễm bẩn hơn nhiều, yêu cầu bảo dưỡng rất cao (cần nhiều loại dầubôi trơn khác nhau cho các bộ phận khác nhau) và quan trọng là không thể bắn liên tục lâu như PK. Phía Ukraine đã có những tuyên bố khẳng định, vấn đề với súng M240 bắt đầu xảy ra sau loạt bắn dài 50 viên, còn nếu bắn nhanh 200 viên đạn, súng có thể bị kẹt.
Một chuyên gia vũ khí phương Tây gọi M240 là súng máy tối ưu để lắp trên xe bọc thép, nhưng lại không phù hợp lắm với chiến hào bẩn thỉu. Ông cho rằng, ưu điểm của M249 là có độ chính xác cao hơn: ở cự ly 600 m, M249 bắn trúng mục tiêu ngay từ phát đầu tiên, trong khi súng máy Nga chỉ có thể bắn chùm lên mục tiêu. Đó là vì súng máy của Mỹ được trang bị máy ngắm quang học, hơn nữa lại có chất lượng rất cao.
Quân đội Nga không có loại súng máy nào hoàn toàn tương đương Minimi/M249. Thực chất súng trung liên RPK-74 của Liên Xô/Nga là một súng trường tấn công có hộp khóa nòng được gia cường, nòng nặng và dài hơn.
Tính năng quan trọng nhất của súng máy là khả năng bắn dày đặc. Vì vậy, gần như tất cả súng máy đều bắn từ tư thế khóa nòng hở, tức là khi nhả cò, khóa nòng bị kéo về phía sau, không có đạn trong buồng đạn. Điều này giúp làm mát nòng súng và loại bỏ tình trạng cướp cò ngẫu nhiên có thể xảy ra do đạn nằm trong buồng đạn quá nóng. Súng trung liên RPK-74 bắn từ tư thế khóa nòng đóng giống như súng trường tấn công đơn thuần nên không thể bắn dày đặc như Minimi.
Tuy nhiên, câu hỏi về sự cần thiết của súng máy thực sự cỡ nòng 5,45 mm trong quân đội vẫn còn gây tranh cãi. Đúng là Minimi tiện dụng, cơ động và dễ sử dụng, nhưng PKM chỉ nặng hơn 1 kg, song xét về tầm bắn hiệu quả thì nó vượt trội hơn nhiều so với Minimi và tất cả các súng máy cùng lớp của nó nhờ loại đạn uy lực hơn. Cũng phải nói rằng, trước đây, quân đội Liên Xô có một loại súng máy dùng băng dây bắn đạn súng trường tấn công 7,62x39 là RPD do Degtyarev thiết kế. Tuy nhiên, cùng với việc đưa vào trang bị súng máy PK, thì RPD đã bị loại bỏ.
Vào những năm 2010, Nhà máy mang tên Degtyarev đã phát triển súng máy Kord 5,45 theo đơn đặt hàng của Vệ binh Quốc gia Nga chứ không phải của quân đội Nga. Còn vào năm 2020, tập đoàn Kalashnikov đã giới thiệu súng trung liên RPL-20 bắn băng dây và nặng tới 5,5 kg. Nhưng không có thông tin về việc nó đã vượt qua thử nghiệm nhà nước hay được đưa vào trang bị.
Các chuyên gia cho rằng, súng máy đa năng PK vẫn tự tin đứng trong tốp đầu các súng máy đa năng trên thế giới. Nhưng vấn đề chính và vẫn chưa được giải quyết là thiếu các kính ngắm quang học hiện đại giống như của các đối thủ phương Tây. Chuyên gia Ivan Languev giải thích: “Việc cần phải lắp kính ngắm quang học cho súng máy là điều không còn nghi ngờ. Súng máy thường bắn ở cự ly 500 m trở lên. Cần phải nhìn thấy mình đang bắn vào đâu, ở đây kính ngắm quang học độ khuếch đại thấp mang lại lợi thế lớn”.
Lính Mỹ ngắm bắn bằng cái gì?
Ở Mỹ, kính ngắm chuẩn trực bắt đầu được sử dụng làm làm kính ngắm tiêu chuẩn vào giữa thập niên 1990. Hồi đó, Mỹ cũng đưa vào trang bị súng trường M16A4 với ray Picatinny trên hộp khóa nòng, còn tay xác súng đã quen thuộc thì làm kiểu có thể tháo rời. Kinh nghiệm từ các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan đã chỉ ra rằng, chỉ kính ngắm chuẩn trực đơn giản thường là không đủ, ngay cả khi nó đi kèm với kính khuếch đại. Hồi đó, quân đội Mỹ đã bắt đầu tích cực sử dụng các kính ngắm quang học có độ khuếch đại nhỏ.
|
Lính thủy đánh bộ Mỹ với súng trường tấn công M-16A4 |
Hiện nay, kính ngắm tiêu chuẩn của quân đội Mỹ là kính ngắm có độ phóng đại nhỏ ACOG (Advanced Combat Optical Gunsight) của công ty Trijicon. Có nhiều biến thể với độ phóng đại từ 1,5-6 lần. Một trong những loại phổ biến nhất là kính ngắm có độ phóng đại 4 lần kết hợp với kính ngắm chuẩn trực nhỏ gọn để bắn ở tầm gần.
Ở Liên Xô, từ thập niên 1970, người ta đã nghiêm túc xem xét khả năng sử dụng kính ngắm chuẩn trực làm kính ngắm tiêu chuẩn trên súng trường tấn công. Nhưng các nghiên cứu được thực hiện đã chỉ ra rằng, kính ngắm chuẩn trực không phải với ai cũng phù hợp: những người thị giác bị tật gì đó sẽ không thể bắn bằng kính ngắm này. Kết quả là người ta phán rằng, một quân đội đông đảo không cần các thiết bị như vậy.
Theo đuổi độ chính xác
Thực sự ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc xung đột quân sự ở Ukraine, trên không gian truyền thông đã thấy sự quan tâm bùng nổ đến các hệ thống bắn tỉa và chính xác cao. Đã xuất hiện nhiều bài viết về việc cung cấp “các súng trường có độ chính xác cao tối tân” cho quân đội Nga. Thường thì đó là các súng trường do công ty Lobaev Arms của chuyên gia vũ khí nổi tiếng Vladislav Lobaev sản xuất.
Các súng trường của Lobaev được định vị là các súng có độ chính xác cao và tầm bắn xa (tầm bắn hiệu quả lên tới 2 km), nhiều loại trong đó sử dụng loại đạn uy lực mạnh như .300 Win Mag, .338 Lapua Magnum, .375/.408 Cheyenne Tactical. Súng của Lobaev Arms không tham gia các cuộc thử nghiệm nhà nước và không chính thức được đưa vào trang bị, nhưng được nhiều cơ quan thực thi pháp luật khác nhau sử dụng. Theo ông Lobaev và một số phóng viên quân sự, các súng trường của ông được các lực lượng tham chiến ở Ukraine tích cực mua sắm và sử dụng.
Cần lưu ý rằng, thái độ đối với lớp vũ khí này trong các cuộc xung đột quân sự quy mô lớn là không rõ ràng. Các chuyên gia quân sự đã nhiều lần lưu ý rằng, các nhiệm vụ chiến đấu ở cự ly từ 1 km trở lên được giải quyết hiệu quả hơn nhờ các loại vũ khí khác.
Một chuyên gia quân sự giải thích: “Tổ bắn tỉa vác trên người cả đống thiết bị đắt tiền: kính ngắm, giá ba chân, trạm khí tượng - và tất cả những thứ này chỉ để giết hoặc làm bị thương một người ở cách xa 1,5 km”. Thực tế là một tổ 3 hoặc 4 tay súng bắn cả loạt vào một mục tiêu cho chắc chắn. Với cùng số lượng người đó, “có thể mang một hệ thống tên lửa chống tăng (ATGW) và phóng một tên lửa vào mục tiêu” và nó chắc chắn sẽ tiêu diệt mục tiêu. Hơn nữa, ngay cả một lính mới được động viên cũng có thể sử dụng ngon lành một ATGW sau vài tháng huấn luyện, trong khi phải mất nhiều năm để huấn luyện một tay súng bắn tỉa, còn chi phí thì tương đương với giá một căn hộ ở Moskva. Để dễ hình dung: giá của một hệ thống bắn tỉa bao gồm một súng trường tầm xa với nòng súng bổ sung, kính nhìn đêm, kính ngắm, trạm khí tượng, ống nhòm, máy đo xa, máy tính bảng, khí tài ảnh nhiệt, kính ngắm đêm và đạn dược có giá gần 3 triệu rúp.
Nhiều chuyên gia coi cái gọi là súng thiện xạ là cấp thiết hơn. Súng thiện xạ là thuật ngữ của Mỹ để chỉ các súng trường bắn tỉa bán tự động bắn đạn súng trường-súng máy cỡ 7,62x54R hoặc 7,62x51. Các hệ thống súng này cho phép tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu ở cự ly lên tới 700-800 m, còn cự ly tác chiến tiêu chuẩn là 300-600 m.Theo ý kiến một người tham chiến, thì các xạ thủ súng trường tấn công thông thường thậm chí ở cự ly 200-300 m thường chỉ đơn giản là bắn về phía địch, còn hỏa lực bắn có ngắm là do xạ thủ súng máy và xạ thủ bắn tỉa (tay súng thiện xạ) thực hiện.
|
Một người lính với súng trường bắn tỉa SVD |
Trong quân đội Nga, súng trường SVD bắn đạn 7,62x54 nổi tiếng chính là nằm trong lớp súng thiện xạ. Trong trang bị của quân đội Ukraine cũng có súng UAR10, một biến thể của súng Bren, và một số súng trường dựa trên nền tảng AR khác. Tất cả đều bắn đạn cỡ 7,62 mm tiêu chuẩn NATO.
SVD cũng có những nhược điểm tương tự như súng AK: đặc tính công thái học lỗi thời, giá đỡ kính ngắm yếu theo chuẩn mực hiện đại và bản thân các kính ngắm tiêu chuẩn, nói nhẹ là không quá hấp dẫn. Các phương pháp khắc phục cũng được biết đến - độ súng kiểu thương mại, các loại báng mới, ốp tay bằng nhôm có giá đỡ tích hợp cho kính ngắm.
Súng SVD cũng có bộ phụ kiện như vậy, về chức năng không thua kém các đối thủ phương Tây hiện đại hơn, nhưng súng sẽ nặng hơn đáng kể và sẽ đắt hơn khoảng 2-2,5 lần so với mẫu cơ sở.
Công nghiệp quốc phòng Nga từ lâu đã đe dọa chế tạo ra một loại súng trường hiện đại thay thế cho SVD. Từ năm 2015, Tập đoàn Kalashnikov đã giới thiệu súng trường bán tự động SVK, sau đó được đổi tên thành SVCh (súng trường bắn tỉa Chukavin) với cỡ nòng 7,62x54 và 7,62 NATO. Viện thiết kế súng săn và súng thể thao trung ương (TsKIB SOO) ở Tula, dựa trên súng trường bắn tỉa bán tự động thử nghiệm OTs-129, đã chế tạo ra khẩu súng trường bắn tỉa quân dụng bán tự động MTs-566. Súng này không được nhận vào trang bị và không được sản xuất loạt. Viện TsKIB thậm chí không có các cơ sở sản xuất cần thiết. Còn súng trường của Tập đoàn Kalashnikov, theo thông tin hiện có, đang được sử dụng thử nghiệm, kể cả ở khu vực Chiến dịch quân sự đặc biệt.
Sau khi bắt đầu Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, công ty của Lobaev đã công bố phát triển cùng lúc hai loại súng trường thiện xạ Schyotchik và SMERSH. Cả hai đều dựa trên súng trường AR10 và sử dụng đạn .308 Win (7,62 mm NATO biến thể thương mại) và .300 Win Mag. Tầm bắn hiệu quả được tuyên bố lên tới 1 km. Kênh Telegram của Vladislav Lobaev đưa tin, cả hai súng trường này đều đang được sử dụng trong vùng chiến sự. Rõ ràng là hiện tại chưa có số liệu thống kê khách quan về việc sử dụng các loại súng này.
|
Máy ngắm ảnh nhiệt Kanyuk |
Nhìn thấy nguồn nhiệt
Khí tài ảnh nhiệt và máy ngắm ảnh nhiệt là những thiết bị được tiêu thụ mạnh nhất trong khu vực chiến sự ở Ukraine. Các thiết bị này dựa trên một thấu kính làm từ các thấu kính germanium và một ma trận vi nhiệt kế không được làm mát được tạo ra từ một loạt các phần tử nhạy cảm; chúng có khả năng thay đổi điện trở tùy thuộc vào bức xạ hồng ngoại đập vào chúng.
Khí tài ảnh nhiệt có thể phát hiện vật thể vào ban ngày, ban đêm, trong sương mù, trong cỏ dày, trong bụi rậm, khiến lưới ngụy trang trở nên vô dụng. Các khí tài ảnh nhiệt chất lượng cao nhất còn phát hiện ra độ tương phản nhiệt độ nhỏ nhất, ví dụ, có thể phân biệt các dấu vết bánh xe do bánh xe ô tô để lại trên tuyết. Tuy nhiên, kính cửa sổ hoặc vách ngăn ván ép được lắp cách một người vài mét sẽ khiến người đó trở nên vô hình trước khí tài ảnh nhiệt.
Khí tài ảnh nhiệt rất đắt tiền. Ngay cả những mẫu khá đơn giản cũng có giá 200-400 nghìn rúp, còn các máy ngắm ảnh nhiệt chất lượng cao có giá 1,5-2 triệu rúp. Phần lớn các khí tài ảnh nhiệt (bao gồm cả những loại được sản xuất tại Nga) đều được sản xuất trên cơ sở ma trận của Mỹ hoặc Pháp, do đó việc sản xuất thiết bị cực kỳ phụ thuộc vào nguồn cung từ các nước này.